Hệ tiêu hóa và sức khỏe

Cách ăn uống không hợp lý chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh được mệnh danh là “bệnh thời đại”. Khỏe hay không khỏe phụ thuộc vào những gì mà người bệnh ăn uống. Điều chỉnh cách chọn, chế biến thức ăn hợp với tự nhiên, duy trì sự cân bằng vi sinh trong ruột sẽ giúp rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe, kiểm soát được bệnh và quan trọng là không còn phụ thuộc vào thuốc.

0
1042

Sau tiếng khóc đầu đời, Hệ tiêu hóa sẽ là nơi tiếp nhận nguồn Sữa mẹ (hoặc Sữa chế biến sẵn khi không có Sữa mẹ), đến ăn Dặm (4 – 6 tháng tuổi), và sau đó ăn Thường (khoảng 24 tháng tuổi). Từ lúc này trở đi, Hệ tiêu hóa sẽ hoàn chỉnh dần và đóng vai trò quyết định tiếp nhận thức ăn – nước uống từ ngoài vào để nuôi dưỡng cơ thể.

Cách đây hàng ngàn năm, các Thầy thuốc Phương đông đã nhận ra tầm quan trọng của nơi tiếp nhận và chuyển hóa thức ăn, gọi là Hệ thống Tỳ – Vị (Hệ tiêu hóa của Y Học ngày nay).

    • “Bệnh tòng khẩu nhập”,
    • Tỳ là bể chứa cơm nước, là bộ máy chuyển hóa hậu thiên*,
    • Khi Tỳ bệnh thì tất cả 12 kinh đều bệnh,
    • Tỳ suy, cơ thể sẽ suy nhược dễ mắc bệnh,
    • Kinh nghiệm điều trị thành công nhiều loại bệnh của Thầy thuốc YHCT như sau: ưu tiên phải cải thiện chức năng của Hệ tiêu hóa (Bổ Thổ), tiếp đến là tấn công yếu tố gây bệnh (tả Hỏa, công Tà), sau cùng phải cung cấp đủ nước, chất điện giải (Tư Âm).
    • Theo Ông tổ của Y Học Hiện Đại, Hippocrates nói: “All disease begins in the Gut”, “Healthy Gut, Happy Human” – Tạm dịch: “Mọi bệnh đều bắt đầu từ trong ruột”, “Ruột khỏe, con người Hạnh phúc”.
    • Nay, thế kỷ XXI: các nhà khoa học đã khám phá một số vai trò quan trọng của Hệ tiêu hóa và vi sinh trong ruột (Microbiota) ảnh hưởng đến sức khỏe: Bộ não thứ 2, Bộ Gene thứ 2, và liên quan chặt chẽ đến hiệu quả của Hệ miễn dịch.

Biểu hiện của Hệ Tiêu hóa không khỏe:

Do lối sống hối hả, chạy đua với thời gian, nhiều stress tâm – thể, thiếu ngủ, thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn (chứa dầu béo, muối và lượng đường cao), uống nhiều thuốc kháng sinh gây tổn hại lợi khuẩn, mất cân bằng vi sinh (microbiome), gây hậu quả: rối loạn hoạt động tâm – thần kinh, hệ miễn dịch suy giảm, dị ứng da, cân nặng thay đổi (tăng hoặc giảm), rối loạn nội tiết (Hormone)… Dưới đây là 5 dấu hiệu thường gặp của suy giảm sức khỏe đường ruột:

  • Khó chịu ở bụng: nhiều gas, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy, ợ nóng…
  • Thay đổi cân nặng không do ý muốn: tăng hay giảm cân bất ngờ, cần nghĩ đến ruột không ổn. Sự mất cân bằng của ruột có thể tổn thương khả năng hấp thu dưỡng chất, đường huyết không ổn định, và tăng dự trữ mỡ. Giảm cân có thể do tăng lương hại khuẩn trong ruột non, trong khi tăng cân do đề kháng insulin nên tăng cảm giác đói kết hợp cơ thể thiếu dưỡng chất do giảm hấp thu.
  • Rối loạn giấc ngủ, buồn ngủ hay mệt mỏi kéo dài, rối loạn lo âu: khi ruột bất ổn góp phần gây rối loạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi, uể oải. Vì phần lớn chất Serotonin, do ruột tiết ra, đây là hormone hạnh phúc có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và giấc ngủ.
  • Dị ứng ở da: bệnh eczema, viêm da cơ địa, có thể do thức ăn không tốt hoặc dị ứng, gây chứng “rò rỉ ruột”, nên một số protein lạ hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu, gây khởi phát bệnh ngoài da.
  • Bệnh tự miễn dịch (Autoimmune disease): các chuyên gia đã tìm thấy bằng chứng của bệnh tự miễn có liên quan đến sức khỏe ruột do tác động của Hệ miễn dịch.

