Nghĩ rằng tập dưỡng sinh có thể chữa bệnh, giúp cơ thể thoải mái, giảm căng thẳng, nhiều người đã tự tìm các bài tập rồi tập theo mà không biết rằng tập không đúng và không phù hợp với bệnh lý, sức khỏe sẽ dẫn đến những nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Ông T.Th. (50 tuổi) bị thoái hóa đốt sống cổ, tự mua thuốc uống và tìm các bài tập tự tập. Sau một thời gian, càng tập càng thấy bị đau hơn.
Thấy vậy, ông Th. vào Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Sau khi bác sĩ khám được biết do ông Th. tập luyện với cường độ vận động cột sống cổ quá sức, thời gian tập mỗi lần nhiều quá.
Bác sĩ cho biết khi tập, lẽ ra ông Th. phải thực hiện các động tác từ từ vì các các đốt sống đã thoái hóa, thì ông lại tập với động tác mạnh làm thay đổi đột ngột dẫn tới bị đau.
Trường hợp khác là một phụ nữ (46 tuổi) bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Chị này nghe theo lời bạn đi tập yoga vì nghĩ tập sẽ khỏi bệnh. Nhưng cũng không biết tình trạng bệnh của mình ra sao nên tập nhiều mà vẫn đau. Nhập viện, bác sĩ thăm khám mới biết chị này tập quá mức.
Tập sai động tác, tư thế
BS CKI Phan Quốc Hưng, khoa khám bệnh Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho rằng việc xem clip rồi tự tập, như vậy mình chỉ biết được động tác làm như thế nào chứ không biết được mức độ, khả năng mình có thể tập đến đâu, khi tập quá sức, quá tầm vận động sẽ bị đau nhiều.
Đó là chưa nói đến trường hợp tập sai động tác, sai tư thế. Ví dụ thoái hóa khớp mà khớp bị cứng và biến dạng thì phải tập những bài tập vận động nhẹ nhàng để tăng tầm vận động của khớp, mở khớp dần dần.
Thoát vị đĩa đệm thì chỉ có những bài tập về tam giác, tam giác biến thể mới phù hợp, còn những động tác như xoay cúi, xoay trở, vận động quá mức hay sai tư thế đột ngột sẽ bị chèn ép thần kinh nên bệnh nhân sẽ đau nhiều hơn.
Phải có hướng dẫn tập
Tập dưỡng sinh đúng sẽ mang lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh, giúp tĩnh tâm, giảm căng thẳng, cơ thể thư giãn, thoải mái, ngủ ngon…
Bác sĩ Hưng lấy ví dụ về ngồi thiền, là bài tập về hít thở để thư giãn, giải tỏa áp lực, thanh lọc cơ thể, giúp cơ thể nhẹ nhàng hơn. Dưỡng sinh là phương pháp chuyển hóa về khí huyết để cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết và chức năng các tạng phủ.
Vì vậy, không phải trong thời gian nhanh mà khỏi bệnh. Phương pháp chữa bệnh theo y học cổ truyền là chuyển biến từ từ trong thời gian dài thì mới đạt hiệu quả tốt.
Trước khi tập, người bệnh cần được khám để bác sĩ đánh giá sơ bộ tình trạng bệnh lý, kiểm tra mạch, huyết áp, đo các chỉ số về hô hấp để có bài tập, liệu trình tập phù hợp, nên tập các bài tập gì, mỗi ngày mấy lần, mỗi lần bao nhiêu phút.
Những người có bệnh lý thì bác sĩ sẽ cho các bài tập phù hợp với bệnh lý đó và kết hợp thêm các bài tập nâng cao sức khỏe như bài tập hít thở, thư giãn…
Ví dụ như đau cổ gáy, thoái hóa cột sống cổ thì tập bài tập vận động về cột sống cổ, kết hợp hít thở. Những bệnh lý thường gặp có thể tập được như thoái hóa cột sống cổ, lưng, đau thần kinh tọa. Những vấn đề về tâm lý, rối loạn giấc ngủ cũng có thể điều chỉnh bằng tập luyện. Rối loạn tiền đình, viêm xoang, mất ngủ, rối loạn giấc ngủ… chủ yếu là tập về khí, thư giãn. Trầm cảm thì tập bài tập hít thở và bài tập hơi nghiêng về động.
Người tập cần có huấn luyện viên có kinh nghiệm hướng dẫn cụ thể từng bài tập động tác và tư thế tập phù hợp, nhất là những người tập lần đầu và có bệnh lý mãn tính.
Thiền sai gây đau, vẹo cột sống Tập quá tải, tập không đúng cho cơ xương khớp sẽ gây ra tác dụng phụ, gây thoái hóa khớp sớm và nặng nề hơn, hại cho sức khỏe. Khi tập các động tác, tư thế không đúng, tập với lực mạnh và thời gian quá dài dễ dẫn đến tác dụng ngược lại. Tập thiền nếu ngồi không thẳng, sai tư thế lâu ngày sẽ gây đau, vẹo cột sống. Đau đầu, chóng mặt, khó thở… là những triệu chứng ban đầu khi tập sai, khi thay đổi đột ngột về hít thở.
|
theo Ngọc Loan/Báo Tuổi trẻ