Hội thảo khoa học chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên” năm 2024

Trong chuỗi bốn hội thảo về kỹ thuật Y học cổ truyền giác hơi và chích lể, Viện Y dược học dân tộc vừa tổ chức buổi hội thảo thứ 3 với chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên”.

0
309

Trong chuỗi bốn hội thảo về kỹ thuật Y học cổ truyền giác hơi và chích lể, Viện Y dược học dân tộc vừa tổ chức buổi hội thảo thứ 3 với chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên”.
Chích lể là một phương pháp điều trị từ y học cổ truyền, đã và đang được áp dụng rộng rãi trong việc điều trị nhiều loại bệnh. Chích (hay còn gọi là Trích) là việc sử dụng kim tam lăng hoặc kim hào để đâm nhẹ vào các điểm huyệt hoặc vùng da có máu ứ đọng, khiến máu tự vọt chảy ra ngoài. Lể (hay còn gọi là Nhể) là việc kéo da lên và sử dụng kim đâm nhẹ vào các điểm tụ huyết hoặc xuất huyết, khiến máu không tự chảy ra mà cần phải dùng tay nặn. Phương pháp này nhằm loại bỏ các chất độc và máu độc trực tiếp khỏi cơ thể, giúp mở thông các kinh mạch và cân bằng khí huyết mang lại nhiều giá trị cho người bệnh, giúp họ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Phương pháp chích lể này được sử dụng nhiều trong cộng đồng, tuy nhiên do vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn không an toàn, nên có nguy cơ gây ra các bệnh lý truyền nhiễm qua đường máu.

Hội thảo chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên”

Để hiểu rõ hơn về phương pháp chích lể về hiệu quả và cách làm an toàn trong việc điều trị bệnh, vừa qua Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên” năm 2024. Hội thảo đã giới thiệu các qui trình kỹ thuật về chích lể vùng cổ, vai, gáy, lưng và chi trên, và những bệnh lý ứng dụng liên quan như Hội chứng cổ vai gáy, đau lưng cấp và mạn, hậu Zona, đau thần kinh liên sườn, các bệnh lý gây tê đầu ngòn tay, ngón chân, viêm họng cấp…Tham dự hội thảo có đại diện Ban giám đốc Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, và hơn 500 học viên đăng ký tham dự trực tiếp và trực tuyến.
Hội Thảo khoa học chủ đề “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng lưng và chi trên” không chỉ là cơ hội để cập nhật kiến thức mà còn là dịp để các chuyên gia y tế giao lưu, học hỏi và cùng nhau nâng cao chất lượng điều trị. Trong buổi hội thảo TS. BS Trương Thị Ngọc Lan đã kiến tập, thực hành các kỹ năng về phương pháp chích lể trên một số người bệnh. Giúp cho người xem có cái nhìn tổng quan, dễ hình dung và biết rõ về quy trình thực hiện kỹ thuật chích lể trong điều trị vùng lưng và chi trên cho người bệnh và học viên tình nguyện.
Ưu điểm lớn của phương pháp chích lể là sự đơn giản, nhanh chóng và không mất nhiều thời gian. Trong thời gian ngắn, các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị và thực hiện thủ thuật. Điều này giúp người bệnh cảm thấy hiệu quả và giảm đau ngay sau khi thực hiện.
Hiện tại một số cơ sở y tế đã và đang sử dụng phương pháp chích lể một cách hiệu quả trong quá trình điều trị. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hiệu quả của chích lể là rất cao, với tỉ lệ lên đến 96% trong việc điều trị chích chắp lẹo, 65% trong việc giảm viêm quanh khớp vai, 70% trong trường hợp đau đầu mất ngủ, và 80% trong việc giảm viêm khớp phản ứng.
Đây là phương pháp trực tiếp loại bỏ các chất độc và máu độc ra khỏi cơ thể để khai thụng các kinh mạch, giúp cho khí huyết được điều hoà. Phương pháp này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế được đào tạo kỹ thuật.

TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc phát biểu trong buổi hội thảo

Để tránh những phản ứng không mong muốn như vựng châm, mệt mỏi, người bệnh cần ăn no, không đang cao huyết áp hay huyết áp thấp, các bệnh lý tim mạch cấp tính, không đang quá mệt hay đang say rượu. Cần tư vấn kỹ lưỡng về kỹ thuật trước khi thực hiện và tránh cho người bệnh nhìn thấy thủ thuật vì nhiều người sợ nhìn thấy máu. Chủ đề cuối trong bốn chủ đề về giác hơi và chích lể là “Hiệu quả của kỹ thuật chích lể trong điều trị các bệnh lý vùng chi dưới” sẽ được tổ chức vào tháng 10.
Một số hình ảnh tại hội thảo:

TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thực hiện kỹ thuật chích lể trên bệnh nhân
Học viên đang thực hành chích lể tại vùng lưng
Bệnh nhân được chích lể tại vùng chi trên
Học viên đặt câu hỏi cho TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc
SHARE