Người dân sử dụng cây nở ngày đất như thần dược, nhưng trong phòng thí nghiệm chuột thí nghiệm đều lăn ra chết khi uống nước sắc từ cây thuốc này.
Theo TS Trương Thị Ngọc Lan, đối với thử nghiệm độc tính cấp, động vật thí nghiệm được chọn là chuột nhắt trắng vì đây là loài nhạy cảm, có quá trình chuyển hóa gần giống ở người. Khi kết quả nghiên cứu trên chuột hoàn chỉnh, sẽ tiến hành nghiên cứu tác dụng của thuốc trên người.
Từ liều nghiên cứu trên động vật thí nghiệm, bác sĩ sẽ suy ra liều dùng điều trị trên người cho hợp lý. Tuy nhiên, tất cả phải dựa trên cơ sở khoa học hoặc chứng minh thực tế thông qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng được công bố chính thức, từ đó mới áp dụng điều trị.
Chuột chết khi tăng liều gấp 6 – 10 lần
TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó trưởng phòng Đào tạo – nghiên cứu khoa học – chỉ đạo tuyến, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM kể: “Khoảng tháng 11/2014, tại TP.HCM rộ lên phong trào “săn lùng” sử dụng cây nở ngày đất. Giá cây tăng mạnh. Thậm chí, một số bệnh nhân đang điều trị tại Viện có ý định chuyển sang uống cây nở ngày đất để trị bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp…”.
Theo TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu ghi nhận tác dụng trên thực nghiệm của cây nở ngày đất. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu công bố về tác dụng của cây nở ngày đất mọc tại Việt Nam, nhất là về tác dụng và độc chất của cây.
Trước thực trạng người dân đua nhau trị bệnh theo phong trào mà không rõ hiệu quả của “loại thuốc” này, Viện nhanh chóng vào cuộc thực hiện “Khảo sát độc tính của cây nở ngày đất trên thực nghiệm tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM”.
“Viện đã mua cây nở ngày đất, loại có bông màu trắng, thân và lá màu xanh được bán từ các xe đẩy trên đường phố và các cơ sở buôn bán Đông dược tại thị trường TP.HCM để tiến hành nghiên cứu độc tính. Đối tượng được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là chuột nhắt trắng được chia thành hai nhóm, một nhóm uống nước sắc cây nở ngày đất (bao gồm cả rễ cây) dạng tươi và nhóm còn lại uống dạng khô.
Liều nước sắc dân gian thường dùng trên người là 200g/ngày đối với cây tươi và 100g/ngày đối với cây khô. Lúc đầu, chúng tôi thử tăng liều gấp 10 lần so với liều thông dụng thì hàng loạt chuột đều chết nhanh chóng. Sau đó, hạ liều thử nghiệm xuống còn gấp 6 liều thông thường thì hàng loạt chuột thí nghiệm xảy ra tình trạng co giật và chết sau 30-45 phút” – ThS Nguyễn Thị Diệu, Phó trưởng khoa Thực nghiệm, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết.
BS CKI Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khuyến cáo: việc xác định độc tính cấp của thuốc trên động vật thí nghiệm nhằm đánh giá độc tính và độ an toàn của thuốc đó, là cơ sở để xác định chỉ số điều trị – một thông số rất quan trọng để xem xét có nên đưa thuốc đó vào dùng trên người hay không.
Nếu loài cây có độc nhưng có tác dụng điều trị thì bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thuốc với hàm lượng không gây độc, nhưng đạt hiệu quả nhất và nên dùng bộ phận nào của cây hay dùng nguyên cây. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, cây nở ngày đất có độc tính chứ không phải hoàn toàn vô hại.
Điều này đã được ghi nhận trong các nghiên cứu trên thế giới cũng như Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo, cây nở ngày đất thuộc nhóm thực vật có độc tính. Viện đang tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn vấn đề trên cũng như việc sử dụng cây nở ngày đất trong thời gian dài.
Nhiều nơi vẫn “sốt” cây nở ngày đất
Dù phong trào mua bán cây nở ngày đất không còn nhộn nhịp như thời điểm tháng 11/2014, nhưng nhu cầu sử dụng tại TP.HCM vẫn tiếp tục tăng cao. Chiều 11/10, nhiều người dân bán trái cây lẫn cây nở ngày đất đứng xếp lớp dọc cuối đoạn đường Trường Chinh, Q.Tân Bình. Khi tôi hỏi mua, chị An – một người bán cây nở ngày đất tại đây hối hả:
“Một ký 40.000đ. Anh đem về sắc nước uống, phơi khô hay uống tươi đều được”. Khi chúng tôi hỏi cây này có trị hết bệnh không hay chỉ là tin đồn, chị An trố mắt: “Lúc trước, nhiều người hỏi mua, giá một ký lên đến 80.000đ nhưng không có hàng để bán, giờ rẻ rồi đó. Nhiều người uống điều trị bệnh gút, đau khớp, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư… Ngày nào tôi cũng bán 20 – 30 ký”.