Làm gì giúp Tiêu hóa khỏe:

  • Bổ sung chất xơ và lợi khuẩn (probiotic – prebiotic): đây là mấu chốt tốt cho sức khỏe đường ruột. Chất xơ tan và không tan là nguồn “thức ăn” giúp cải thiện chất lượng cũng như số lượng của lợi khuẩn trong ruột. Lợi khuẩn đủ sẽ cung cấp các enzymetiêu hóa và chuyển hóa các chất hoàn chỉnh. Cần hạn chế thức ăn chế biến sẵn, cần tăng cường:
      • Thức ăn tươi mới, có nguồn gốc từ thực vật, đủ chất xơ như: các loại đậu, hạt, Chuối, nhóm Cam – Quít – Bưởi, măng Tây, Tỏi và Hành (có hoạt tính chống oxy hóa, cải thiện chức năng hoạt động của ruột)
      • Thức ăn lên men tự nhiên (như Kim chi, yogurt, miso, cải ngâm chua)
      • Thức ăn giàu collagen: từ thực vật đa dạng màu sắc, hoặc các loại cá…tốt cho sức khỏe chung và sức khỏe đường ruột

  • Hạn chế thức ăn gây hao phí hệ thống enzyme của cơ thể: thịt động vật, dầu-béo, đường tinh chế, nhiều gia vị…
  • Kiểm soát stress: thiền định, thư giãn, thở sâu, thực hành yoga, thái cực quyền, đi bộ, xông tinh dầu, nghe nhạc, giảm lượng café mỗi ngày.
  • Ngủ đủ giấc: có mối liên hệ 2 chiều giữa tâm trạng, giấc ngủ và sức khỏe đường ruột, trung bình nên ngủ khoảng 5 – 7 giờ/ ngày. Khi cần có thể dùng một số rau – dược liệu có tác dụng ổn định giấc ngủ.
  • Ăn chậm nhai kỹ giúp tiêu hóa dễ và hấp thu được đủ chất dinh dưỡng.
  • Uống đủ nước sạch: có lợi cho hoạt động của tế bào niêm mạc ruột và các lợi khuẩn.

Lời kết:

Cùng quan điểm của Bác sĩ Hiromi Shinya, một chuyên gia chẩn đoán và điều trị bằng kỹ thuật Nội soi, đã nhận xét: “khi nhìn đường ruột thông qua thiết bị nội soi, đường ruột sạch hay bẩn, khỏe hay không khỏe phụ thuộc vào những gì mà người bệnh ăn uống…”. Qua khảo sát, tìm hiểu thông tin về cách ăn uống từ hàng ngàn người mắc các bệnh từ thông thường đến hiểm nghèo. Chúng tôi ghi nhận: cách ăn uống không hợp lý chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên các bệnh được mệnh danh là “bệnh thời đại” và sau khi điều chỉnh cách chọn, chế biến thức ăn hợp với tự nhiên, duy trì sự cân bằng vi sinh trong ruột, đã rút ngắn thời gian phục hồi sức khỏe, kiểm soát được bệnh và quan trọng là không còn phụ thuộc vào những “viên thuốc được mệnh danh là bào chế theo theo quy trình hiện đại” nhưng chắc chắn không chỉ “hại điện” mà còn hại rất nhiều đến toàn bộ cơ thể. Đúng với câu: “Bạn sẽ là những gì bạn ăn”.

Nguồn: BS. Trần Văn Năm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh

SHARE