Chất lượng dược liệu qua góc nhìn lịch sử y học cổ truyền

Phỏng vấn TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc Chất lượng dược liệu luôn được xem là nền tảng quan trọng quyết định hiệu quả điều trị trong Y học cổ truyền. Qua hàng ngàn năm sử dụng, do thuốc y học cổ truyền phần lớn là từ cây cỏ khô khó nhận diện, người thầy thuốc xưa nay luôn đặc biệt quan tâm đến việc: liệu vị thuốc có đúng là vị thuốc cần dùng hay không?

0
1115

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, trong lịch sử Y học cổ truyền, chuyện thuốc giả và thuốc kém chất lượng có ảnh hưởng thế nào đến điều trị?

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan (TS. BS. Lan): Thật ra, đây là câu chuyện dài và đã được ghi lại rất rõ trong các y thư cổ, hồi ký y gia, cũng như truyền miệng từ xưa đến nay. Chất lượng thuốc kém không chỉ gây mất tác dụng mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ sai lầm trong nhận dạng, thu hái, chế biến, bảo quản cho đến sự gian dối trong thương mại.

PV: Cụ thể về sai lầm trong nhận dạng dược liệu thì sao, thưa bác sĩ?

TS. BS. Lan: Sai lầm trong nhận dạng có thể do không hiểu biết hoặc cố tình gian lận. Ví dụ, cây lá ngón thuộc họ mã tiền có hai loại: một loại độc, một loại không độc. Ở vùng Mường So, Lai Châu, người dân dùng lá ngón không độc làm rau ăn. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có nhiều trường hợp ngộ độc lá ngón do nhầm lẫn với các loại rau rừng khác hoặc dùng rễ, lá ngón độc để chữa bệnh xương khớp.

Ngoài ra, có những trường hợp cố tình đổi tên và thổi phồng công dụng thuốc để bán giá cao, điển hình như “Tuyết yến”. Năm 2018, khi một phóng viên hỏi tôi về công dụng của Tuyết yến, tôi rất ngỡ ngàng vì chưa từng nghe tên này, đồng thời giá 1 kg Tuyết yến lúc đó lên tới 10 triệu đồng. Tra cứu trên baike.baidu của Trung Quốc thì biết đây là mủ của cây Sterculia, hay còn gọi là Mủ trôm ở Việt Nam. Giá mủ trôm ở Việt Nam chỉ khoảng 500.000 đồng/kg, sau khi xuất sang Trung Quốc ngâm thành sợi, sấy khô gọi là Tuyết yến, bán trên Taobao với giá 450 NDT/kg (~1,5 triệu VND/kg). Khi nhập lại Việt Nam, nó được gọi là “Thánh dược dưỡng nhan” với giá lên tới 10 triệu đồng/kg.

PV: Còn sai lầm trong khâu thu hái thì sao, thưa bác sĩ?

TS. BS. Lan: Nếu thu hái đúng nguyên tắc thì hàm lượng hoạt chất đạt tối đa. Mỗi dược liệu có thể chứa nhiều hoạt chất, hàm lượng thay đổi theo mùa, chu kỳ phát triển. Thu hoạch đúng thời gian giúp thu nhận dược liệu chứa hoạt chất cao nhất.

Tuy nhiên, vì không biết hoặc do lý do kinh tế, nhiều trường hợp thu hái không đúng thời điểm. Ví dụ cây quế Việt Nam, một trong những loại quế tốt nhất thế giới, yêu cầu cây trên 8 năm tuổi, thu hái vào mùa thu (tháng 8 – 9 Dương lịch) để vỏ dày, hàm lượng hoạt chất cao. Nhiều trường hợp thu hái sớm, vỏ quế mỏng, hàm lượng hoạt chất giảm.

PV: Vậy chế biến dược liệu có phải là khâu quan trọng không?

TS. BS. Lan: Các thầy thuốc và sách cổ đã ghi nhận rất chi tiết.

