Phương pháp 4T
Bệnh viện dã chiến 3B là bệnh viện duy nhất tại TPHCM kết hợp Đông – Tây y trong điều trị COVID-19, với 3 khoa N1, N2 và khoa chăm sóc đặc biệt ICU do Viện Y dược học dân tộc TPHCM đảm nhiệm.
Sau gần 3 tháng tiếp quản điều trị đợt dịch cao điểm (từ tháng 8 đến cuối tháng 10/2021), kết quả cho thấy, hầu hết số bệnh nhân đều khỏi bệnh và khỏe mạnh, xuất viện sớm. Mô hình này được Hội Đông y hỗ trợ thuốc Y học cổ truyền như thuốc súc họng, xịt mũi họng, thuốc ho đông y và thuốc do viện tự sản xuất.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tuyên, Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, trong thời gian qua bệnh viện đã ứng dụng những phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân như vật lý trị liệu, luyện thở, xông hơi và tâm lý thư giãn. Đó được gọi là phương pháp 4T: Tâm lý thư giãn – dùng thuốc – thức ăn (dinh dưỡng) – tập luyện, tập thở.
Vào buổi sáng khoảng 7g30 và buổi chiều 4g30 bệnh nhân được tập trung trên các hành lang, ở dưới sân để tập dưỡng sinh và cho bệnh nhân khỏe tự dọn phòng của mình. Khi bệnh nhân khỏe có thể xuống sân đánh cầu lông và đánh bóng chuyền.
Dùng thuốc hiệu quả và ít tác dụng phụ
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, từ tháng 6 đến tháng 10 vừa qua, Viện có nhiệm vụ vừa giữ vai trò điều trị vừa nghiên cứu thuốc đông y điều trị COVID-19. 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng lên bệnh viện dã chiến 3 nghiên cứu một sản phẩm y học cổ truyền xuất phát từ bài thuốc cổ phương “Nhân sâm bại độc” với hai giai đoạn, pha 2A thử nghiệm thuốc trên 66 bệnh nhân. Kết quả, tất cả bệnh nhân hết triệu chứng sau 5 ngày dùng thuốc; thời gian ra viện trung bình sớm hơn so với nhóm dùng thuốc giả dược 3 ngày.
Đến pha thử nghiệm 2B, nghiên cứu thử nghiệm trên 1.000 bệnh nhân, trong đó có 700 bệnh nhân dùng thuốc và 300 bệnh nhân không dùng thuốc. Kết quả cho thấy, trong 700 bệnh nhân dùng thuốc không có bệnh nhân nào trở nặng, trong khi đó trong 300 người không dùng thuốc đông y có 14% bệnh nhân trở nặng.
Cũng theo BS. Lan, hiện nay do tình hình quá tải tại các khu điều trị, và với chủ trương của TPHCM điều trị bệnh nhân F0 nhẹ tại nhà. Tuy nhiên, vấn đề là khi điều trị ở nhà, cán bộ y tế lo nhất bệnh nhân trở nặng, phải lo thở oxy, lo chuyển viện. Bác sĩ sẽ canh bệnh nhân vào ngày thứ năm, thứ sáu bệnh nhân sẽ trở nặng và cho bệnh nhân uống thuốc từ ngày thứ ba. Điều này giúp cho bệnh nhân không trở nặng hoặc giảm trở nặng là vấn đề vô cùng lớn giúp giảm tải cho ngành y tế.
Theo quy định của Sở Y tế TPHCM, khi bệnh nhân đến viện là F0, Viện sẽ vạch ra hướng, nếu bệnh nhân không có triệu chứng sẽ cho bệnh nhân về cách ly tại nhà (nếu gia đình đủ điều kiện). Nếu gia đình không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh nhân sẽ vào khu cách ly của quận/huyện để theo dõi. Viện chỉ giữ lại những bệnh nhân có triệu chứng ho, cảm, sốt, khó thở. Nếu bệnh nhân khó thở sẽ được chuyển vào khu thở oxy hoặc ICU. Như vậy, bệnh nhân nhẹ sẽ về khu cách ly quận/ huyện, trung bình sẽ vào khu 3B Lê Quý Đôn, nặng thì vào ICU.
Nếu bệnh nhân điều trị ở nhà theo phương pháp y học cổ truyền sẽ được điều trị theo hai hướng: một là nếu khó thở thì sẽ nhập viện điều trị bằng y học cổ truyền. Nếu nhẹ điều trị ở nhà viện sẽ cho lời khuyên sử dụng y học cổ truyền trong trường hợp nào và cho người nhà đi mua hoặc gửi thuốc đến tận nhà.
Hiện nay, Viện cũng đang thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho các viện y học cổ truyền và hệ thống hội viên hội đông y các tỉnh về các phác đồ điều trị COVID-19, cách xông mũi, xúc họng, cách luyện tập, và sử dụng các bài thuốc bột phục vụ cho điều trị hậu COVID-19.
Ngoài nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Viện Y dược học dân tộc TPHCM hiện nay còn phải đảm đương nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân “hậu COVID-19”.
Nguồn: Báo Phụ nữ