Cây lược vàng trị được bệnh ung thư không?

0
29165

Cây Lược vàng (LV) có tên khác là cây Lan vòi, tên tiếng Anh: Basket plant (Cây giỏ, vì được trồng trong giỏ) và tên La tinh: Callisia fragrans (Lindl.) Woods., thuộc họ Thài lài (Commelinaceae).

1

1. Cây LV có chứa những chất gì?
Thành phần hoá học: (theo Gs.Ts. Nguyễn Văn Hùng và Cs., Viện Hoá sinh biển VN, Nghiên cứu thành phần hoá học của cây LV). Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra sự có mặt của lớp chất ecdysteroit trong cây LV và đã phân lập được 19 hợp chất ecdysteroit từ các bộ phận lá, thân và chồi nhánh cây trong đó có 4 chất ecdysteroit mới là turkesterone2-O-β-D-glucopyranoside (CFLW19.4) từ lá cây và callecdysterol A (CFT3), callecdysterol B (CFT5) và callecdysterol C (CFT8) từ thân cây.

2. Cây LV có tác dụng gì đối với cơ thể?
Nhóm chất ecdysteroid được nghiên cứu in vitro (ngoài cơ thể sống, trong ống nghiệm) ghi nhận có nhiều hoạt tính sinh học như:
– Gây độc trên tế bào ung thư,
– Kháng viêm, kháng sinh, chống oxy hoá, huỷ gốc tự do (gốc tự do gây tổn thương đến tế bào của cơ thể).
– Ức chế enzyme alpha-glucosidase (có tác dụng hạ đường huyết),
– Kích thích tế bào lympho (tăng sức đề kháng của cơ thể).
3. Cách sử dụng cây LV làm thuốc:
Nên chọn những cây có ít nhất 9 – 10 đốt trở lên (không ngắn dưới 20cm), và có màu tím sậm để hoạt chất có trong cây sẽ đạt mức tối đa.  Thường LV có thể dùng đường uống hoặc xoa đắp bên ngoài.
Cách 1: dùng đường uống

