Bệnh do vi-rút zika
(dành cho thai phụ và phụ nữ dự định mang thai)
1. Đường lây truyền bệnh
- Thai phụ và phụ nữ dự định mang thai có thể bị nhiễm vi-rút Zika do:
- Muỗi vằn đốt (cũng là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết).
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Truyền máu có nhiễm vi-rút Zika.
- Thai nhi bị nhiễm vi-rút Zika do mẹ truyền sang trong suốt quá trình mang thai và ngay thời điểm sinh.
2.Biến chứng cho thai nhi cần quan tâm nếu thai phụ bị nhiễm vi-rút Zika
Hội chứng đầu nhỏ: hiện tượng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, có đầu nhỏ hơn bình thường do sự phát triển não bất thường trong bào thai, có thể dẫn đến tử vong hoặc gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi trẻ lớn lên.
3.Phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm vi-rút Zika nếu có đủ các yếu tố sau
- Có dấu hiệu phát ban và có ít nhất một trong các dấu hiệu sau: viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp, đau đầu (cần được xét nghiệm trong vòng 7 ngày khi bắt đầu có những dấu hiệu này).
- Mang thai trong 3 tháng đầu.
- Đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch; hoặc chồng/bạn tình có xét nghiệm vi-rút Zika dương tính.
4.Thai phụ có kết quả xét nghiệm vi-rút Zika dương tính (+) cần được siêu âm
- Khi siêu âm không thấy dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não: tiếp tục theo dõi, chăm sóc thai và siêu âm lại theo chỉ định của cán bộ y tế.
- Khi siêu âm có dấu hiệu nghi ngờ đầu nhỏ và/hoặc bất thường về não: cần được khám tại cơ sở y tế đủ điều kiện chẩn đoán xác định đầu nhỏ và thực hiện các xét nghiệm khác để xác định dị tật bẩm sinh.
5.Chăm sóc thai phụ sau khi xác định thai nhi có hội chứng đầu nhỏ
- Thai phụ và gia đình cần được cán bộ y tế cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn để tự quyết định.
- Nếu quyết định giữ thai, thai phụ và gia đình cần được cán bộ y tế tư vấn và hỗ trợ tâm lý trước và sau sinh, cũng như lên kế hoạch chăm sóc bé sơ sinh.
6.Phòng ngừa nhiễm vi-rút Zika
- Biện pháp hiệu quả nhất là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng lây nhiễm vi-rút Zika:
- Không cho muỗi ở: dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng;
- Không cho muỗi đẻ trứng: đậy kín các dụng cụ chứa nước; không để đọng nước ở máng xối, công trình xây dựng; tiêu hủy các vật phế thải đọng nước;
- Không cho muỗi đốt: ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi;
- Không cho muỗi tồn tại: phun thuốc, dùng nhang, vợt diệt muỗi; tẩm mùng bằng hóa chất;
- Không có lăng quăng: nuôi cá bảy màu trong các bể nước, lu, vại; vệ sinh dụng cụ chứa nước; thay ly nước cúng, bình hoa; cho muối vào chén nước ở chân chạn.
- Các cặp vợ chồng/bạn tình đang sống ở vùng dịch hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và tư vấn trước khi quyết định mang thai.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh khi không cần thiết.
- Người bị bệnh hoặc người trở về từ vùng dịch, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ/bạn tình đang mang thai hoặc có dự định mang thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra với thai nhi.
(Theo tài liệu Hướng dẫn tạm thời chăm sóc phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do vi-rút Zika của Bộ Y tế)