Tương tự, chủ một xe đẩy bán cây nở ngày đất trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh cho hay: “Cây nở ngày đất chữa đau lưng, nhức mỏi, khớp gối, tiểu đường, bệnh gút… Giá một ký là 55.000đ, nửa ký là 30.000đ”.
Thấy khách tỏ ra hời hợt, chủ xe đẩy “kích cầu”: “Lúc trước báo chí đăng rần rần về hiệu quả của cây nở ngày đất chữa nhiều bệnh đó. Vì nhiều người biết công dụng của nó rồi nên tôi không đem theo mấy tờ báo, chứ lúc trước bán, tôi dán sẵn mấy tờ báo trước xe cho khách xem”.
BS CKI Huỳnh Nguyễn Lộc chia sẻ, Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi, NXB Y học 1997 tập 2, trang 877) cho biết:
“Theo dân gian, rễ cây nở ngày đất sắc uống trị ho, cảm cúm, kích thích tiêu hóa tốt, loại bỏ căng thẳng mệt mỏi; toàn cây sắc uống có tác dụng tiêu độc. Tuy nhiên, chưa có tài liệu nào nghiên cứu về tác dụng của cây nở ngày đất, đặc biệt là đối với bệnh gút và tiểu đường. Trong lúc chờ nghiên cứu, người dân không nên tự ý sử dụng cây nở ngày đất mà cần có chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất, khi có vấn đề về sức khỏe nên đến khám, điều trị và được theo dõi tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín”.
Cùng quan điểm trên, BS Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, thực tế cây nở ngày đất có rất nhiều loài như: globosa, celosiosides, rubra… Theo một số tài liệu nước ngoài, cây nở ngày đất có chứa chất fl avones, fl avonoids, glycosides, steroids… với tác dụng hạ sốt, kháng viêm, hạn chế phát triển của một số loại vi khuẩn, lợi tiểu, chống oxy hóa.
Đây là một loại cây có dược tính, có thể dùng làm thuốc chữa một số bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, giới thầy thuốc Đông y chỉ mới sử dụng theo kinh nghiệm. Cây chưa được nghiên cứu về độc tính, tác dụng dược lý lâm sàng, chỉ định điều trị đối với hai loại bệnh tiểu đường và gút.
Tiểu đường và gút thuộc loại bệnh rối loạn chuyển hóa chất đường và đạm nên nguyên tắc điều trị là tuân thủ chế độ ăn khoa học, tập luyện hợp lý và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên dựa vào tin đồn, lời mách bảo của những người không có chuyên môn, tùy tiện sử dụng. Việc dùng cây này khi chưa xác định được liều lượng, sự tương tác với các thuốc khác… có thể xảy ra tai biến.
Hoàng Sa
Viện Y dược học dân tộc nên công bố rộng rãi kết quả nghiên cứu
Một bác sĩ Đông y cho rằng, trong nghiên cứu, bước đầu tiên để các nhà khoa học thực hiện thường sử dụng liều gây chết trung bình với khoảng 50% súc vật thí nghiệm, từ đó tính ra liều sử dụng an toàn.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, với nghiên cứu này, chứng tỏ trong cây nở ngày đất có độc khi sử dụng liều cao. Sau nghiên cứu này, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM nên công bố rộng rãi để nhiều nhà khoa học khác có thể nhập cuộc nghiên cứu các bước tiếp theo.
Nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu hạ dần liều đến ngưỡng an toàn, rồi mới thử tác dụng dược lý xem cây nở ngày đất có hạ được axít uric chữa bệnh gút hay hạ lượng đường trong điều trị bệnh tiểu đường hay không.
Hiện nay, giới Đông y đang rất nghi ngờ công dụng chữa bệnh gút và tiểu đường của cây nở ngày đất. Nếu như cây nở ngày đất chỉ điều trị được bệnh gút và tiểu đường ở liều cao thì cũng vô nghĩa vì liều cao sẽ gây chết người. Tuy nhiên, cần có thời gian nghiên cứu thêm về độc tính theo giai đoạn bán trường diễn (kéo dài hai tháng) rồi trường diễn (ba-sáu tháng) trên chuột.