Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc tại Viện

Sáng ngày 13/4/2022, ông Madan Mohan Sethi - Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh. BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc – Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y TP. Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn.

0
951

Sáng ngày 13/4/2022, ông Madan Mohan Sethi – Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc tại Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh. BS CK II Huỳnh Nguyễn Lộc – Phó Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y TP. Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn. Tham dự buổi tiếp còn có Ban giám đốc và đại diện của lãnh đạo các khoa, phòng, Trung tâm tại Viện.

Đây là nội dung nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ (07/01/1972 – 07/01/2022) và 15 năm quan hệ Đối tác chiến lược (06/7/2007 – 06/7/2022) do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị giữa Việt Nam – Ấn Độ TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức nhằm tăng cường tình hữu nghị giữa 2 nước.

Ấn Độ là một quốc gia tiềm năng về ngành công nghiệp dược phẩm, xuất khẩu nhiều nguyên liệu, bán thành phẩm để sản xuất dược phẩm, các thành phần để bào chế dược phẩm, công thức hoàn thiện dược phẩm, dược phẩm sinh hóa và dịch vụ y tế ra toàn cầu. Còn Việt Nam là một trong những quốc gia có lợi thế rất lớn về nguồn thảo dược đa dạng và có giá trị cao. Thị trường thảo dược, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ thảo dược và các phương pháp điều trị bệnh bằng Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại đang có xu hướng ngày càng tăng trưởng mạnh trên thế giới vì mức độ an toàn, lành tính, hiệu quả và giá cả phải chăng… Đặc biệt qua đại dịch COVID-19 vừa rồi, cùng với y học hiện đại, y học cổ truyền đã phát huy hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào hỗ trợ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn đầu khởi phát và sau khi đã lui bệnh.

Tại buổi làm việc, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ và Ban giám đốc Viện đã có những trao đổi hợp tác về việc phát triển Y, dược cổ truyền giữa 2 nước Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực như điều trị, chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh của các phương pháp Y học cổ truyền kỹ thuật cao dùng thuốc và không dùng thuốc, nghiên cứu, chế biến dược liệu,… Hai bên cũng đã thống nhất một số định hướng hợp tác trong thời gian tới cụ thể qua các hoạt động:

– Đào tạo, trao đổi nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Y học cổ truyền

– Tổ chức giao lưu học thuật, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực Y học cổ truyền thông qua các hội thảo khoa học quốc tế

– Nghiên cứu khoa học, phát triển dược liệu

Việc hợp tác giữa Lãnh sự quán Ấn Độ và Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh trong thời gian sắp tới sẽ mở ra nhiều lợi thế và tiềm năng đẩy mạnh hợp tác phát triển Y, dược cổ truyền của 2 nước.

Được thành lập từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 12/1975), là cơ quan đầu ngành về Y học cổ truyền của TP. Hồ Chí Minh và 23 tỉnh, thành miền Nam, Tây Nguyên, Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh là bệnh viện hạng I, được chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Nhất. Hằng năm, ngoài việc đáp ứng nhu cầu điều trị cho gần 500.000 lượt bệnh nhân, Viện còn đảm nhận thêm một số nhiệm vụ do Bộ Y tế giao như: Nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, phổ cập những kiến thức y học dân tộc; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y dược học dân tộc; chỉ đạo tuyến và hỗ trợ Viện Châm cứu Trung ương chỉ đạo, xây dựng phong trào y dược dân tộc ở các tỉnh phía Nam,…

Theo chiều dài của 47 năm hình thành và phát triển, kế thừa và phát huy tinh hoa của nền Y, dược cổ truyền Việt Nam, Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng đầu tư đổi mới, nâng chất hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để mang lại dịch vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công tác khám, chữa bệnh thông qua các phương pháp chủ lực của ngành Y học cổ truyền như: sử dụng thảo dược, day ấn huyệt, xoa bóp trị liệu, cấy chỉ, bó thuốc, đại trường châm, nhĩ châm, thủy châm, chích huyết,…

Viện luôn đi đầu trong việc phát huy thế mạnh kết hợp giữa các phương pháp Y học cổ truyền và Y học hiện đại nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả điều trị, hướng đến sự hài lòng của người bệnh và thân nhân không chỉ ở trong nước mà còn hướng đến bạn bè, du khách quốc tế.

SHARE