Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm vào hai kinh tỳ và vị, có tác dụng ôn trung, giảm đau, tiêu thức ăn, chữa đau bụng do lạnh, phong thấp, sốt rét, hắc lào, lang ben… Cây riềng là loại cây nhỏ, thân rễ mọc bò ngang, dài. Cụm hoa mặt trong màu trắng, mép hơi mỏng, kèm hai lá bắc hình mo, một màu xanh, một màu trắng. Lá không cuống, có bẹ, hình mác dài.
Tên khác: Cao lương khương
Cách trồng: Trồng bằng thân rễ ở nơi đất xốp tươi.
Bộ phận dùng: Thân, rễ.
Thu hái chế biến: Vào tháng 7 – 11 đào lấy củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, vẩy lá, cắt thành từng đoạn hoặc thái lát phơi khô.
Công dụng: Làm thuốc kích thích tiêu hoá, chữa đầy hơi, đau bụng, nôn mửa, ỉa chảy do lạnh.
Liều dùng: 6 – 12g/ngày
BÀI THUỐC ỨNG DỤNG
Bài 1. Rượu chữa ỉa chảy và xoa bóp những chỗ đau
Riềng 100g Quế nhục 20g
Gừng khô 100g Rượu trắng 400 1000ml
Tất cả tán nhỏ ngâm trong rượu 3 tuần. Dùng dần trong những trường hợp sau:
Khi đau bụng đầy chướng mỗi lần uống một ly nhỏ
Đau nhức tẩm rượu vào bông đắp vào nơi đau và xoa bóp nhẹ nhàng. Trẻ em dùng xoa xung quanh rốn.
Nếu cho trẻ uống thì đun sôi cho bốc bớt hơi rượu và pha thêm nước đường, liều lượng tuỳ theo tuổi cho uống 1/3 – 1/2 liều người lớn.
Bài 2. Chữa đau bụng nôn mửa
Riềng 6g Đại táo 3 quả
Sắc với 200ml nước, còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày. Nếu không có đại táo thay bằng gạo rang vàng 12g và mấy khẩu mía.