Cholesterol không thể thiếu trong cơ thể vì mỗi tế bào đều cần có cholesterol để hoạt động và tồn tại. Mặc dù cholesterol rất có lợi, tuy nhiên nếu tăng quá nhiều trong máu sẽ ảnh hưởng xấu đến cơ thể, đặc biệt là loại cholesterol xấu.
Cholesterol được chia 2 loại khác nhau do chất vận chuyển có tên là Lipoprotein, đó là:
Cholesterol tỉ trọng thấp (LDL-c: Low-density lipoprotein cholesterol), còn gọi là cholesterol xấu vì sẽ bám vào thành mạch máu gây chứng xơ vữa động mạch.
Cholesterol tỉ trọng cao (HDL-c: High-density lipoprotein), còn gọi là cholesterol tốt làm nhiệm vụ thu gom cholesterol thừa trở lại gan nên chống xơ vữa động mạch.
Tăng cholesterol máu không duy nhất chỉ do ăn uống mà do nhiều yếu tố nguy cơ khác từ bên trong và ngoài cơ thể.
Yếu tố kiểm soát được:
Chế độ ăn không lành mạnh: nhiều mỡ bão hoà; các sản phẩm từ động vật và mỡ trans từ các loại bánh kẹo ngọt (bánh snack) thức ăn chiên hoặc nướng; nhiều thịt đỏ và chế phẩm sữa có bơ.
Béo phì: người có chỉ số BMI (body mass index) cao thường bị tăng cholesterol; người có vòng bụng lớn, nam trên 102 cm (40 inches) và nữ trên 89 cm (35 inches).
Thiếu tập thể dục: tập thể dục giúp tăng HDL-c trong khi thiếu tập thể dục gây tăng kích thước những phần tử tạo nên LDL-c nên gây tổn thương mạch máu.
Hút thuốc lá: khói thuốc lá làm tổn thương thành mạch máu tạo điều kiện cho mỡ lắng đọng vào thành mạch. Nicotine trong khói thuốc còn làm giảm lượng HDL-c.
Bệnh đái tháo đường: đường trong máu cao gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu và góp phần làm tăng LDL-c và giảm HDL-c.
Do một số bệnh nội tiết, bệnh thận hư nhiễm mỡ…
Yếu tố không kiểm soát được:
Tuổi tác: tuổi càng cao có khuynh hướng dễ rối loạn các thành phần mỡ trong máu.
Di truyền: nhiều người trong gia đình cùng bị chứng tăng cholesterol máu.
Hậu quả của tăng Cholesterol:
Tăng cholesterol máu là một trong nhiều nguyên nhân gây vữa xơ động mạch và hậu quả là tai biến mạch máu não, bệnh tim do mạch vành, bệnh thận mạn tính, tắc nghẽn các mạch máu nuôi dưỡng nhiều cơ quan trọng yếu khác của cơ thể…Dù cholesterol cao kéo dài ảnh hưởng không tốt cho cơ thể, tuy nhiên cần tìm hiểu những yếu tố nguy cơ gây tăng cholesterol máu để kiểm soát trước khi quyết định sử dụng bất kỳ một loại thuốc hạ cholesterol máu.
Trứng gà có gây tăng cholesterol máu không?
Trước hết chúng ta cần biết trứng gà có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng rất có lợi (hàm lượng các chất béo, đạm có thay đổi tuỳ theo giống gà và loại thức ăn của gà) cho cơ thể, nhìn chung trứng có chứa các chất sau:
Một quả trứng trung bình chỉ chứa khoảng 1,5g chất béo bão hoà và chất béo dạng trans (Trans fat có tên khác là trans fatty acid, axít béo chuyển hóa, hay axít béo đồng phân nhân tạo; hoặc tên dễ hiểu là dầu mỡ dùng đi dùng lại nhiều lần), khoảng 5g chất béo không bão hoà (thuộc nhóm omega-3) và chất béo dạng không trans.
11 loại vitamin (B12, B2, B6, C, Folic acid, D…) và chất khoáng (Fe, Cu, Mg, Ca, Kali…).
Không có chất xơ. Tham khảo thêm (*)
Tóm lại, trứng gia cầm nói chung và trứng gà nói riêng, tuy có chứa chất béo nhưng phần lớn là chất béo có lợi không gây tăng cholesterol máu và ngoài ra còn có nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin D, các acid amine thiết yếu rất tốt cho xương, não và mắt. Do đó, không có lý do gì phải kiêng trứng một cách tuyệt đối ngay khi có tăng một ít cholesterol máu. Người có cholesterol máu không cao có thể ăn trung bình 5 trứng/tuần, trong khi người có tăng cholesterol máu có thể ăn từ 3 trứng/tuần. Tham khảo thêm (**)
(Trứng gà bác còn gọi là trứng bác cà chua).
(**) Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ (AHA) khuyến cáo: để có sức khoẻ tốt, mỗi người không nên ăn quá 300 mg cholesterol/ngày và tổng lượng chất béo đưa vào người, không quá 30% chất béo bão hòa, không quá 7% và trans fat không quá 1% tổng lượng calo /ngày. Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ nên tiêu thụ không hơn 300 mg cholesterol/ngày, duy trì tổng lượng chất béo từ 20-35% nhu cầu calo mỗi ngày, tối đa 10% axit béo bão hòa, còn trans-fat thì tiêu thụ càng ít càng tốt.