  • Thần Nông Bản Thảo Kinh ghi rõ những vị “có độc, cần chế” như Phụ tử phải nấu kỹ, bỏ lõi để giảm độc aconitin, Ô đầu nếu dùng sống gây tê liệt hô hấp, chế đúng thì chữa đau nhức rất hiệu quả.
  • Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân phê phán việc chỉ biết tên thuốc mà không hiểu lý do sao chế, làm thuốc mất công dụng và tổn hại người dùng.

Sách còn ghi chú cách chế biến thay đổi tính vị, ví dụ: “Cam thảo sinh tả, thục bổ”; “Hoàng liên sao rượu dẫn vào tâm, sao muối dẫn vào thận”.

  • Bào chế đại pháp thời Minh ghi chép các tai nạn y học do dùng dược liệu chưa chế biến kỹ như mã tiền không bóc vỏ, không ngâm nước vôi gây liệt hô hấp; Ban miêu (bọ cạp lửa) dùng liều cao không sao chế dẫn tới tử vong.
  • Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh của Lê Hữu Trác: “Sao chưa đủ lửa thì còn hàn, sao quá tay thì hóa hỏa, một vị thuốc mà sinh hai đường hại – lợi.”

PV: Bảo quản dược liệu cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đúng không, thưa bác sĩ?

TS. BS. Lan: Chính xác. Danh y Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) từng ghi lại một trường hợp kê đơn thuốc nhưng bệnh nhân lại bị tiêu chảy nặng do thuốc đã bị mối mọt, ẩm mốc, không còn chất lượng nữa. Qua đó, ông nhấn mạnh ngay cả khi vị thuốc đúng, liều lượng đúng, bệnh đúng nhưng dược liệu bảo quản kém cũng gây hại và không có tác dụng.

PV: Câu chuyện về sự gian dối trong thương mại thuốc cổ truyền thì sao, bác sĩ?

TS. BS. Lan: Đây là vấn đề phức tạp và đã xảy ra từ rất lâu. Ví dụ trong thời Pháp thuộc, dược liệu Trung Quốc nhập vào Việt Nam diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, một số thương nhân đã lợi dụng điều này để trộn lẫn hoặc thay thế dược liệu bằng các chất kém chất lượng, như “Mộc hương” quý bị làm giả bằng vỏ cây tẩm hương liệu, dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng.

Theo Y sử tạp lục, thời Đường có vụ án xảy ra vì dùng Hoàng liên giả: Một hiệu thuốc ở Lạc Dương trộn rễ hoàng bá non vào gói thuốc hoàng liên – vì màu giống. Người bệnh bị tiêu chảy không dứt vì tính hàn của hoàng bá quá mạnh, dẫn đến tử vong. Vụ việc khiến quan phủ ra lệnh kiểm định dược liệu tại các hiệu thuốc hàng quý.

Theo “Y án thời Thanh”, một làng ở Triết Giang mua phải nhân sâm tẩm thạch tín (asenic) để tăng trọng lượng và giữ tươi. Nhiều bệnh nhân suy nhược, dùng sâm này bị rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, run tay chân. Gây ra hơn 30 trường hợp tử vong, sau đó triều đình cấm thương nhân không rõ nguồn gốc buôn sâm.

Năm 2019, công ty dược phẩm truyền thống nổi tiếng của Trung Quốc – Đồng Nhân Đường – bị phát hiện sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất thuốc. Vụ việc này đã gây chấn động dư luận và làm dấy lên lo ngại về chất lượng dược phẩm truyền thống tại Trung Quốc.

PV: Về độc tính của một số vị thuốc trong y học cổ truyền thì sao?

TS. BS. Lan: Có nhiều vị thuốc chứa độc tính nhưng nếu sử dụng đúng cách sẽ có hiệu quả, còn dùng sai hoặc không chế biến kỹ có thể gây nguy hiểm. Trong lịch sử Trung Quốc, thuốc luyện đan chứa kim loại nặng như thủy ngân, asen đã gây nhiều vụ ngộ độc và tử vong, bao gồm các hoàng đế nổi tiếng như Tần Thủy Hoàng, Ung Chính.

