Trong lịch sử Y học cổ truyền, đặc biệt là tại Trung Quốc, các dịch bệnh thường xuất hiện theo mùa hay khi có những điều kiện để các bệnh lý truyền nhiễm để lây lan. Năm 2019, đại dịch corona bùng phát với xu thế càng ngày càng mạch, càng lan rộng trên nhiều nước trên thế giới, cũng cùng khoảng thời gian này trong những năm trước, chúng ta đã thấy xuất hiện những đại dịch lớn, thường trên đường hô hấp, gây hậu quả nghiêm trọng:
Virus | Năm | Cases nhiễm | Số người chết | Tỷ lệ | Quốc gia |
H5N1 (cúm gia cầm) | 1997 | 861 | 455 | 52,80% | 18 |
SARS | 2002 | 8.096 | 774 | 9,60% | 29 |
H1N1 | 2009 | 1.632.258 | 284.500 | 17.40% | 214 |
H7N9 (cúm gia cầm) | 2013 | 1.568 | 616 | 39,30% | 3 |
Corona (Vũ Hán) | 2020 (cập nhật đến ngày 10-2-2020) | 41.533 | 910 | = 2% | 20 |
Đông y đã tổng kết được tính quy luật của các bệnh lý truyền nhiễm này và tổng kết trong Cuốn sách Ôn Bệnh học.
Ôn bệnh học là hệ thống lý thuyết các bệnh lý truyền nhiễm của Đông y , nó bắt đầu manh nha tại Trung quốc từ thời chiến Quốc đến cuối thời Đường, thời gian này, bản đồ Trung quốc chủ yếu nằm ở Phía Bắc, Khí hậu mùa Đông lạnh, nên các bệnh lý thường gặp là do nguyên nhân khí hậu lạnh giá gây nên, từ đó Danh y Trương Trọng Cảnh đã viết nên tác phẩm kinh điển “Thương hàn luận”, chủ yếu bàn luận các bệnh lý do nhiểm phong, hàn gây nên xâm nhập vào các kinh mạch của con người gây nên chứng cảm mạo. Từ thời nhà Minh đến thời nhà Thanh, nhất là thời nhà Minh, do Hoàng đế Chu Nguyên Chương cho di dân đần các vùng phía Nam như Quảng Châu vốn trong lịch sử được cho rằng là những vùng “sơn lam chứng khí “ nhiều. Tại đây, do khí hậu nóng, ẩm thấp nên dễ gây các bệnh lý truyền nhiễm, từ đó tứ đại danh gia của học phái ôn bệnh (Ngô Hữu Tính, Diệp Thiên Sĩ, Tiết Sinh bạch, Ngô Cúc Thông) đã xây dựng và hoàn thiện lý luận của học phái ôn bệnh , chuyên chẩn đoán điều trị các bệnh lý do thời tiết cũng như các bệnh truyền nhiễm theo mùa.
Căn cứ vào học phái này, các loại bệnh ngoại cảm bao gồm nhiều loại “ thương hàn, phong hàn, ôn bệnh, nhiệt bệnh, thấp nhiệt , thấp ôn, đông ôn , xuân ôn, phong ôn….” đều là những loại bệnh ngoại cảm, nhưng có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng, tỷ lệ tử vong cao. Những loại bệnh này thông thường vẫn xuất hiện theo mùa như các loại cúm, mùa thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân, rối loạn tiêu hóa, trúng nắng vào mùa hè, triệu chứng tuy tương đối rầm rộ như sốt , ho, hắt hơi …nhưng thường không để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng chúng ta chú ý vào những năm khí hậu bất thường như dịch SARS năm 2002, là một năm có mùa Đông không lạnh, H1N1, H7N9 , đặc biệt mưa nhiều, kéo dài, khí hậu ẩm thấp; đặc biệt Thành phố Vũ Hán năm 2019 là một thành phố nằm trên vùng giao thương của nhiều con sông, trải qua mùa Đông ấm, khí hậu bất thường tiếp sau đó lại mưa liên tiếp, khí hậu ẩm ướt, nhiệt độ trung bình cao hơn so với những năm trước. Nơi phát hiện bệnh lại là khu chợ buôn bán động vật hoang dã, ủ nhiều mầm bệnh. Những yếu tố trên đều là điều kiện thuận lợi phát tán bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, mặc dù khởi phát bệnh có những triệu chứng sốt, ho tương tự như cúm nhưng bệnh càng lúc càng lan rộng, triệu chứng trầm trọng nhiều trường hợp tử vong đã không còn là cảm cúm thông thường mà đã phát triển thành “Ôn dịch”. Trong các báo cáo thống kê chứng trạng của các bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới, thời gian ủ bệnh trên 14 ngày, sốt cao không phải là triệu chứng quá rõ ràng, ngoài ho, khó thở ,khám thấy lưỡi bệu, có dấu răng, rêu lưỡi dầy, dơ, nhầy nhớt, cận lâm sàng thể hiện dịch ứ đọng ở phế nang, thời gian bệnh kéo dài dây dưa đều thuộc về khái niệm “ thấp tà” hoặc “ thấp độc”, đồng thời có có tính chất của “Phục tà”, nghĩa là tà độc tiềm tàng trong cơ thể, gây giảm sức đề kháng, thời gian ủ bệnh lâu, khi phát bệnh thường kèm các triệu chứng suy nhược, khi gặp bệnh nhân vốn có các bệnh lý trước đó thì làm bệnh diễn tiến nguy hiểm hơn, dễ tử vong hơn.
