Các loại virus cúm, trong đó có SARS-CoV-2 rất “khoái khẩu” với niêm mạc của Hệ hô hấp gồm mũi, miệng, hầu – họng, khí – phế quản và phế nang. Để ngăn cản sự tấn công của SARS-CoV-2, rất cần lớp tế bào niêm mạc khỏe mạnh từ mũi – họng đến phế nang vì liên quan đến chất nhày bảo vệ và tế bào miễn dịch (diệt virus – vi khuẩn, chất gây hại khác). Cần hạn chế tiếp xúc với các cơ quan hô hấp ngoài: che chắn kỹ (khẩu trang, kính bảo hộ) và vệ sinh bàn tay sạch, hạn chế sờ chạm tay vào mũi – họng. Bên cạnh đó phải bảo vệ Phối, tuyệt đối không gây tổn hại tế bào niêm mạc của khí – phế quản và chức năng của phổi bằng khói thuốc lá và thừa cân – béo phì.
Việc chọn thức ăn nào có lợi và tránh thức ăn gây tổn hại đến hệ hô hấp là sự quan tâm của nhiều người trong mùa dịch.
- ĂN GÌ TỐT CHO PHỔI?
– Nước sạch: uống đủ nước (1,5 – 2 lít) giúp tuần hoàn máu – dịch thể lưu thông tốt (mang đủ oxy, chất dinh dưỡng, tế bào miễn dịch, thải độc, ổn định nhiệt độ của cơ thể…), chống khô tế bào niêm mạc, tiết đủ chất nhày bảo vệ.
– Các loại rau có tinh dầu: Tỏi (đen hoặc trắng đều tốt), Hành, Tần lá dày (Húng chanh), Kinh giới, Gừng, Sả,…vì tinh dầu nhiều loại vừa có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, cải thiện tuần hoàn máu vừa giữ ấm cơ thể (cơ thể ấm giúp tăng hoạt động của hệ miễn dịch bẩm sinh).
– Rau củ có màu đậm: Ớt chuông, ớt cay, Nghệ, Cà rốt, Cải Xoăn, Bông cải, Măng tây…có beta – carotene, vitamin A, có tính chống oxide hóa (anti-oxidant).
– Trái cây (ưu tiên loại màu vàng, đỏ): Cam, Táo, Bí đỏ, Gấc, Dâu tây, Dâu tằm, Chuối, Nho, trái Bơ…
– Các loại hạt, đậu: Óc chó, Mè, Hạnh nhân, Hạt dẻ, Hạt bí ngô, đậu đỏ, đậu trắng, đậu ngự, đậu gà…
– Các loại dầu thực vật, chất béo từ cá (vừa đủ): cần vì hấp thu các vitamin tan trong dầu như: vitamin A, E, D…Tuy nhiên, không được đun dầu ở nhiệt độ quá cao.
– Chất xơ và yogurt tốt cho sức khỏe đường ruột, chống táo bón, cân bắng lợi khuẩn, tốt cho hệ Miễn dịch.
- ĂN UỐNG GÌ HẠI PHỔI?
Các loại thức ăn dưới đây nếu ăn nhiều sẽ gây tổn thương đến sức khỏe toàn thân và hệ Hô hấp:
– Nhiều đường: bánh ngọt, chè, các loại nước ngọt, trà sữa, sô đa, nước tăng lực, kem,…
– Chế biến sẵn: bơ động – thực vật, phó mát, lạp xưởng, xúc xích, khoai tây chiên, nem, chả lụa, Pizza…
– Nhiều mỡ và đạm động vật, kèm chế biến cầu kỳ: thị nướng, chiên dòn, roti, thịt quay,
– Nhiều muối: trứng muối, rau củ ngâm muối,…
– Nhiều rượu, bia.
Nguồn: Bác sĩ Trần Văn Năm/ Nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh