Sau hơn 10 năm xuất hiện, chủ yếu thông qua hình thức bán hàng đa cấp và số ít xách tay, hiện thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mặt trái của sự phát triển “nóng” này là tình trạng loạn chất lượng, loạn giá cả và TPCN giả hoành hành, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người tiêu dùng (NTD).
Loạn thực phẩm chức năng giả
Theo tổng kết của Ban Chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, cả nước đã bắt và xử lý 2.113 vụ việc vi phạm, xử phạt hơn 236,5 tỷ đồng và khởi tố 75 vụ án hình sự với 109 đối tượng có hành vi buôn bán, sản xuất TPCN giả.
Tình hình sản xuất, kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng… chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Tháng 1/2015, Cục Hải quan TP.HCM đã bắt giữ hơn 80.000 hộp TPCN không đủ điều kiện, tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu do Công ty CP Dược phẩm Hebes Việt Nam nhập về. Và khoảng 10 tấn collagen, TPCN giả cũng bị bắt giữ tại Hà Nội.
Tháng 6/2015, Công an Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hóa chất VQTech sản xuất, kinh doanh TPCN giả, thu hơn 20 tấn hàng hóa.
Gần đây, Công an Hà Nội tiếp tục triệt phá một đường dây mua bán và tiêu thụ TPCN giả, với hơn 10 tấn nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, tương đương với 50-60 ngàn hộp TPCN đang được đóng hộp và “cộp mác” TPCN nhập khẩu từ Pháp, Anh, Mỹ, Nhật… để tung ra thị trường. Điều đáng nói, số hàng trên được các hiệu thuốc và chợ đầu mối thuốc lớn tiếp tay tiêu thụ.
Trên đây là những trường hợp điển hình mà cơ quan chức năng phát hiện và xử lý, ngoài thị trường còn vô vàn nhãn hiệu TPCN không rõ nguồn gốc, mập mờ chất lượng và bị thổi phồng công dụng đang bủa vây NTD. Vì vậy, việc phân biệt TPCN thật và giả vô cùng khó khăn, NTD luôn đứng trước nguy cơ bị lừa dối và có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Trên thực tế, có không ít NTD rước bệnh vào thân vì mua nhầm TPCN kém chất lượng.
Vì đâu nên nỗi?
Theo TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan, Phòng chỉ đạo tuyến Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM, TPCN nằm ở giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, là sản phẩm dùng để hỗ trợ, phục hồi, tăng cường và duy trì các chức năng cho các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng cường sức đề kháng và giảm nguy cơ bệnh tật. TPCN không phải là thuốc và không có chức năng chữa bệnh.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều NTD Việt hiểu chưa đúng về TPCN, tin tưởng quá mức vào những lời đồn thổi, truyền miệng và quảng cáo quá lố… coi TPCN như “thần dược” có thể trị bách bệnh mà sử dụng một cách “vô tội vạ” không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Chị Thanh Hương (Q.3, TP.HCM) vẫn chưa hết bàng hoàng vì đợt nhập viện vừa qua. Tin lời giới thiệu trên Facebook chị đã không tiếc tiền bỏ ra 1.350.000 đồng để mua một hộp TPCN giúp giảm cân, giữ dáng và đẹp da… Ngày đầu sử dụng, chị thấy chóng mặt, mệt mỏi nhưng được người bán hàng động viên đó là do cơ chế đào thải độc tố, đốt mỡ của sản phẩm, chứng tỏ sản phẩm có tác dụng nhanh! Sang ngày thứ hai, gia đình phải đưa chị nhập viện vì tiêu chảy, mất nước, tụt huyết áp.
“Vẫn chưa hoàn hồn! Nhưng mà biết dại rồi, lần sau mình sẽ cẩn trọng hơn khi chọn mua hay sử dụng TPCN”, chị Hương chia sẻ.
Sử dụng hay không sử dụng TPCN luôn là quyền quyết định của NTD, nhưng nhiều khi, chính sự dễ dãi của NTD đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh gian dối hoành hành.
TPCN là sản phẩm tiệm cận với thuốc có chức năng phòng, chống, hỗ trợ điều trị bệnh tật và được sản xuất chủ yếu từ dược liệu. Tuy nhiên theo quy định quản lý của Nhà nước, điều kiện sản xuất TPCN hiện vẫn được xem như sản xuất thực phẩm thông thường và doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn rồi bán ra thị trường. Chính điều này đã tạo ra lỗ hổng pháp lý khiến việc quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN còn nhiều bất cập, dẫn đến loạn thị trường TPCN.
Trong nhiều diễn đàn, hội thảo về TPCN, các chuyên gia y tế cho rằng cần thiết phải xây dựng những cơ sở pháp lý về quy trình, quy chuẩn cho TPCN và cần có quy chế bắt buộc phải kiểm nghiệm lâm sàng. Ví dụ, nếu nhà sản xuất giới thiệu một sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cao huyết áp hay tim mạch… thì phải kiểm nghiệm lâm sàng xem có tác dụng như vậy không, tác dụng ở mức độ nào thì mới cấp phép lưu hành ra thị trường.
Hiện các nước châu Âu, Canada, Nhật Bản, Úc… đều bắt buộc áp dụng GMP (Good Manufacturing Practice – Thực hành sản xuất tốt) cho sản xuất TPCN và TPCN muốn nhập khẩu vào các thị trường này phải có chứng nhận GMP.
Áp dụng GMP không chỉ đảm bảo quá trình sản xuất TPCN đạt chất lượng, an toàn và hiệu quả mà còn là biện pháp để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng, lành mạnh hóa thị trường TPCN vì sức khỏe của NTD.
Sử dụng TPCN như thế nào?
Phát biểu tại Hội thảo “Thực phẩm chức năng với sức khỏe người tiêu dùng” do Báo Người Tiêu Dùng vừa tổ chức, TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan cho biết: “Theo đúng tinh thần TPCN là an toàn vì những chất và nguyên liệu để sản xuất TPCN hoàn toàn có nguồn gốc từ tự nhiên và đã được chứng minh là an toàn cho người sử dụng”.
Tuy nhiên, cũng theo BS. Lan, bất kỳ loại thực phẩm nào khi vào cơ thể đều phải trải qua quá trình tiêu hóa, nếu sử dụng quá nhiều TPCN sẽ tạo gánh nặng cho gan, các chất thừa tích tụ lâu ngày, không phân giải được gây ảnh hưởng tới gan, thận.
Thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên vẫn là nguồn dưỡng chất dồi dào nhất, cung cấp đầy đủ muối khoáng và dinh dưỡng cho cơ thể phát triển khỏe mạnh nhất. Trong một số điều kiện, những thành phần chất dinh dưỡng có trong thức ăn không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể cần thì mới sử dụng TPCN và chỉ sử dụng TPCN phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Đặc biệt chọn lựa đúng một loại TPCN có uy tín, có chất lượng.