Qua quá trình liên tục đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, chúng ta đã hoàn thiện dần quy trình phòng chống, điều trị COVID-19. Từ hướng dẫn 5K ban đầu, chúng ta phát triển thành “5K+vaccine” và đến nay có thể trở thành “5K+vaccine+thuốc+công nghệ và các biện pháp khác”.
Tại lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia chiều 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc tới các biện pháp phòng chống, điều trị COVID-19 khác, như kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa đông y và tây y, áp dụng biện pháp tâm lý học, xã hội học để người bệnh yên tâm, cộng tác trong điều trị…
Liên quan đến vấn đề này, Báo điện tử Chính phủ đã trao đổi với Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam về những hiệu quả thực tiễn của việc kết hợp tây y và đông y trong chữa trị bệnh nhân COVID-19.
Từ kết hợp tây y và đông y trong chữa bệnh…
Ông Đậu Xuân Cảnh cho biết kinh nghiệm kết hợp đông y và tây y khi điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch xảy ra ở Bắc Giang vừa qua, theo báo cáo của Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, cho kết quả rất khả quan. Các trường hợp F0 không triệu chứng, mức độ nhẹ và vừa, khi được kết hợp điều trị đông y và tây y, thời gian khỏi bệnh sớm hơn 5 ngày. Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân diễn biến nặng rất thấp.
Tại TPHCM hiện nay, Viện Y dược dân tộc Thành phố cũng đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa. Kết quả ban đầu cũng rất khả quan, tỉ lệ bệnh nhân khỏi bệnh nhanh và giảm được triệu chứng diễn biến nặng.
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, tại một số cơ sở y tế của Bắc Giang, các bác sĩ y học cổ truyền đã sử dụng nhiều bài thuốc kết hợp, trong đó chủ yếu là sử dụng sản phẩm bài thuốc Liên kiều tán gia vị để điều trị bệnh nhân không triệu chứng, thể nhẹ và vừa, kết hợp sử dụng Ngọc bình phong tán gia xuyên tâm liên, Dưỡng âm bổ phế, Vệ khí thang… và sử dụng các loại thuốc bổ như thập toàn đại bổ, lục vị ẩm gia vị… với bệnh nhân giai đoạn phục hồi.
Tại TPHCM, bài thuốc đông y chủ đạo đang kết hợp với tây y trong điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ hiện nay vẫn là Liên kiều tán gia vị, kết hợp sử dụng xuyên tâm liên, hoắc hương chính khí tán, hương sa lục quân của Việt Nam và huyết phụ trục ứ thang… để điều trị bệnh nhân.
Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng nhấn mạnh dự phòng lây nhiễm là một bước quan trọng trong chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19 và cần phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, Hội Đông y Việt Nam cũng bổ sung một số phương pháp của đông y về dự phòng lây nhiễm bệnh đối với tất cả người dân, bao gồm cả trường hợp F1 cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly y tế tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Cụ thể, các biện pháp vệ sinh cá nhân, gồm tắm, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng.
Các vị thuốc có thể dùng uống như nước ép tỏi, một số trà thảo dược như trà xanh liên kiều, kinh giới…
Sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà như cam thảo, phòng phong, hoắc hương, tử tô, kinh giới, bạc hà…
Các vị thuốc có thể pha uống để nâng cao sức đề kháng như cát căn, hoài sơn, linh chi, đinh lăng…khoảng 30-50 g đun sôi 10 phút với khoảng 250 ml nước, uống ngày 2 lần, mỗi lần 100 ml.
Bên cạnh đó, để nâng cao sức đề kháng, người dân cần có chế độ ăn đủ dinh dưỡng, luyện tập thể dục hằng ngày, không quá căng thẳng, giữ cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, nên nghỉ trưa ít nhất 30 phút, tránh các công việc gây stress, tăng cường thư giãn.
Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là các loại vitamin, ăn nhiều rau củ quả tươi, tránh ăn nhiều thức ăn chiên xào; hạn chế thuốc lá, rượu bia, cà phê, đồng thời tập thể dục, dưỡng sinh hằng ngày.
