Malaysia đã đạt được một bước tiến lớn trong hơn một thập kỷ qua trong lĩnh vực du lịch y tế. Lịch sử phát triển du lịch y tế ở Malaysia bắt đầu sau khi thoát khỏi thuộc địa nước Anh vào năm 1957. Qua hơn 60 năm, Malaysia đã cùng với Singapore và Thái Lan đã lập nên một trong những kỷ lục tốt nhất ở Châu Á về du lịch y tế, là những quốc gia được xếp vào “top 10” các nước trên thế giới thu hút khách du lịch quốc tế.

Hiện nay, Malaysia thật sự trở thành một trong những chọn lựa hàng đầu về điểm đến của khách du lịch y tế trên thế giới. Du lịch y tế của Malaysia đã được cả thế giới biết đến nhờ triển khai thành công chiến lược cạnh tranh điểm đến cho khách du lịch, đó là cơ sở hạ tầng hiện đại với các chuyên gia y tế giỏi và giá cả cạnh tranh.
Số lượng khách du lịch y tế nội địa của Malaysia trong năm 2012 đến 2014 liên tục tăng từ 25.032.708 lên 27.437.315 lượt. Riêng khách du lịch y tế nước ngoài, trung bình mỗi tháng có từ một đến hai triệu lượt trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2014. Du lịch y tế tại Malaysia đã có sự tăng trưởng đáng kể và cao nhất là vào năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ khách du lịch y tế đã giảm xuống 3,7% trong năm 2015 (so với năm 2014), nhưng điều này không làm thay đổi thực tế rằng Malaysia vẫn là một quốc gia trong những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho du lịch y tế.

Những bài học kinh nghiệm có thể đúc kết được từ Malaysia về phát triển du lịch y tế:

(1) Chính phủ Malaysia có chủ trương đầu tư phát triển và quảng bá du lịch y tế: Malaysia thật sự bắt đầu thúc đẩy phát triển loại hình du lịch y tế từ sau cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở các nước Châu Á vào năm 1997, cuộc khủng hoảng này đã làm hiệu suất của du lịch y tế giảm mạnh. Đến năm 1998, Chính phủ Malaysia bắt đầu củng cố phát triển và quảng bá du lịch y tế, du lịch y tế được xem là một phân nhánh mới của cả hai lĩnh vực y tế và du lịch, với sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau cho du lịch y tế phát triển, nhất là cạnh tranh “điểm đến” tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch. Du lịch y tế tại Malaysia được Bộ Y tế tạo điều kiện phát triển và giám sát.
(2) Phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và chất lượng dịch vụ: Một trong những lý do khiến Malaysia luôn được xem như một điểm đến về du lịch y tế đó là cơ sở hạ tầng của các bệnh viện đều được đầu tư hiện đại ngang bằng các nước khác trong khu vực Châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Philippines và Hàn Quốc. Đây là những quốc gia được đánh giá là có nhiều bệnh viện tốt nhất về cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ hiện đại và có chuyên gia y tế giỏi. Một trong những thành công của Malaysia đó là các cơ sở y tế khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đã thu hút khách du lịch y tế từ các nước láng giềng và các nước từ các khu vực khác trên thế giới, nhất là các nước Trung Đông.

(3) Phát huy được thế mạnh về y học cổ truyền và y học bổ sung: Theo nhận định của TCYTTG (2017), y học cổ truyền và y học bổ sung (Traditional and Complementary Medicine – TCM) hoặc y học thay thế (Alternative Medicine) ở Malaysia đã thật sự là một phần của năng lực cạnh tranh điểm đến cho khách du lịch y tế tại Malaysia. Ước tính, y học cổ truyền và y học bổ sung đã đóng góp nguồn thu cho Malaysia khoảng 1.000 triệu RM mỗi năm. Theo chính sách quốc gia về y học cổ truyền và bổ sung của Bộ Y tế Malaysia (năm 2007), TCM là một hoạt động liên quan đến sức khỏe nhằm mục đích bảo tồn, phòng ngừa, điều trị hoặc quản lý bệnh tật cũng như sức khỏe tinh thần và thể chất của con người. TCM có thể bao gồm sự kết hợp giữa thực hành y tế của các nền văn hóa khác nhau, bao gồm y học cổ truyền Malay, y học cổ truyền Hồi giáo, y học cổ truyền Trung Quốc, y học cổ truyền Ấn Độ, và các liệu pháp bổ sung khác.
(4) Giá cả dịch vụ kỹ thuật cạnh tranh với các nước trong khu vực: Chi phí khám, chữa bệnh tại Malaysia luôn thấp hơn các nước trong khu vực đang triển khai du lịch y tế. Malaysia luôn sẵn có các cơ sở khám, chữa bệnh với chất lượng cao với giá phải chăng đã thu hút khách du lịch rời khỏi Singapore để chuyển sang Malaysia, Singapore là nơi mà chi phí y tế thường tăng vọt mặc dù trải nghiệm của bệnh nhân sau khi sử dụng các dịch vụ y tế tại Singapore luôn được đánh giá là hấp dẫn nhất. Một ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần với một chi phí được cho là tương đối thấp tại một bệnh viện tư nhân ở Singapore là 14.000 USD, trong khi tại Trung tâm y tế Mahkota ở Malaysia chỉ có giá 8.800 USD.

(5) Kết nối ngành y tế và ngành du lịch, vận dụng hiệu quả cả 3 loại hình của du lịch y tế, nhất là loại hình “Du lịch y tế Diaspora”: Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ và giá thành cạnh tranh nhằm thu hút khách du lịch y tế trong nước và quốc tế (loại hình 1 và 2 của du lịch y tế), Malaysia đã vận dụng thành công loại hình du lịch y tế Diaspora (loại hình 3). Đó là thu hút khách du lịch y tế từ các nước Trung Đông đến với thương hiệu Malaysia như một quốc gia Hồi giáo. Các cơ sở y tế đạt tiêu chí “halal” (Trung tâm Du lịch Hồi giáo Malaysia – 2017), như đạt chứng nhận JAKIM ‘Halal Hub – một chứng nhận cho nhiều ngành công nghiệp ở các nước Hồi giáo, trong đó có ngành du lịch y tế. Chứng nhận Halal là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của cơ quan/tổ chức được cấp phép để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram (chất cấm theo quy định của luật Hồi giáo) và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.

SỞ Y TẾ TP.HCM

SHARE