“Cobe blue”, “code red”, “code pink”, “code white”,… nghe có vẻ còn xa lạ đối với nhân viên y tế đang công tác tại các bệnh viện ở nước ta nhưng lại rất quen thuộc đối với nhân viên y tế tại các nước phát triển.
Không riêng gì ở nước ta, các bệnh viện trên thế giới có chung một đặc điểm đó là môi trường làm việc luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ rủi ro và có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào gây hậu quả khó lường nếu không chủ động có hệ thống báo động khẩn cấp đến đúng người để kịp thời hỗ trợ. Ngoài báo cháy là khá quen thuộc đối với nhân viên vì bệnh viện phải thường xuyên tập huấn và diễn tập theo quy định, thì nhân viên bệnh viện thường bị động đối với các tình huống xảy ra bất ngờ như người bệnh đột ngột ngưng tim ngưng thở, nhân viên y tế bị hành hung, tai nạn nghề nghiệp xảy ra trong khi chăm sóc bệnh nhân,…
Để chủ động ứng phó giải quyết các tình huống trên, đồng thời hạn chế xảy ra tình huống hoảng loạn đôi khi kết quả lại xấu hơn, hiện nay nhiều bệnh viện tại các nước trong khu vực đã thiết lập các báo động khẩn cấp được mã hoá theo màu nhằm giúp nhân viên dễ dàng gọi hỗ trợ đúng người trong thời gian nhanh nhất, như: ấn nút màu xanh (code blue) gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim ngưng thở, ấn nút màu hồng (code pink) gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim ngưng thở ở trẻ sơ sinh, ấn nút màu trắng (code white) gọi hỗ trợ khi có nguy cơ bị bạo hành,… Các đội hỗ trợ giải quyết tình huống khi nhận được báo động là biết ngay ở vị trí nào để đến ngay kịp thời trợ giúp hoặc giải quyết sự cố.
Tuỳ mỗi nước, mà quy định mã hoá màu khác nhau trong báo động các tình huống khẩn cấp, trong đó có 3 màu gần như được chọn thống nhất là: ấn nút xanh (code blue) để gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim, ngưng thở; ấn nút màu hồng (code pink) để gọi hỗ trợ cấp cứu ngưng tim, ngưng thở ở trẻ sơ sinh và trẻ em; ấn nút màu đỏ (code red) để báo cháy. Các màu khác để gọi hỗ trợ khẩn cấp có khác nhau giữa các quốc gia như: tai nạn do chất độc hại – nút màu nâu (code brown), bệnh nhân đi lạc – ấn nút màu vàng (code yellow), nhân viên y tế bị hành hung – ấn nút màu trắng (code white),…
Để triển khai hệ thống báo động các tình huống khẩn cấp này đòi hỏi bệnh viện phải trang bị hạ tầng và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin tương thích, quan trọng hơn hết là huấn luyện nâng cao tay nghề cho đội nhân viên giải quyết tình huống tương ứng, và phổ biến, hướng dẫn cho nhân viên các khoa phòng biết khi nào phải báo động và báo động chính xác, tránh lạm dụng hoặc báo nhầm.
Hiện nay, các bệnh viện đã tiếp cận khái niệm “code blue” trong triển khai quy trình hỗ trợ cấp cứu người bệnh đang nằm viện đột ngột ngưng tim, ngưng thở hoặc đột ngột trở nên nguy kịch đe doạ tính mạng, việc triển khai thêm hệ thống báo động bằng các ứng dụng công nghệ thông tin chắc chắn sẽ thuận hơn và nhanh hơn trong xử trí các tình huống cấp cứu vì nhân viên y tế chỉ cần ấn nút màu xanh thì đội hỗ trợ sẽ xuất hiện trong thời gian ngắn nhất và đúng nơi cần trợ giúp. Ngoài ra, gần đây Bộ Y tế có giới thiệu hệ thống báo động khi các y bác sĩ bị hành hung cũng là một hình thức tương tự như “code white” tại một số bệnh viện trong khu vực.