Hội thảo có sự tham gia trình bày của ThS.DS. Hà Văn Hùng với chuyên đề “Ảnh hưởng, tác hại của xông lưu huỳnh và biện pháp loại bỏ tồn dư SO₂”, cùng ThS.DS. Phạm Minh Quân với chuyên đề “Kỹ thuật bào chế viên bao đường”. Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, giảng viên, học viên, cán bộ y tế và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực y học cổ truyền và công nghệ bào chế thuốc.
- Ảnh hưởng, tác hại của xông lưu huỳnh trong bảo quản dược liệu
Ths.Ds. Hà Văn Hùng báo cáo chuyên đề “Ảnh hưởng, tác hại của xông lưu huỳnh với mục đích bảo quản dược liệu và vị thuốc. Cách loại bỏ tồn dư so2 trong dược liệu và vị thuốc cổ truyền” Theo ThS.DS. Hà Văn Hùng, xông lưu huỳnh là phương pháp truyền thống được sử dụng phổ biến tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Á nhằm bảo quản dược liệu sau thu hoạch. Phương pháp này giúp chống nấm mốc, diệt côn trùng và giữ màu sắc đẹp cho dược liệu. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện đại cho thấy việc xông lưu huỳnh có thể làm biến đổi thành phần hóa học, giảm tác dụng sinh học và gây nguy cơ tồn dư SO₂ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Cụ thể, SO₂ có thể kích thích mắt, da, đường hô hấp, gây nhức đầu, buồn nôn, thậm chí gây rối loạn hô hấp mạn tính. Các nghiên cứu trên nhiều dược liệu như Bạch chỉ, Bạch thược, Cam thảo, Cát cánh, Đương quy, Hoàng kỳ, Nhân sâm… đều chỉ ra sự suy giảm đáng kể hàm lượng các hoạt chất chính sau xông lưu huỳnh, điển hình như:
- Bạch chỉ: giảm 60% imperatorin – chất có tác dụng chống viêm, bảo vệ gan.
- Bạch thược: chuyển hóa Paeoniflorin thành hợp chất chứa lưu huỳnh ít hiệu lực và có khả năng gây độc.
- Cam thảo: giảm mạnh Liquiritin – thành phần điều hòa miễn dịch.
- Cát cánh: biến đổi các glycosid chủ lực có tác dụng kháng virus, chống viêm.
- Đương quy: mất mát acid ferulic và các chất chống đông máu.
- Hoàng kỳ, Nhân sâm: thay đổi cấu trúc hoạt chất, ảnh hưởng đến khả năng điều hòa miễn dịch.
ThS.DS. Hùng nhấn mạnh việc cần kiểm soát hàm lượng SO₂ tồn dư, đồng thời khuyến nghị thay thế phương pháp xông lưu huỳnh bằng các kỹ thuật bảo quản an toàn hơn, phù hợp với yêu cầu kiểm nghiệm và chất lượng trong Dược điển Việt Nam.
-
- Kỹ thuật bào chế viên bao đường trong Đông dược
ThS.DS. Phạm Minh Quân báo cáo chuyên đề “Kỹ thuật bào chế viên bao đường”. Trình bày nội dung thứ hai tại hội thảo, ThS.DS. Phạm Minh Quân giới thiệu chi tiết về kỹ thuật bào chế viên bao đường – một phương pháp kinh điển trong sản xuất thuốc Đông dược và Tây dược.
Viên bao đường là dạng viên nén được bao ngoài bởi nhiều lớp hỗn hợp gồm đường, nhựa tự nhiên hoặc tổng hợp, gôm, có thể chứa thêm hoạt chất. Phương pháp này giúp:
- Che giấu mùi vị khó chịu của thuốc.
- Cải thiện hình thức viên thuốc (bóng đẹp, bắt mắt).
- Bảo vệ viên thuốc khỏi ẩm, ánh sáng, tăng độ bền cơ học.
- Giảm kích ứng dạ dày, kiểm soát giải phóng dược chất.
Quy trình bao gồm 6 giai đoạn: cách ly nhân – bao nền – bao nhẵn – bao màu – đánh bóng – đóng gói bảo quản. Mỗi giai đoạn đều có các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt về độ dính, độ ẩm, nhiệt độ và thời gian sấy, nhằm đảm bảo chất lượng, độ bền, độ rã và tính thẩm mỹ của viên thuốc.
Phương pháp được ứng dụng rộng rãi trong bào chế thuốc cổ truyền dạng viên hoàn cải tiến, đồng thời có khả năng kết hợp cao lỏng từ dược liệu, giúp tối ưu hóa công dụng và tiện lợi cho người sử dụng.
Hội thảo là dịp để đội ngũ cán bộ chuyên môn, học viên và đơn vị sản xuất thuốc cổ truyền cập nhật kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận các xu hướng phát triển mới trong bảo quản và bào chế thuốc.
Viện Y Dược học dân tộc khẳng định vai trò là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật và đào tạo chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng, an toàn và hiệu quả trong thực hành y học cổ truyền, hướng đến mục tiêu phát triển nền y học dân tộc hiện đại, hội nhập và bền vững.