Chính bởi nguyên nhân do “ Thấp độc” , nên so với các loại dịch lệ khác, bệnh phát triển khá chậm, quan sát trên lâm sàng cho thấy thời kỳ ủ bệnh đa số bệnh nhân gần như không có triệu chứng, lúc bệnh khởi phát ở giai đoạn đầu triệu chứng tương tự như cảm cúm thông thường, bởi vì lúc này chính khí (sức đề kháng còn đầy đủ), tà khí tương đối yếu nên tuy có biểu hiện công năng của Phế bị ảnh hưởng như : ho, khó thở, hắt hơi, nhưng các triệu chứng đều tương đối nhẹ nhàng. Biểu hiện đang ở bên ngoài ( Đông y gọi là phần Vệ Biểu hoặc Bán biểu bán lý) đều có thể dùng phương pháp tuyên thấu hóa trọc, thanh nhiệt lợi thấp, đều có tiên lượng tốt, cho dù các triệu chứng ở Phế như ho hồi phục hơi chậm. Nhưng nếu Thấp tà và dịch độc cùng lúc kết hợp, triệu chứng phát triển sẽ khá nhanh và nặng nề, chứng trạng trên lâm sàng biểu hiện:
1. Khó thở nặng , nhịp thở trên 30 lần phút
2. SPO2 < 93%
3. PaO2 /FiO2 < 300mmHg
Trong vòng 1 tuần sẽ xuất hiện các triệu chứng khó thở, hội chứng shock nhiễm trùng, nhiễm độc, rối loạn đông máu dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia về đúc kết , nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là “ Thấp độc” vị trí bệnh ở “ Phế, Tỳ”, với các chủ chứng như sau:
1. Thời gian ủ bệnh dài ( 14 ngày trở lên), trên cận lâm sàng thể hiện tổn thương thực thể ở phổi, thời gian hồi phục chậm;
2. Sốt vẫn là triệu chứng chính để sàng lọc bệnh, nhưng đa số bệnh nhân không sốt quá cao, mà đa số sốt âm ĩ, bứt rứ khó chịu;
3. Mệt mỏi vô lực là chứng trạng chủ yếu;
4. Một số bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy, lỵ cấp hậu trọng, mót rặn, miệng đắng;
5. Tất cả các bệnh nhân đều có lưỡi bệu, rêu lưỡi đây, dơ, nhầy nhớt;
Đều là những biểu hiện của “ Thấp tà”: trọng trọc, niêm trệ, xu hướng đi xuống, dễ kết hợp với Hàn tà, Nhiệt Tà.
ĐIỀU TRỊ
Các giai đoạn tiến triển của bệnh và pháp trị:
1. Chứng thấp tà uất phế:
Bao gồm giai đoạn ủ bệnh và giai đoạn khởi phát:
Thời kỳ ủ bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, một số ít có biểu hiện ớn lạnh, người mệt mỏi
Thời kỳ khởi phát:
Sốt nhẹ hay không sốt, ho khan ít đàm, họng khô hay đau họng, mệt mỏi, nặng ngực, có thể kèm buồn ói, tiêu lỏng. chất lưỡi nhát hay hồng nhạt, rêu trắng hay trắng nhớt, mạch nhu.
Pháp trị: Hóa thấp giải độc, tuyên phế thấu tà,
Các phương thuốc cơ bản: Ma hạnh ý cam thang, thăng giáng tán, đạt nguyên ẩm.
Những vị thuốc cơ bản sử dụng là: Ma hoàng, nạnh nhân, thảo quả, Binh lang, Thuyền thoái, Thương truật, Liên kiề, Cát căn, Hoàng cầm, Ngưu bàng tử, Cam thảo.
Tùy theo chứng trạng kiêm Hàn hoặc kiêm Nhiệt có thể sử dụng Hoắc hương chính khí tán gia giảm hoặc Tri mẫu thạch cao thang gia liên kiều, ngân hoa..
Nếu có triệu chứng lúc lạnh lúc nóng sốt gia Thanh hao, Sài hồ, tiêu chảy nhiều bỏ Tri mẫu gia Hoàng liên.