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại, cũng như những bài học từ lịch sử sử dụng thuốc có độc trong y học cổ truyền, chúng ta đã rút ra được những kinh nghiệm gì trong việc đảm bảo an toàn và chất lượng của dược liệu?

TS.BS. Lan: Do phát triển của Khoa học kỹ thuật phân tích được các thành phần hoạt chất, các kim loại nặng…của dược liệu, cũng như các qui trình nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật để phát hiện liều độc LD50, và độc tính trường diễn:

  • Ngộ độc do dùng dược liệu chứa Aristolochia (Quảng phòng kỷ). Nghiên cứu của Trường cao đẳng Hoàng Gia London phát hiện acid aristolochic trong Aristolochia gây bệnh thận và ung thư. Vào thập niên 90, tại Bỉ, nhiều phụ nữ bị suy thận do dùng thảo dược này.

  • Ở Việt Nam, nhiều cây mới được cho là chữa bá bệnh, nhưng qua nghiên cứu có độc tính như cây Lược vàng, cây nở ngày đất. Ví dụ, lá Lược vàng khi làm thí nghiệm trên chuột thì kết quả cho thấy nếu dùng 2.100g lá tươi/kg thể trọng thì làm chết 50% số chuột, còn dùng 3.000g lá tươi/kg thể trọng thì toàn bộ số chuột thí nghiệm đều chết. Do đó đã có những khuyến cáo sử dụng thận trọng với dược liệu này.

Cây nở ngày đất đã được sử dụng trong nền y học dân tộc của nhiều nước. Khoa học cũng chứng minh các công dụng này trên các nghiên cứu động vật. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào trên người, và cây đã từng được bày bán tràn lan với những công dụng được đồn thổi “trên trời” ở Thành phố Hồ Chí Minh, Một số nghiên cứu cho thấy cây nở ngày đất có độc tính ở dạng tươi. Nếu dùng quá liều có thể ngộ độc. Các triệu chứng ngộ độc như run cơ, hoa mắt, chóng mặt, mất nhận định phương hướng. Nếu dùng trên 200gr cây có thể gây tổn thương thận mạn tính. 

Tóm lại, những yếu tố ảnh hưởng chất lượng và an toàn thuốc trong lịch sử:

  • Thu hái sai thời điểm: dược tính chưa đạt (vỏ quế), độc tố còn cao (phụ tử chưa chế biến)
  • Chế biến không đúng quy trình: không sao, tẩm đúng kỹ thuật nên giữ lại độc tính
  • Bảo quản kém: ẩm mốc sinh độc tố hoặc giảm hoạt chất
  • Dược liệu giả, nhầm lẫn: vỏ cây giả làm hoàng kỳ, nhân sâm giả từ củ cải…
  • Dược liệu hết hạn, hư hỏng: vẫn bán vì tiếc tiền hoặc thiếu hiểu biết
  • Thay thế thảo dược rẻ tiền: dược tính khác nhưng màu, mùi, vị tương tự
  • Khoa học chưa phát triển, nhiều thuốc được dùng theo kinh nghiệm, sau này mới xác nhận độc tính (Quảng phòng kỷ, cây nở ngày đất, cây Lược vàng…)

PV: Vậy theo bác sĩ, trong lịch sử, chất lượng thuốc y học cổ truyền dựa trên tiêu chí nào?

Trong Y học cổ truyền, đặc biệt là qua sách kinh điển “Thần Nông Bản Thảo Kinh” – bộ dược thư cổ nhất của Trung Quốc (khoảng thế kỷ II TCN – Hán Vũ Đế), dược liệu được phân thành 3 nhóm Thượng phẩm – trung phẩm dựa trên:

  • Tác dụng tổng thể (bổ, trị, độc)
  • Mức độ an toàn
  • Mục đích sử dụng (dưỡng sinh, điều trị bệnh, công kích bệnh cấp)

