Chào mừng Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 – Hoạt động Công tác xã hội tại Viện Y dược học dân tộc: 08 năm hình thành và phát triển – “Lan tỏa yêu thương – Gắn kết cộng đồng”

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng, nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội.

0
306

ThS. Trần Thúc Bão
ThS. Văn Thị Hồng Phượng
CN. Phạm Thị Thùy Dương

Tầm quan trọng của Công tác xã hội trong ngành Y tế
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng, nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội.

Công tác xã hội trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với nhân viên y tế và giữa người bệnh với cộng đồng. Đồng thời Công tác xã hội cũng là yếu tố cần thiết làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện.
“Ngày Công tác xã hội Việt Nam” năm 2025 có chủ đề là “Công tác phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động công tác xã hội tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Đối với ngành Y tế Thành phố hồ Chí Minh nói chung và Viện Y dược học dân tộc nói riêng, đây là dịp để nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý và viên chức về giá trị của hoạt động công tác xã hội; tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề Công tác xã hội, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm Công tác xã hội trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở y tế.
Hoạt động Công tác xã hội tại Viện Y dược học dân tộc: 08 năm hình thành và phát triển – “Lan tỏa yêu thương – Gắn kết cộng đồng”.
Được thành lập vào ngày 25 tháng 10 năm 2017 theo Quyết định số 795/QĐ-VYDHDT của Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, phòng Công tác xã hội thuộc Viện Y dược học dân tộc hoạt động với phương châm “Tư vấn tận tâm – Hỗ trợ tận sức – Chăm sóc tận lực” dựa trên các quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện theo Thông tư số 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế ký ngày 26 tháng 11 năm 2015 và Thông tư 51/2024/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2024 của Bộ Y tế, hướng đến mục tiêu chung của Viện Y dược học dân tộc là “Lấy người bệnh làm trung tâm”.
Sự ra đời của phòng Công tác xã hội đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, kết nối, đáp ứng tốt ngày càng cao các nhu cầu công tác xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng trong suốt thời gian qua.
Được sự quan tâm rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Viện, phòng được đầu tư về cơ sở vật chất, cùng đội ngũ nhân viên giàu tri thức, trách nhiệm, năng động, sáng tạo và đoàn kết tạo nên một tập thể nhiệt huyết, vững mạnh. Từ 02 nhân sự ban đầu là kiêm nhiệm cho đến hôm nay phòng Công tác xã hội đã xây dựng đầy đủ bộ máy tổ chức gồm 14 nhân sự: 01 vị trí Trưởng phòng, 02 vị trí Phó Trưởng phòng và 03 Tổ công tác (Tổ Đại lý thu BHYT – Truyền thông – GDSK, Tổ Tiếp nhận, hỗ trợ, chăm sóc người bệnh, công tác xã hội; Đơn vị đổi mới sáng tạo – Tâm lý – Sự kiện – Phong trào – Hành chính). Trình độ nhân sự phòng bao gồm: 1 Thạc sĩ Bác sĩ, 6 Thạc sĩ, 7 cử nhân.

Hình ảnh: Tập thể phòng Công tác xã hội Viện Y dược học dân tộc

Qua 08 năm hình thành và phát triển, phòng Công tác xã hội tiếp tục sứ mệnh là biểu tượng của sự sẻ chia và nhân ái trong ngành y tế của mình, không ngừng cải thiện dịch vụ và mở rộng phạm vi hoạt động, đóng góp rất nhiều vào sự đổi mới của bệnh viện giúp người dân, người bệnh tiếp cận được những dịch vụ y tế tốt nhất tại Viện, trên hết phòng Công tác xã hội đã, đang và sẽ là điểm tựa vững chắc, mang lại nhiều giá trị vật chất và tinh thần cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tại Viện nói riêng và người dân trên khắp tỉnh thành nói chung. Các thành tựu nổi bật của phòng Công tác xã hội Viện,
Từ thế mạnh về đội ngũ, việc đáp ứng nhu cầu hỗ trợ đa dạng của người dân, người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình điều trị, cả về mặt tâm lý, xã hội và tài chính đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể sau 08 năm qua:
– Với hiệu suất hoạt động 24/7, phòng Công tác xã hội đã tiếp nhận và xử lý thông tin qua đường dây tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc cho 20.888 lượt. Bên cạnh đó, tại văn phòng Đại lý thu bảo hiểm y tế – bảo hiểm xã hội hoạt động khung giờ hành chính, cũng tiếp nhận, tư vấn và hỗ trợ cho 17.923 lượt trực tiếp và cho 14.929 lượt. Công tác tư vấn và bán thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, người bệnh và người nhà người bệnh cũng đạt được nhiều kết quả khả quan: tổng số lượt tư vấn là 15.018 lượt và số thẻ bán được là 11.090 thẻ. Công tác hỗ trợ đóng gói và giao thuốc đến tận nhà người bệnh đạt con số đáng ghi nhận là 998 đơn thuốc; giải quyết cho hơn 35 ý kiến góp ý và tiếp nhận hơn 350 thư khen. Công tác tư vấn, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người dân đã đạt được bước tiến lớn với 335.080 lượt tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe được phát ra và 198 bài viết, bài báo, chương trình truyền hình về các nội dung truyền thông, giáo dục sức khỏe được đăng tải trên trang thông tin điện tử và trang mạng xã hội.

