Quan tâm sức khỏe người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19

Ngoài thăm khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho đảng viên cao tuổi, lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19, chương trình “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc” cũng khám sàng lọc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của 16 quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM). Đến nay, chương trình đã thăm khám cho hơn 5.800 người.

0
1069

Ngoài thăm khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho đảng viên cao tuổi, lực lượng tham gia tuyến đầu phòng chống dịch khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19, chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc” cũng khám sàng lọc cho người dân có hoàn cảnh khó khăn của 16 quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM). Đến nay, chương trình đã thăm khám cho hơn 5.800 người.

Người dân được khám, tư vấn tâm lý tại chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc”. Ảnh: HỒNG HẢI

Món quà với người bệnh

Mới đây, bà Huỳnh Thị Việt Hoa (ngụ phường Cầu Kho, quận 1) cùng 120 người dân của quận được đưa đến Viện Y học dân tộc TPHCM thăm khám theo chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc”. Bà Hoa mắc Covid-19 từ tháng 8-2021. Từ đó đến nay, bà luôn thấy mệt trong người, làm gì cũng khó thở. Tuy nhiên, gia đình bà khó khăn, một mình phải gánh vác nuôi chồng mắc bệnh nan y và 2 con ăn học nên bà Hoa chưa nghĩ đến việc đi thăm khám. Đầu tháng 1-2022, bà rất vui mừng khi được địa phương thông báo về chương trình khám tổng quát miễn phí. Bà Hoa mong ngóng đến ngày được đi khám, và cẩn thận ghi lại từng triệu chứng để hỏi bác sĩ cho cặn kẽ.

Đưa chúng tôi xem các kết quả vừa được thăm khám, ông Trần Văn Hùng (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết, bác sĩ khuyên ông đến khám tại khoa chuyên sâu phổi, vì qua khám sàng lọc cho thấy phổi ông có vấn đề. Ông Hùng là 1 trong gần 200 người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Phú Nhuận được thăm khám miễn phí tại chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc”. Ông Hùng mắc Covid-19 vào tháng 10-2021, khi khỏi bệnh ông thấy sức khỏe không được tốt như trước. “Biết hoàn cảnh của tôi, địa phương thông báo về chương trình khám để tôi đi kiểm tra miễn phí. Giờ có bệnh, chắc tôi phải lo điều trị”, ông Hùng nói.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (ngụ phường Phú Thuận, quận 7) cũng là một trong những người được quận đưa đi khám tổng quát. Chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc” như món quà dành cho bà. “Bác sĩ cho thuốc và chỉ tôi cách tập thở để điều hòa khí trong phổi. Bữa giờ làm theo cách này, tôi thấy hơi thở của mình khỏe hơn nhiều”, bà Trang chia sẻ.

Chạm đến mong mỏi của người dân

Nói về chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc”, ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 7, cho biết, khi nhận được kế hoạch, quận đã triển khai ngay để các phường rà soát, lập danh sách người dân hoàn cảnh khó khăn để họ được tham gia. Theo ông Tuyền, những việc gì có lợi cho dân, chạm đến mong mỏi của người dân thì cần phải làm ngay để ý nghĩa được lan tỏa. “Qua nắm tình hình, chúng tôi nhận thấy người dân phấn khởi lắm. Chương trình cũng minh chứng sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, chính quyền với những suy nghĩ, lo lắng của người dân. Các đợt khám được chuẩn bị chu đáo, tận tình để giải tỏa lo lắng của những người khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19”, ông Nguyễn Văn Tuyền nhận xét.

Tại quận 1, sau khi tiếp nhận kế hoạch của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Ban Dân vận Quận ủy quận 1 đã triển khai đến MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội quận phối hợp với đảng ủy 10 phường thống kê, rà soát đoàn viên, hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn để lập danh sách giới thiệu tham gia chương trình. Trưởng Ban Dân vận Quận ủy quận 1 Nguyễn Kim Đức cho hay, chương trình được triển khai sớm và kịp thời, giúp người dân không còn lo lắng về vấn đề sức khỏe sau khi mắc Covid-19. Đặc biệt, lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch như tổ Covid cộng đồng, tổ trưởng, tổ phó dân phố, cấp ủy chi bộ đã được tham gia chương trình từ đầu nên thấy được sự quan tâm của các ngành, các cấp.

Ông Nguyễn Kim Đức cũng mong muốn chương trình tiếp tục mở rộng đối tượng để có thêm nhiều người dân được tham gia kiểm tra, chăm sóc, tư vấn về sức khỏe. Đặc biệt, người dân ở các quận, huyện cũng mong muốn chương trình này được triển khai sâu rộng đến các cơ sở y tế trên địa bàn, để những người khó khăn có di chứng sau khi mắc Covid-19 đều được thăm khám, kiểm tra sức khỏe.

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, thông tin: “Dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, nhất là đối với sức khỏe người dân. Đa phần người dân dù đã khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 cũng sẽ thường xuyên bị mất ngủ, mệt mỏi, ho khan, rụng tóc, tâm lý không ổn định… Rất nhiều người sau khám phát hiện mình có bệnh lý nền trong người nhưng lâu nay không biết. Do đó, khi đăng ký khám, chương trình yêu cầu người khám ghi rõ các triệu chứng, bệnh lý nền để công tác thăm khám đạt hiệu quả cao hơn. Thực tế qua 2 tháng triển khai, chương trình đã phát hiện nhiều trường hợp cần khám chuyên sâu, thậm chí tham gia điều trị tâm lý.

Với mục đích tầm soát để kịp thời phát hiện các vấn đề về sức khỏe và có hướng điều trị thích hợp cho từng người dân, chương trình “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc” do Hội Đông y TPHCM phối hợp Báo Sài Gòn Giải Phóng và các đơn vị tổ chức đã thăm khám miễn phí cho các đảng viên, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19 và người dân tại các quận, huyện. Những người sau khi khám sàng lọc nếu phát hiện bệnh sẽ được hướng dẫn đến các khoa chuyên sâu để tiếp tục công tác điều trị”.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng

SHARE