Hướng dẫn điều trị và theo dõi bệnh xơ gan

0
2232
Hình minh họa - nguồn Internet

Bệnh xơ gan là gì?

Xơ gan hay gọi chính xác hơn là chai gan, là giai đoạn sau của viêm gan mạn. Xơ gan là hậu quả của việc lá gan bị các tác nhân gây hại cho gan tấn côngtrong thời gian lâu dài dẫn đến tế bào gan bị hư hại, chết dần và tạo ra các mô sẹo, không phục hồi được làm cho gan chai cứng dần dần và không thực hiện được những chức năng bình thường của gan (suy gan).

Hình minh họa - nguồn Internet
Hình minh họa – nguồn Internet
Điều trị nguyên nhân:
  • Ngưng uống bia, rượu hoàn toàn. Việc ngừng uống rượu giúp cho người bệnh được ổn định lâu dài hơn.
  • Điều trị siêu vi B, C nếu xơ gan do nhiễm siêu vi B, C.
  • Nếu xơ gan tim, điều trị suy tim sẽ cải thiện được chức năng gan.
Điều trị triệu chứng:
  • Phù chân, báng bụng: nằm nghỉ tại giường sẽ giúp thận lọc tốt hơn, tiều nhiều hơn.
  • Hạn chế muối: không thêm nước tương, nước mắm hoặc rắc thêm muối vào thức ăn. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn bán ngoài tiệm, thức ăn đóng hộp. không ăn các loại mắm, khô.
  • Dùng thuốc lợi tiểu: cần có ý kiến của bác sĩ để tránh làm giảm thể tích máu, rối loạn điện giải, suy thận, hôn mê. Mục tiêu giảm cân nặng 0,5kg/ngày ở người bệnh báng bụng không có phù chân và giảm 1kg/ngày ở người bệnh báng bụng và phù chân.
  • Truyền albumin.
  • Giảm triệu chứng ngứa bằng cholestyramine.
  • Ở người bệnh xơ gan ứ mật cần bổ sung các vitamine tan trong mỡ như A, D, E, K.
  • nếu người bệnh có ói ra máu hay đi cầu phân đen, đây là một cấp cứu đe dọa tính mạng cần nhập viện ngay để có can thiệp điều trị.
Phòng ngừa biến chứng xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ các tĩnh mạch thực quản:
  • Dùng thuốc chẹn beta (Propranolol, Nadalol) người bệnh phải dùng thuốc liên tục, nếu tự ngưng thuốc đột ngột biến chứng ói ra máu sẽ dễ xảy ra hơn.
  • Ngoài ra có thể nhập viện để làm nội soi can thiệp: chích xơ, cột thắt tĩnh mạch thực quản giãn. Liệu pháp này có thể thực hiện lặp lại nhiều lần.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG Ở NGƯỜI BỆNH XƠ GAN:
  • Hạn chế muối: từ giảm lượng Natri đến ngưng hoàn toàn Natri đưa vào bằng đường ăn uống.
  • Nước uống cần khoảng 1 – 1,5 lít/ngày.
  • Chất béo: cử ăn da, mỡ động vật, phủ tạng động vật, súp xương. Thay mỡ động vật bằng dầu hoặc bơ thực vật.
  • Chất đạm: cần hạn chế đạm động vật mà nên dùng đạm thực vật như đậu nành, đậu hũ sẽ dễ tiêu hóa hơn. Khi có suy gan hoặc lơ mơ, hôn mê thì cần phải ngưng đạm hoàn toàn.
  • Tránh ăn cá có nhiều xương và các loại thức ăn cứng khó tiêu khi người bệnh vừa mới qua cấp cứu xuất huyết tiêu hóa, tốt hơn hết là người bệnh nên ăn chế độ ăn loãng, dễ tiêu.
  • Chất bột đường: cần được cung cấp đầu đủ để bảm đảm năng lượng cần thiết và tránh những cơn hạ đường huyết do giảm khả năng dự trữ glycogen.
  • -Rau và trái cây tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết. Ăn nhiều rau còn giúp tránh táo bón, người xơ gan không nên để bị táo bón vì sẽ làm ứ đọng chất ure và dễ dẫn đến hôn mê.
  • Ngoài ra, yaourt, chất men lactobacillus acidophilus còn có thể làm hóa giải NH3 trong phân làm giảm yếu tố thúc đẩy hôn mê gan.
  • Hạn chế các chất kích thích, thức ăn chua, cay vì người bệnh xơ gan thường hay bị viêm dạ dàykèm theo.
  • Nên chọn thức ăn hợp với khẩu vị, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
  • Ở người bệnh nhiễm siêu vi viêm gan C, nếu thấy lượng sắt hoặc ferritin trong máu tăng cao thì phải hạn chế thuốc bổ máu có chất sắt, không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như: thịt bò, phủ tạng động vật (tim, gan,…), rau dền, sà lách xoong, rau muống, mè…
  • Nghỉ ngơi và tránh lao động mệt nhọc. người bệnh vẫn có thể làm các công việc bình thường hàng ngày nhưng đừng gắng sức.

(BS CKII Lê Văn Hải – Trưởng Khoa Khám Bệnh Viện Y Dược Học Dân Tộc)

SHARE