Hình ảnh: Nhân viên phòng Công tác xã hội, Viện Y dược học dân tộc hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ người bệnh cài đặt Sổ sức khỏe điện tử VNeID

– Song song, nhằm phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, phát huy tính xung kích, tình nguyện chủ động của người thầy thuốc trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong việc thực hiện có hiệu quả truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của nhân dân ta, công tác kêu gọi, vận động nhà tài trợ, nhà hảo tâm cùng chung tay với Viện đồng hành, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn tại Viện cũng được quan tâm sâu sát thông qua việc tổ chức 13 chương trình Ngày hội đồng hành cùng người bệnh, cắt tóc gội đầu miễn phí, tặng suất ăn miễn phí, chăm lo cho người bệnh không có điều kiện về quê đón Tết với tổng kinh phí tổ chức, chăm lo hơn 2,4 tỉ đồng vào các dịp Lễ – Tết lớn hàng năm như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Ngày Công tác xã hội 25/3, … Đồng thời, để tăng cường công tác giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước trong đoàn viên, hội viên, viên chức, người lao động Viện, công tác khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, thăm hỏi, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng cũng được quan tâm đẩy mạnh, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo cho người dân ở 40 tỉnh thành, khám bệnh và chữa bệnh miễn phí cho 29.110 lượt người dân với kinh phí tổ chức hơn 21,5 tỉ đồng và kinh phí quà tặng hơn 8,3 tỉ đồng.
– Mặt khác, phòng Công tác xã hội đã tham mưu phối hợp với các Đoàn thể Viện trong công tác chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho nhân viên y tế tại Viện một cách thiết thực qua các hoạt động được tổ chức hàng năm, tính đến nay, đã tổ chức được 11 chương trình Ngày hội Gia đình, Ngày hội non song trong dịp Quốc tế thiếu nhi (01/6) và Ngày gia đình Việt Nam (28/6) với tổng số viên chức, người lao động được chăm lo là 2.757 lượt người với tổng kinh phí tổ chức hơn 6,5 tỉ đồng. Hơn nữa, tổ chức 07 chương trình vui Tết Trung thu cho con em của viên chức người lao động Viện với tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng, trong đó phát hơn 2.535 hộp bánh trung thu và tổ chức hơn 200 gian hàng ẩm thực, gian hàng trò chơi. Nhằm tạo môi trường giao lưu kết nối giữa viên chức người lao động trong Viện, qua đó tăng tính đoàn kết và tinh thần làm việc tập thể của viên chức, người lao động Viện, phòng đã tham mưu tổ chức 20 chuyến tham quan, du lịch thu hút hơn 3.000 lượt viên chức người lao động Viện và người thân của viên chức, người lao động Viện tham gia với tổng kinh phí tổ chức hơn 6 tỷ đồng.
– Trong khoảng thời gian chiến đấu với đại dịch, phòng Công tác xã hội đã liên hệ các nhà hảo tâm đã tổ chức hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho viên chức, người lao động Viện thông qua việc tổ chức 18 lượt “gian hàng 0 đồng” (1 lượt/tuần), với tổng lương thực, thực phẩm đã hỗ trợ cụ thể như sau: 50 tấn gạo, 70 tấn rau, củ quả, 100.000 quả trứng, 02 tấn thịt heo, 01 tấn thịt gà, 150.000 gói mì ăn liền, 300.000 hộp sữa tươi, 300.000 chai nước suối, 1.000 chai nước súc miệng, 500 chai dầu gội đầu. Ngoài ra còn cung cấp 50.000 suất ăn miễn phí, 6.000 hộp trái cây và nhiều nhu yếu phẩm khác như: xà bông giặt đồ, sữa tắm, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, bánh ngọt, … Tổ chức tặng các vật dụng thiết yếu trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trao tặng 25.000 khẩu trang N95 và 500 chai nước rửa tay nhanh. Vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ kinh phí cho nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19 và tham gia thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch, với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Hình ảnh: Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ

Phòng Công tác xã hội Viện Y dược học dân tộc đã, đang và sẽ cố gắng thực hiện tốt sứ mệnh không chỉ là cầu nối giữa bệnh viện và người bệnh, mà còn là biểu tượng của sự sẻ chia, lòng nhân ái, tăng cường tính nhân văn trong chăm sóc sức khỏe, giúp xây dựng niềm tin và sự hài lòng của người dân đối với ngành y tế, thúc đẩy công bằng xã hội trong tiếp cận các dịch vụ y tế và hỗ trợ cộng đồng.
Nhân Kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2025 (25/3), xin trân trọng gửi đến tất cả những người nhân viên y tế làm Công tác xã hội trong các bệnh viên, cơ sở y tế lời chúc sức khoẻ, bình an và hạnh phúc. Chúc đội ngũ cán bộ Công tác xã hội luôn giữ tâm đủ sáng, lòng đủ ấm để giữ lửa nhiều hơn nữa trên hành trình gieo yêu thương trong cộng đồng.

SHARE