Chủ tịch Hội Đông y cũng đưa ra hướng dẫn có thể sử dụng phương pháp xông để phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ví dụ xông khói: Dùng thương truật, bồ kết 30-50 g/lần xông trong môi trường có thể tích khoảng 100 m3. Cách làm: Dùng một bát to, đường kính khoảng 15 cm, cho nửa tờ báo cắt nhỏ đặt vào lòng bát, cho vị thuốc thương truật và bồ kết đã bẻ nhỏ lên trên, châm lửa đốt. Lửa đốt làm cháy thương truật, bồ kết, khói đó sẽ diệt các virus trong môi trường có thể tích khoảng 100 m3.
Xông tinh dầu như sả, mùi, quế, tràm, khuynh diệp, trầm hương, chanh… Dùng các loại tinh dầu cho vào ly nước nóng 80-90 độ C khoảng 1/2 ml (tương đương khoảng 5 giọt), trong phòng diện tích khoảng 20 m2. Tinh dầu bay hơi sẽ diệt được khuẩn.
Riêng với thuốc xuyên tâm liên, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo mặc dù đây là một vị thuốc tốt nhưng người dân không nên dùng chỉ một vị thuốc này để tự điều trị. Xuyên tâm liên cần phải kết hợp với các vị thuốc khác và sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Vì vậy, người dân không nên tự mua hoặc tích trữ để sử dụng tại nhà.
Đối với bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc vừa, khi cách ly tại nhà hoặc tại các khu cách ly tập trung mà đang sử dụng kết hợp các chế phẩm y học cổ truyền với cách chữa bệnh hiện đại thì cần phải có hướng dẫn sử dụng các chế phẩm này từ bác sĩ. Người dân không tự ý dùng thuốc, không tự ý thay đổi liều lượng. Các thầy thuốc sẽ căn cứ biểu hiện lâm sàng, để kê thuốc cho người bệnh, nhằm ngăn bệnh diễn biến nặng.
…đến kết hợp liệu pháp tâm lý học
Khu hồi sức của BV dã chiến số 10 tại TPHCM có 30 giường bệnh cố định, 10 giường lưu động, được trưng dụng từ tầng để xe của chung cư và tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 19/7. Hằng ngày, ngoài việc thăm khám, điều trị, các y bác sĩ tại đây còn chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, với hướng dẫn các bài tập thể dục tại chỗ, động viên tinh thần để người bệnh yên tâm, hợp tác tốt trong quá trình điều trị.
TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh, Giám đốc BV cho biết đội ngũ y bác sĩ của BV rất chủ động trong việc nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, cả về tinh thần và thể chất với mong muốn giảm bớt ca bệnh nặng, hạn chế thấp nhất bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
Tại khu cách ly, chăm sóc người nhiễm COVID-19 thuộc Trường THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, THCM, Thiếu tá, BS. Trần Văn Thành – một bác sĩ quân đội đã nghỉ hưu nhưng xung phong đi chăm sóc người bệnh theo lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Tại đây, ngoài công việc chuyên môn thăm khám bệnh, các bác sĩ luôn quan tâm, chăm lo tới đời sống tinh thần người bệnh.
BS. Thành chia sẻ, hằng ngày, các bác sĩ và bệnh nhân đều được tiếp thêm tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh thông qua các bài hát sôi động được phát qua loa, các bài tập thể dục theo nhạc cũng được thực hiện định kỳ để bệnh nhân cùng làm theo nhằm nâng cao thể lực. Bên cạnh đó, các cô giáo trong trường còn nấu nước chanh sả gửi vào cho nhân viên y tế và người bệnh sử dụng. Nhận được sự quan tâm từ những điều nhỏ nhất, nên người bệnh không còn cảm thấy bất an.
Tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TPHCM), sau khi bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân, một nhóm chuyên gia tâm lý sẽ đến từng phòng giải đáp những thắc mắc, nỗi lo âu của những bệnh nhân không triệu chứng. Thực tế này đã góp phần trấn an người bệnh yên tâm điều trị.
Các chuyên gia y tế cho biết khi mắc COVID-19, nhiều người thường có tâm lý căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bất an, nhất là người cao tuổi, có bệnh nền. Chính vì vậy, việc tư vấn tâm lý cho bệnh nhân yên tâm điều trị là rất cần thiết.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