Năng lực cần có của nhà quản lý bệnh viện

0
674

Bệnh viện đóng một vai trò quan trọng trong các hệ thống y tế cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trên toàn cầu. Để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC) đòi hỏi phải xác định rõ vai trò của bệnh viện trong việc cung cấp dịch vụ và nỗ lực nhằm tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của họ. Mới đây, TCYTTG đã đưa ra những năng lực cần có cho nhà quản lý bệnh viện trước những thách thức mới và yêu cầu mới qua chuyên đề “Regional Action Framework on Improving Hospital Planning and Management in the Western Pacific”, 2018.

Trong khu vực Tây Thái Bình Dương, nhiều quốc gia đang nỗ lực để cải thiện hoạt động lập kế hoạch và quản lý bệnh viện, ở cả cấp cơ sở (bệnh viện) và cấp hệ thống y tế. Theo các chuyên gia quản lý y tế của TCYTTG, những thách thức ở cấp bệnh viện bao gồm: quản lý yếu kém, không hiệu quả, chi phí cao do quản trị lâm sàng kém,thách thức về chất lượng và an toàn. Ở cấp độ hệ thống y tế, các thách thức bao gồm sự tích hợp và phối hợp ở mức giới hạn của các bệnh viện và chăm sóc sức khỏe ban đầu, các cơ chế và thủ tục phản hồi không đầy đủ, các ưu đãi tài chính và quy định còn yếu kém. Những thách thức này lại xảy ra trong bối cảnh lão hóa dân số nhanh chóng, tình trạng sức khỏe với các bệnh mạn tính chiếm ưu thế, áp lực tài chính bệnh viện và cung ứng dịch vụ, công nghệ y tế và dược phẩm mới, cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân và sự gia tăng kỳ vọng của người dân.


Những điểm yếu của các bệnh viện và hệ thống y tế của các nước trong khu vực Tây Thái bình dương (TCYTTG – 2018)

Do tầm quan trọng của bệnh viện và phạm vi thách thức, việc cải thiện hoạt động lập kế hoạch và quản lý bệnh viện là một vấn đề quan trọng đối với các quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Lộ trình hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân đòi hỏi phải có một cách tiếp cận toàn hệ thống, kết nối bệnh viện với các bộ phận khác của hệ thống y tế, để đảm bảo cung cấp dịch vụ tích hợp, tập trung vào con người, với định hướng lại theo hướng chăm sóc ban đầu.

Một khung hành động đã được TCYTTG xây dựng nhằm hỗ trợ các nước thành viên trong khu vực cải thiện hiệu quả bệnh viện thông qua quy định, tài chính và phản hồi tốt hơn, tăng cường tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế, tập trung vào con người với chất lượng đầy đủ. Bệnh viện phải đóng vai trò của mình để thúc đẩy mục tiêu tổng thể của bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Để cải thiện hiệu quả của bệnh viện, các chính sách và hành động là cần thiết ở cả cấp cơ sở (bệnh viện) và cấp hệ thống y tế.


Khung hành động cấp cơ sở (bệnh viện) và cấp hệ thống y tế của TCYTTG – 2018

Những cải tiến trong hoạt động của bệnh viện là rất quan trọng để tiến tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Khi cơ sở y tế hoạt động tốt, hiệu suất tổng thể của hệ thống y tế được cải thiện. Ở cấp cơ sở là bệnh viện, đòi hỏi nhà quản lý bệnh viện phải chú ý đến các khía cạnh thể chế ảnh hưởng đến trách nhiệm, hiệu quả, chất lượng, công bằng và tính bền vững và khả năng phục hồi – đây cũng là 5 thuộc tính liên quan của một hệ thống y tế có hiệu suất cao.

Hành động ở cấp cơ sở (bệnh viện) phải được thực hiện trong bối cảnh các chính sách và hành động ở cấp hệ thống y tế. Cải thiện hiệu quả đòi hỏi mục tiêu rõ ràng của bệnh viện trong hệ thống y tế và chức năng rõ ràng cho các tổ chức hỗ trợ bệnh viện để đạt được các mục tiêu này. Ở cấp độ hệ thống y tế, các trình điều khiển chính là tài chính, quy định và phản hồi.


Những năng lực cần có của lãnh đạo bệnh viện (TCYTTG- 2018)

Ở cấp cơ sở, đội ngũ quản lý bệnh viện phải có khả năng đánh giá và nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hàng ngày của bệnh viện. Cần có sự lãnh đạo hiệu quả để quản lý tài chính, quản lý nhân lực, lập kế hoạch và vận hành, chất lượng và an toàn người bệnh, thông tin bệnh viện, quan hệ với các đối tác và cộng đồng.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

SHARE