Viết nhân ngày Thầy thuốc Việt nam 27.2: “NGÀY BỆNH NHÂN ”

0
2077

Từ một câu chuyện cười …

Chuyện kể về phòng mạch tư của một bác sĩ nọ có một cô y tá phụ việc kiêm hướng dẫn bệnh nhân. Moi khi bệnh nhân ra về, bao giờ cô cũng tươi cười ra tiễn và chúc bệnh nhân chóng bình phục. Bực mình, ông bác sĩ bèn gọi cô vào trong và bảo :” Nếu lần sau cô còn chúc cho bệnh nhân mau khỏi bệnh nữa thì tôi sẽ … đuổi việc cô đấy, nghe rõ chưa ?”

… Nghĩ về những người bệnh

Theo vị bác sĩ trên, nếu ai cũng khỏe mạnh như lời chúc của cô y tá thì làm gì còn ai đến phòng mạch của ông để khám bệnh, như vậy thì cô y tá nên nghỉ việc là vừa vì không có chuyện gì để làm cả. Tuy chỉ là câu chuyện tiếu lâm, nhưng nó cũng nói lên một điều thật rõ ràng là không có người bệnh thì không có thầy thuốc.

Xã hội tôn vinh những người thầy thuốc vì họ mang trên vai gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Thử đặt một câu hỏi : nếu không có những người bệnh thì các thầy thuốc chăm sóc cho ai ? Không có người bệnh thì nền y học đã không hề có những tiến bộ vượt bưc như hiện nay, các thầy thuốc không thể phát huy được tài năng của họ và cũng không thể trở thành một lớp người được trọng vọng trong xã hội. Xem ra, chính người bệnh cũng đáng được tôn vinh lắm vì đã gián tiếp tạo ra một lớp người ưu tú trong xã hội.

Từ lúc còn là sinh viên cho đến khi ra trường với danh hiệu bác sĩ y khoa, người thầy thuốc đã được học rất nhiều từ sách vở và từ người bệnh. Bất cứ sinh viên y khoa nào cũng biết, học mà không có bệnh nhân chỉ là học “chay”. Hầu như tất cả các buổi sáng (kể từ năm thứ 2 trở đi) đều được dành để thực tập tại bệnh viện. Nếu không có những người bệnh chịu “trân mình” cho các sinh viên khám, hỏi han, sờ mó, tranh cải thì chỉ với lý thuyết từ sách vở, các sinh viên này không bao giờ trở thành những thầy thuốc thực sự được. Chính người bệnh là những người thầy lớn nhất của các thầy thuốc. Như vậy, những người bệnh không đáng được tôn vinh sao?

Trong suốc cuộc đời hành nghề Y khoa, có lẽ không một thầy thuốc chân chính nào dám tự cho mình là chưa từng … điều trị thử trên người bệnh. Chính nhờ “ điều trị thử ”, người thầy thuốc sẽ tìm ra phương pháp điều trị tối ưu. Thuật ngữ “in vivo” hàm ý thử một loại thuốc mới trên cơ thể người bệnh trước khi đưa ra lưu hành rộng rãi trên thị trường. Ngoài những bệnh mắc phải, người bệnh còn phải chịu những bệnh do chính thầy thuốc gây ra cho họ do chẩn đoán sai, điều trị sai, hoặc điều trị đúng nhưng bị tác dụng phụ ngoại ý của thuốc,… Chịu đựng nhiều thứ “vô lý” như vậy, lẽ nào người bệnh không đáng được xã hội quan tâm nhiều hơn nữa ?

Người bệnh còn là nạn nhân trực tiếp của tình trạng giá thuốc tăng vô tội vạ. Họ không còn sự lựa chọn nào khác trước quyền lực các toa thuốc của bác sĩ và sự độc quyền của các công ty dược hùng mạnh. Đáng buồn hơn nữa, họ vừa là nạn nhân lại vừa phải chịu ơn những kẻ đang làm giàu trên bệnh tật của họ, trong đó có không ít những bậc “ mẹ hiền “.

Nên chăng, có một ngày kỷ niệm, tạm gọi là “Ngày Bệnh nhân”, để các thầy thuốc luôn được nhắc nhỡ rằng bệnh nhân chính là những-con-người đang phải chịu đựng những đau đớn của bệnh tật, đang cần sự quan tâm, giúp đỡ và an ủi của người thầy thuốc chứ không phải là một “ca” bệnh, một tập hợp các triệu chứng, các dấu hiệu, các chức năng bị rối loạn, các bộ phận bị thương tổn …

Cố giáo sư Nguyễn Quang Quyền đã khôi phục Lễ cầu hồn Machabée (tưởng niệm những người đã hiến xác phục vụ học tập và nghiên cứu ) tại Trường Đại học Y Dược Tp.Hồ chí Minh và Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay vẫn được tổ chức long trọng hàng năm vào những ngày giáp Tết Âm lịch. Những người chết có ích đã được tôn vinh, lẽ nào những người bệnh – những người đang sống – lại không được hưởng điều đó ?

Ths.Bs. Phan Minh Trí
(Viện Y dược học dân tộc Tp Hồ Chí Minh)
Trích nguồn: Báo Thuốc và sức khỏe
SHARE