Lao đao đưa con đi chữa tự kỷ
Đứng bên cạnh động viên em T.H.T.K. (16 tuổi, ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) đang nhăn nhó để bác sĩ làm điện châm, chị Trần Mỹ Duyên (mẹ của K.) xót xa: lúc mới sinh ra, bé K. kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác, chị nuôi K. rất nhẹ nhàng do bé bú khỏe, ít quấy khóc.
Đến khi bé được 16 tháng tuổi, K. bắt đầu có những biểu hiện lạ, mẹ đặt đâu ngồi đấy, kêu tên không phản ứng, không giao tiếp với ai.
Lên 6 tuổi, dù gia đình làm mọi cách, kể cả mời cô giáo trị liệu ngôn ngữ riêng cho bé, nhưng K. vẫn không chịu nói. Lúc này, cha của K. mới chấp nhận con trai có vấn đề. Chị Duyên lại tiếp tục tìm nơi chữa bệnh cho con nhưng bé K. chỉ được chỉ định thuốc an thần, động kinh. Chị Duyên còn ôm bé sang Singapore tìm bác sĩ.
Cho đến năm 2018, chị Duyên vô tình biết được Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM có thể điều trị tự kỷ liền đưa K. đến.
Sau khi khám bệnh, bác sĩ lên phác đồ trị liệu bằng châm cứu, cấy chỉ cho em. Theo đó, K. nhập viện 3 tuần để bác sĩ thực hiện liệu trình châm cứu, xoa bóp, trị liệu ngôn ngữ, tập vận động… tiếp theo, bác sĩ cấy chỉ tự tiêu ở đầu, lưng, chân nhằm kích thích huyệt đạo vùng ngôn ngữ, trí não, tạng thận và cho em xuất viện. Tùy tình trạng của K., bác sĩ sẽ chỉ định thời gian và phác đồ điều trị tiếp theo.
Chị Duyên cho biết: “Ban đầu thấy con đau tôi cũng rất ngần ngại, nhưng sau liệu trình đầu tiên, K. đã có những chuyển biến tích cực. Cháu chịu tiếp xúc với mọi người, nghe, hiểu kiến thức trên lớp, và chịu hợp tác khi mẹ hướng dẫn hành vi, tự làm bài tập về nhà.
Mỗi lần cháu làm được những chỉ dẫn của mẹ như biết dội nước sau khi đi vệ sinh, tự tắm một mình, thay đồ đi học… cháu đều kéo tay mẹ để khoe và thích được khen.
Đến nay, K. đã theo được ba liệu trình, lần này bác sĩ phát hiện K. phản ứng tốt với màu sắc nên khuyên gia đình cho cháu đi học vẽ. Thật vậy, K. mê hội họa và có nhiều tranh rất đẹp. Tuy chưa hòa nhập nhiều như bạn bè, nhưng K. tự ý thức được mình khác các bạn và lúc nào cũng cố gắng. Cả nhà tôi đều vui mừng”.
Còn bé P.V.T. (3 tuổi, ở Q.Thủ Đức) mắc tự kỷ nhẹ hơn K., bé tiếp xúc tốt với người xung quanh, nhưng tập trung kém, không nói được. Sau khi điều trị được nửa chu kỳ, bé T. có phản ứng cười, khóc, nói được từ đơn như “mẹ”, “bà”, “cá”…
Tuy nhiên, bé chỉ nói theo ý thích chứ chưa giao tiếp được với người thân. Bác sĩ cho biết, bé T. đang đáp ứng tốt với phác đồ hiện tại, hy vọng mẹ của bé kiên nhẫn để con thực hiện hết liệu trình để cấy chỉ kích thích vùng ngôn ngữ cho bé.
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết, bệnh viện đã hoàn tất tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao “Tư vấn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ” từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương và đang điều trị giảm nhẹ cho bệnh nhân tại đây.
Bác sĩ Diệp nói thêm: “Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đến điều trị tự kỷ, đa số là bệnh nhi từ 3 tuổi trở lên. Với những bé bị tự kỷ tăng động, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi đều có đáp ứng rất tốt.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc điều trị là phụ huynh không kiên trì, thường bỏ ngang hoặc cho con em mình đến các bệnh viện khác, một thời gian sau quay trở lại thì đã quá muộn, bé bị bỏ qua giai đoạn vàng”.
Theo bác sĩ Diệp, giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 1 đến 3 tuổi, trong khoảng thời gian này, nếu trẻ thờ ơ, không biết cười, giao tiếp mắt kém, không phân biệt được người quen, người lạ, thu mình, không bộc lộ cảm xúc, nhất là không nói, không phản ứng, phụ huynh nên nghĩ ngay đến chứng tự kỷ ở trẻ.
