“Làn khói chết người”
Khói thuốc có chứa tới trên 4.000 chất độc cho cơ thể. Trong đó, ngoài chất nicotin, còn có những chất khác có khả năng gây ung thư như các loại nhân thơm, các phức hợp nitrite đa vòng, các phức hợp phenol, các chất nitrosamines và cả các chất tiền ung thư.
Các nguy cơ bệnh lý thường gặp khi hút thuốc lá: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi; xơ cứng động mạch, bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não. Ung thư ở các cơ quan như môi, thanh quản,thực quản, bàng quang, thận, cổ tử cung, gan, tụy, dương vật… Với phụ nữ có thai, thuốc lá ảnh hưởng đến trẻ đẻ ra thiếu cân, chậm phát triển trí tuệ, thai lạc chỗ, đẻ non, sẩy thai, băng huyết sau sinh, hội chứng chết đột ngột ở trẻ sơ sinh. Thuốc lá có liên quan đến trầm cảm và rối loạn hoạt động tình dục, ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả 2 giới.
Quan trọng hơn, người hút thuốc bị lệ thuộc vào các chất độc đó. Sự lệ thuộc bao gồm cảm giác do chính các giác quan mang lại (xúc giác, khứu giác, thị giác) và không loại trừ các yếu tố tâm sinh lý, bạn bè, gia đình (nhìn thấy người khác hút thuốc, ngửi được mùi khói thuốc, nghe tiếng rít hơi thuốc của người ngồi cạnh, hoặc tiếp xúc với điếu thuốc, hộp quẹt). Sự lệ thuộc mang ý nghĩa “không có thì chịu không được” sẽ trở thành người nghiện thuốc lá.
Làm gì thoát khỏi lệ thuộc thuốc lá?
Để kiềm chế cảm giác thèm thuốc lá không khó khăn lắm. Tuy nhiên thời gian đầu, cảm giác này thường lặp đi lặp lại nhiều lần, nhất là khi có sự tham gia của các giác quan. Do đó đòi hỏi cần có nhiều nghị lực. Hít một hơi thật dài, nghỉ vài giây rồi thở ra tự nhiên, tưởng tượng như đang hít một hơi thuốc lá. Khi hút một điếu thuốc lá, ngoài tác động của chất nicotin, người hút thường hít thở sâu, tìm kiếm cảm giác khoan khoái được khi hút thuốc lá cũng do một phần từ động tác hít thở này.
Ngậm một vật gì đó trong miệng, có thể là một viên kẹo, cây tăm xỉa răng, một lát cam thảo, một chất cay the như quế, bạc hà… Mục đích làm mất cảm giác trống trải trong miệng, đồng thời các chất như quế, bạc hà gây cảm giác cay, the ở lưỡi, khiến không còn cảm giác cảm thèm hút thuốc lá. Nhấp từng ngụm nước nhiều lần trong khoảng thời gian 3-5 phút. Tự tạo ra một công việc gì đó để hướng sự tập trung tư tưởng theo hướng khác, từ đó quên đi sự thèm thuốc, như đọc sách, đi bộ, vẽ tranh, chơi ô chữ, tập thể dục, dọn dẹp nhà cửa…
Tự vạch “chiến lược” rõ ràng khi cai thuốc lá
Mỗi người tự tạo ra một “chiến lược” cho riêng mình dựa vào hoàn cảnh cụ thể. Khi lên kế hoạch cai nghiện, cần theo một trình tự chi tiết, rõ ràng và phải thực hiện cho bằng được theo đúng trình tự đó. Thí dụ, định ngày giờ để thực hiện, không để thuốc lá, hộp quẹt trong túi áo hoặc trong tầm mắt, tầm tay hoặc ở những nơi quen thuộc. Nên suy nghĩ hút thuốc lá là đốt tiền, đốt sức khỏe, ảnh hưởng xấu về mặt sức khỏe và tinh thần cho những người thân trong gia đình.
Trong quá trình cai thuốc, chỉ hút một vài điếu, mỗi điếu hút vài hơi rồi bỏ ngay. Chỉ nên hút và giữ khói trong miệng rồi phà ra ngay, không hít sâu vào phổi. Cố gắng kéo dài thời gian giữa 2 lần hút càng lâu càng tốt. Có thể nhờ người thân hoặc tự mình tẩm một chất có mùi vị khó chịu vào điếu thuốc để khi hút vào thấy khó chịu, giảm cảm giác thèm hút. Có thể nhờ người thân và bạn bè nhắc nhở ngay khi thấy bạn hút thuốc hoặc có ý định hút thuốc. Nhắc những người đến nhà không nên hút thuốc trước mặt mình, cất kỹ hoặc vứt bỏ những gạt tàn thuốc trong nhà.
Song song đó, người cai thuốc phải tập thể dục thường xuyên. Liệu pháp này có những điểm lợi rất rõ ràng, tập thể dục giúp hướng suy nghĩ theo hướng khác, như lo đếm bước chân, đếm hơi thở, đếm số động tác thể dục đã làm được. Việc tập thể dục bắt buộc phải hít thở sâu. Tập thể dục giúp cơ thể tiết ra chất endorphine (là một loại morphine nội sinh) giúp cơ thể mất cảm giác thèm thuốc lá. Tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, linh hoạt hơn và ham làm việc hơn, tránh cảnh “nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền bay lên cây”.
Nếu đã quyết tâm nhưng vẫn không cai được thuốc lá, lúc đó bạn phải áp dụng những biện pháp thay thế như nhai kẹo cao su có chất nicotin (nicotin gum), sử dụng miếng dán có chất nicotin (nicotin patch), hoặc tìm bác sĩ để được hướng dẫn điều trị bằng thuốc, bằng các phép tập thiền, dưỡng sinh… Tại Viện Y dược học dân tộc, hiện nay đã ứng dụng phác đồ nhĩ châm cai thuốc lá, đây là chương trình nghiên cứu của Đại học Kyoyunghee (Hàn Quốc) với Đại học Y Huế trên những bệnh nhân nghiện thuốc lá, đã cho những kết quả thành công ban đầu.
Th.S-BS Phan Minh Trí, Viện Y dược học dân tộc TPHCM