– Dùng lá tươi: rửa sạch, đâm hoặc nhai nhuyễn với ít muối uống.
– Liều thường dùng: thường khoảng 5 – 10 lá/ngày tuỳ tuổi và cân nặng.
– Toàn cây LV, cắt nhuyễn, phơi hoặc sấy khô (lưu ý dù khô nhưng vẫn còn màu xanh của lá, không phơi hoặc sấy quá khô cây chuyển sang màu vàng sẽ mất hết tác dụng trị bệnh) dùng nấu uống uống với liều từ 15 – 20 g/ ngày.
– Toàn cây cắt nhuyễn ngâm trong rượu nếp loại tốt (không pha cồn) sau khoảng 1 tháng khi nước có màu hơi đỏ như rượu vang có thể uống được, liều từ 10 ml x 2 lần ngày. Có thể tăng dần tuỳ bệnh và sự dung nạp của cơ thể.
Cách 2: dùng ngoài đường uống (xoa, đắp) trong trường hợp bệnh ngoài da, viêm – sưng khớp, bong gân, bầm máu…
– Toàn cây, thái mỏng và ngâm trong rượu hoặc cồn 700 sau vài tuần, chiết lấy phần nước dùng bôi ngoài.
– Toàn cây đâm vắt lấy nước để giữ trong tủ lạnh, bã được phơi hoặc sấy khô, phần bã này được ngâm trong dầu thực vật (dầu dừa, ô liu, dầu đậu phộng) sau 2 tuần sẽ lọc bỏ bã lấy phần dịch trộn chung với phần nước vắt (đã giữ lạnh) cho vào lọ thuỷ tinh màu tối, bảo quản nơi thoáng mát.
– Hoặc cắt toàn cây LV thành đoạn nhỏ, cho hết vào nồi trộn với dầu thực vật (dầu dừa, dầu đậu phộng, dầu ô liu) vừa đủ, đun ở nhiệt độ khoảng 400c trong vài giờ. Sau đó lọc qua gạc lưới bỏ bã và cho hỗn dịch vào trong lọ thuỷ tinh màu tối, bảo quản nơi mát sẽ dùng dần.
Cách 3: dạng thuốc mỡ bôi ngoài da:
Cắt nhỏ toàn cây LV và nghiền thật nhuyễn, sau đó trộn với vaselin hoặc bột  nhão để tạo thành hỗn hợp theo tỉ lệ 2:3 tạo thành khối thuốc mỡ và cho vào lọ thuỷ tinh màu đậm, giữ nơi mát.
4. Cây Lược vàng có độc tính không?
Thông thường loại cây có dược tính (có tác dụng trị bệnh) ít nhiều sẽ có độc tính, nhưng qua các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy độc tính của LV rất thấp. Cụ thể Ts. Trịnh Thị Diệp, Viện Dược liệu, thông báo kết quả nghiên cứu độc tính cấp của LV xác định liều LD50 (LD50: liều gây chết 50% số vật thí nghiệm) = 2430 g dược liệu tươi/kg thể trọng và liều đang được nhiều người sử dụng trong chữa bệnh hiện nay  là 5-6 lá tươi/ ngày, chỉ xấp xỉ bằng 1/1000 LD50.
5. Vậy sử dụng cây LV trị bệnh gì?
Hiện cây LV chưa có tên chính thức trong Dược điển, chỉ dùng trị bệnh theo kinh nghiệm và một số tác giả đã ghi nhận mang tính chất quan sát, thu thập  ý kiến của người sử dụng thông báo kết quả tốt khi uống trị một số bệnh: tiêu hoá tốt hơn, cắt cơn đau dạ dày, giảm đau mỏi cơ – xương – khớp, ổn định huyết áp…;  bôi bên ngoài: chống tiết dịch, giảm ngứa, sưng đau trong một số bệnh ngoài da, chấn thương, bong gân…Thực vậy,  điểm chung của đa số các bệnh khó như bệnh mạn tính không lây như: tăng huyết áp, đái tháo đường, vữa xơ động mạch, gout, viêm khớp do thấp, viêm ruột – dạ dày, viêm da dị ứng và bệnh ung thư …có một số biểu hiện cùng đồng hành với quá trình bệnh lý là:
– Viêm vô khuẩn (không có vi trùng), hoặc viêm do nhiễm khuẩn cơ hội,
– Sản sinh quá nhiều gốc tự do nên tổn hại đến tế bào và chức năng hoạt động bình thường của cơ thể,
– Sức chống đỡ (sức đề kháng) với yếu tố gây bệnh suy giảm,
– Môi trường cơ thể bị nhiễm acid.
Qua kinh nghiệm sử dụng thực tế có kết quả tốt của nhiều người bệnh và kết quả nghiên cứu in vitro, cho thấy cây LV gây: độc trên tế bào ung thư, có tính chống viêm, kháng sinh, chống oxy hoá, trung hoà gốc tự do, hạ đường huyết, tăng sức đề kháng, kiềm hoá môi trường cơ thể…nên rõ ràng cây LV chắc chắn có tác dụng ít nhiều với các bệnh kể trên. Tuy nhiên, hiệu quả trị bệnh của cây LV còn tuỳ thuộc vào độ nặng của bệnh, sự đáp ứng của cơ thể và liều lượng sử dụng thích hợp ra sao? Chúng ta phải tiếp tục chờ đợi kết quả của những nghiên cứu có giá trị khoa học được tiến hành trong thời gian sắp tới.
6. Sự quái ác của bệnh ung thư và cây LV có trị được ung thư không?
Mỗi năm, Việt Nam có 70.000 người chết do bệnh ung thư, có 200.000 người bệnh mới bị ung thư, con số này ngày càng gia tăng (theo Dự án Phòng chống Ung thư Quốc gia). Như chúng ta biết, có hơn 200 loại ung thư khác nhau trên cơ thể của con người. Phần lớn ung thư biểu hiện ở dạng khối u ác tính, khác với u lành tính (thường phát triển chậm, tại chỗ, có vỏ bọc). Điều đáng sợ nhất của khối u ác tính là tính xâm lấn vào các tổ chức xung quanh hoặc di chuyển tới hạch bạch huyết, các cơ quan ở xa và hình thành các khối ung thư mới, tiếp tục xâm lấn, tàn phá các tế bào, các tổ chức của cơ thể. Đây chính là hiện tượng di căn của tế bào ung thư, nếu không được điều trị tích cực và kịp thời người bệnh sẽ bị tử vong là không tránh khỏi. Nhắc lại đặc tính quái ác và nguy hiểm của ung thư để cho thấy rằng việc điều trị bệnh này chắc chắn không đơn giản, cần phối hợp nhiều biện pháp cả Tây – Đông y và không thể chỉ đơn độc dựa vào một vài loại cây thuốc, trong đó có cây LV, mà trị khỏi được bệnh ung thư.
Lưu ý sử dụng:
– Không nên uống cây LV cùng một lúc với các thuốc khác đặc biệt tân dược;
– Không nên dùng dạng rượu LV trên người bị viêm – xơ gan, tăng huyết áp hoặc tăng đường huyết chưa kiểm soát tốt, người không uống được rượu;
– Vì LV có tính mát nên những người có cơ địa lạnh (sợ lạnh, dễ tiêu chảy) không uống nước ép tươi LV vào buổi tối;
– Cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng LV để trị bệnh.
– Trẻ em dưới 5 tuổi ưu tiên dùng bôi hoặc đắp ngoài.

Bs Trần Văn Năm – Nguyên phó viện trưởng Viện Y Dược Học Dân Tộc thành phố Hồ Chí Minh.
theo (http://bstranvannam.blogspot.com/2015/05/cay-luoc-vang-tri-uoc-benh-ung-thu-khong.html)
SHARE