Từ đó đã phân 365 vị thuốc thành: 120 thượng phẩm, 120 trung phẩm, 125 hạ phẩm với các tiêu chí phân loại:

Từ các sách về dược sau này như Bản thảo cương mục, tiêu chí đánh giá thuốc Thượng phẩm, Trung phẩm, Hạ phẩm cũng tương tự như vậy:

Với ứng dụng hiện đại của Thuốc Y học cổ truyền:

+ Thượng phẩm thường được xem là dược thực đồng nguyên (thức ăn làm thuốc hay thuốc làm thức ăn) như dùng trong thực dưỡng, trà dược, món ăn trị liệu: chuối là thức ăn cũng có thể làm thuốc nhuận tràng, Kỷ tử, Đương quy, Xuyên khung làm thuốc nhưng cũng có thể dùng trong các món tiềm, hầm…

+ Trung phẩm là thuốc chữa bệnh có tính bổ, có thể dùng lâu dài nhưng cần theo dõi.

+ Hạ phẩm tương đương với thuốc công kích, dễ gây phản ứng phụ hoặc độc tính  nếu dùng sai.

Ngoài ra về chất lượng thuốc thầy thuốc y học cổ truyền trong lịch sử cũng chú trọng một số yếu tố:

+ Chất lượng dược liệu gắn liền với địa phương trồng  như Ngưu tất tốt nhất ở Hưng Yên, Thiên niên kiện ở Quảng Nam, Đinh lăng ở Nam Định – Hà Nam

+ Thời điểm thu hái quyết định hoạt chất: Lá nên hái trước trổ hoa, Rễ nên thu vào cuối mùa sinh trưởng

+ Phương pháp sơ chế – chế biến như sao, tẩm, nấu, phơi… ảnh hưởng dược tính và độc tính của thuốc.

PV: Xin bác sĩ cho biết thêm về những lời dặn dò trong các sách cổ về chất lượng dược liệu?

TS. BS. Lan: Trong sách cổ ở Việt Nam và Trung Quốc:

Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) trong “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh” nhấn mạnh: “Thuốc có đúng vị, đúng tính, đúng lượng, đúng bệnh mới hiệu nghiệm.” Ông đặc biệt quan tâm đến: Vùng trồng dược liệu, Cách chế biến theo bài bản, Dược liệu “thuần Việt” dễ kiếm và hiệu quả.

Các sách cổ Y học cổ truyền Trung Quốc:

+ Rất chú trọng đến “Địa phương dược”: Xuyên khung tốt nhất ở Tứ Xuyên, Đỗ trọng vùng Trùng Khánh, Hoàng kỳ vùng Cam Túc. Thậm chí tên thuốc được đặt kèm địa danh như Xuyên Bối mẫu, Triết bối mẫu, Hoài ngưu tất…

+ Nhấn mạnh “Thiên thời – địa lợi – nhân hòa”: Mùa vụ thu hái đúng thời khí, Vùng đất đặc biệt (thổ nhưỡng, khí hậu), Người chế biến lành nghề

+ Phép “Bào chế”rất quan trọng: Sao vàng, sao tẩm, tẩm rượu, tẩm gừng, chưng, hấp, nấu…Làm tăng tác dụng, giảm độc tính, điều vị…

Những câu chuyện trên cho thấy, sai lầm trong chất lượng dược liệu không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, mà có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Cả trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, các danh y chân chính luôn:

  • Kiểm soát nghiêm ngặt nguồn gốc – chế biến – bảo quản
  • Chọn thuốc “đúng vị – đúng bệnh – đúng lúc – đúng lượng – đúng chất”

PV: Xin cảm ơn TS.BS Trương Thị Ngọc Lan đã chia sẻ những kiến thức rất quý giá về chất lượng dược liệu qua góc nhìn lịch sử y học cổ truyền.

TS. BS. Lan: Rất vui được chia sẻ. Tôi mong rằng việc hiểu rõ lịch sử và những bài học xưa sẽ giúp chúng ta luôn chú trọng đến chất lượng dược liệu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn.

SHARE