2. Chứng thấp độc ung phế:
Chứng trạng: Sốt cao, khô miệng, không muốn uống nước, ngực đầy, ho khan ít đàm, bụng đầy chướng, không muốn ăn uống, buồn nôn hoặc nôn, người mệt mỏi, Lưỡi đỏ, hoặc đỏ đậm, rêu vàng, mạch phù sác
Pháp trị: Thanh nhiệt giải độc, tuyên phế thấu tà.
Bài thuốc: Ma hạnh thạch cam thang, Ngân kiều tán
Vị thuốc: Ma hoàng, Hạnh nhân, Thạch cao, Tang bạch bì, Kim ngân hoa, , Liên kiều, Hoàng cầm, triết bối mẫu, Cam thảo.
Nếu khó thở mệt mỏi nhiều gia Tây dương sâm, khát nước nhiều gia sinh địa, mẫu đơn bì.
3. Chứng dịch độc bế phế:
Chứng trạng: số cao không giảm, ho ít đàm, hoặc có đàm vàng, ngực đầy, khó thở, bụng chướng tiêu lỏng, chất lưỡi đỏ, rêu vàng dơ hay vàng khô, mạch hoạt sác
Pháp trị: Tuyên phế giải độc, thông phủ tả nhiệt
Bài thuốc: Tuyên bạch thừa khi 1thang, hoàng liên giải độc thang, giải độc hoạt huyết thang.
Vị thuốc: Hạnh nhân, Sinh thạch cao, qua lâu, đại hoàng, Ma hoàng Đình lịch tử, đào nhân, Xích thược, cam thảo.
4. Chứng nội bế ngoại thoát ( bệnh nặng)
Chứng trạng: khó thở, đau ngực nặng, Ho khan ít đàm, mệt mỏi đuối sức, bứt rứt không yên, đổ mồ hôi, tay chân lạnh, nặng có thể hôn mê…Sắc mặt, môi, lưỡi thâm tím, miệng dơ rêu lưỡi dầy nhầy nhớt, mạch trầm không bắt được.
Pháp trị: Hóa đàm khai khiếu, Ích khí liễm âm.
Điều trị Cấp cứu. Tứ ngịch gia Nhân sâm thang, An cung ngưu hoàng hoàn hoặc Tô hợp hương hoàn.
Vị thuốc: Nhân sâm, Phụ tử, Sơn thù. Kết hợp uo16gn an cung ngưu hoàng hoàng hay Tử tuyết đơn.
PHÒNG TRỊ:
Phòng tránh
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh, phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Mang khẩu trang khi ra đường.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Hạn chế tiếp xúc với động vật, ăn uống các loại thịt sống hoặc chưa qua chế biến.
5. Trường hợp bạn cảm thấy không khỏe, có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, bạn cần nhanh chóng đến thăm khám ở các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
6. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lây lan.
Biện pháp tăng cường sức khỏe: Liệu pháp 4 T tại Viện Y dược học dân tộc:
1. T1 giảm stress: cân bằng giữa nghỉ ngơi- làm việc (nên nghỉ trưa, ít nhất 30 phút), tránh các công việc gây tress hay thư giãn. Không thức khuya ( đi ngủ trễ nhất là 23g)
2. T2: Chế độ ăn đầy đủ sinh dưỡng nhất là các loại vitamin , ăn nhiều rau củ quả tươi, Bớt thuốc lá rượu bia, hạn chế bia rượu, cà phê .
3. T3 : tập thể dục 30-60 p, đơn giản nhất là đi bộ chất lượng. Tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần 3-5 phút để tăng sức khỏe. Tập thể dục (thư giãn) giữa giờ. Tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy
4. T4 Thuốc:
* Bài thuốc uống ngừa bệnh và tăng cường sức đề kháng: Ngọc bình phong tán
Hoàng kỳ Bắc sống, Bạch truật, Phòng phong, Hoắc hương tất cả 10 g, có thể tán thành bột uống với nước ấm.
• Đối với bệnh nhân giai đoạn hồi phục sau khi xét nghiệm virus chuyển thành âm tính (Chứng khí âm lưỡng hư_
Chứng trạng: ho ít, hơi thở ngắn, mệt mỏi, tăng khi hoạt động, tự hãn, hồi hộp, ăn kém, miệng lưỡi khô khát.
Lưỡi hồng nhạt, khô, rêu mỏng khô hoặc hơi nhầy.
Pháp trị: ích khí dưỡng âm
Bài thuốc: Sinh mạch ẩm
Vị thuốc: Đảng sâm, Ngũ vị tử, Mạch môn.
Theo:
TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện Trưởng Viện Y dược học dân tộc.
ThS. BS Phạm Ngọc Liệp- Viện Y dược học dân tộc