Trẻ được điều trị giảm nhẹ, không phải chữa dứt bệnh tự kỷ
Bác sĩ Dương Văn Tâm, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho hay, từ năm 2013 bệnh viện này đã được Bộ Y tế cho phép thành lập Khoa Tự kỷ. Từ khi được thành lập, số lượng bệnh nhi đến điều trị ngày một tăng, trung bình mỗi ngày có từ 150-200 bé.
Bác sĩ Tâm cho biết: “Hiện nay, Tây y cho rằng tự kỷ là một chứng rối loạn cảm xúc, nguyên nhân do yếu tố gen nên không thể điều trị, mà chỉ hỗ trợ bằng thuốc ức chế về thần kinh cho trẻ. Nhưng với Đông y, tôi khẳng định đây là một loại bệnh và có thể sửa chữa.
Trẻ mắc tự kỷ có các tổn thương ở các tạng phủ, kinh mạch với những mức độ khác nhau, bác sĩ Đông y sử dụng các kỹ thuật của y học cổ truyền như châm cứu, cấy chỉ tác động vào huyệt vị để điều trị. Mặc dù để chữa khỏi hoàn toàn là điều không thể, nhưng Đông y có thể giúp trẻ tự chủ được cuộc sống của mình”.
Theo đó, phương pháp điện châm, thủy châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt giúp hệ thần kinh trung ương của trẻ phục hồi, tạo lập các chức năng vận động, nghe nói, giao tiếp, cải thiện trí nhớ.
Khi trẻ đã nhận thức, người thân, giáo viên sẽ cho trẻ chơi đồ chơi, hướng dẫn các việc cá nhân, tập diễn đạt, nuôi dưỡng cảm xúc từ việc đơn giản nhất để trẻ dần thích nghi rồi giúp trẻ điều chỉnh hành vi, thói quen tập trung, thích nghi…
Cụ thể, trên những tổn thương của trẻ, bác sĩ sẽ điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt để tác động lên huyệt vị, kinh lạc mỗi ngày nhằm kích thích vùng nhận thức, ngôn ngữ, hay những vùng thần kinh đang “ngủ quên” cho trẻ.
Thời gian thực hiện trung bình điện châm 30 phút, xoa bóp 30 phút, trị liệu ngôn ngữ 45 phút, tập vận động 30 phút… trong hai tuần. Tiếp theo, trẻ sẽ được cấy chỉ tự tiêu ở vùng đầu, cổ, tay, hoặc chân tùy tình trạng bệnh và được về nhà sau 15 ngày.
Việc cấy chỉ tương tự liệu pháp châm cứu từ xa, chỉ đưa vào sẽ kích thích huyệt đạo liên tục khi ở nhà, đến ngày tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Ở những đợt điều trị, trẻ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế.
Tùy thể trạng bệnh tật mà sức khỏe của từng trẻ tiến triển nhanh hay chậm, thời gian nghỉ giữa đợt các đợt điều trị khoảng 15 đến 20 ngày. Sau đó, trẻ bắt đầu chu kỳ điều trị mới, liệu trình tương tự như trên.
Tuy nhiên, người nhà cần theo dõi sát, kết hợp với các chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ trị liệu cho trẻ. Trong thời gian này, người bệnh vẫn có thể sử dụng thuốc bổ não, động kinh, an thần của Tây y.
Bác sĩ Tâm nói thêm: “Giai đoạn khó khăn nhất của bác sĩ và người nhà là thường ở thời gian đầu, các bé sẽ quấy khóc rất nhiều vì chưa quen với châm cứu, cấy chỉ, nhiều phụ huynh không chịu nổi cảnh bé kêu gào nên bỏ ngang điều trị.
Tuy nhiên, chỉ qua vài lần châm cứu, huyệt đạo được phong tỏa, trẻ sẽ quen cảm giác và thoải mái hơn. Ngoài ra, cha mẹ cũng phải thật kiên nhẫn vì chu kỳ điều trị có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, tránh đưa trẻ đi nhiều nơi liên tục sẽ càng khiến trẻ thêm bị động.
Điển hình, có trẻ chỉ sau một chu kỳ đã vận động được, qua 3, 4 đợt châm cứu thì đi được, nói được và giảm co giật. Những trẻ điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương qua vài chu kỳ đã giảm bớt chứng rối loạn giấc ngủ, kiểm soát được hành vi, biết giao tiếp, thể hiện cảm xúc, kỹ năng hòa nhập cải thiện khoảng 60%, trong đó, trên 20% trẻ đi học ở trường bình thường. Tuy nhiên, y học cổ truyền cũng chỉ là phương pháp hỗ trợ, điều trị giảm nhẹ chứ không chữa dứt tự kỷ ở trẻ được”.
Mặt khác, bác sĩ Tâm khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không xem trẻ tự kỷ là thiên tài mà cố gắng tìm kiếm năng khiếu của trẻ; ép con học tập, hay theo một môn thể thao, nghệ thuật, hoặc quá trông đợi sẽ càng làm trẻ bị ảnh hưởng, bệnh càng thêm nặng.