Phòng chống tác hại thuốc lá

0
599

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới có thể ngăn chặn được, và góp phần đáng kể gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như ung thư, bệnh phổi và bệnh tim. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có hại cho sức khỏe, gây ra khoảng 600.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Ước tính tại khu vực Tây Thái Bình Dương cứ mỗi phút có hai người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, và có một nửa số phụ nữ và trẻ em bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và nơi công cộng.
Thuế thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm giá bán lẻ vẫn còn tương đối thấp ở nhiều quốc gia. Nhiều quốc gia đã có luật về sản phẩm thuốc lá, và một Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá – Công ước khung về Kiếm soát thuốc lá – đã được 175 quốc gia phê chuẩn.

smokk

Thông tin cơ bản về thuốc lá

  • Thuốc lá gây chết non với một nửa số người sử dụng nó.
  • Thuốc lá gây tử vong sớm không chỉ với những người hút thuốc mà còn cả những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác, gọi là hút thuốc thụ động.
  • Thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6.000.000 người mỗi năm, trong đó có hơn 5.000.000 người đang và đã từng hút thuốc, và hơn 600.000 người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Nếu không thực hiện ngay những biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả, thì số người chết hàng năm do thuốc lá có thể tăng lên hơn 8.000.000 vào năm 2030.
  • Gần 80% trong số hơn một tỉ người hút thuốc lá trên thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
  • Mức tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá trên toàn cầu đang ngày càng tăng, mặc dù tiêu thụ thuốc lá ở một số nước có thu nhập cao và trung bình giảm.
  • Thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
  • Trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất, trong đó có ít nhất 70 chất có khả năng gây ung thư.
  • Trong sáu Khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), khu vực Tây Thái Bình Dương có:
      • nhiều người hút thuốc lá nhất;
      • tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất;
      • tỷ lệ phụ nữ và thanh thiếu niên hút thuốc gia tăng nhanh nhất;
  • Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của TCYTTG (WHO FCTC) được xây dựng để ứng phó với tình trạng toàn cầu hóa của nạn dịch thuốc lá và thể hiện một cách tiếp cận mới trong hợp tác y tế quốc tế, đó là sử dụng một khung pháp lý toàn cầu để giải quyết một nạn dịch toàn cầu.
  • Công ước WHO FCTC là Hiệp ước quốc tế đầu tiên được xây dựng dưới sự bảo trợ của TCYTTG để giảm bớt gánh nặng về y tế và kinh tế do sử dụng thuốc lá gây ra.
  • Công ước WHO FCTC quy định cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mãi và tài trợ thuốc lá; quy định in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá; cấm bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên; bảo vệ mọi người tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động; tăng thuế và giá thuốc lá và áp dụng các biện pháp kiểm soát việc sử dụng thuốc lá khác.

Tình hình kiểm soát thuốc lá

  • Các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, gây ra khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm – tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
  • Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc. Rất may là tỷ lệ nữ hút thuốc còn thấp, chỉ chiếm 1,4% nữ giới trưởng thành (Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành -GATS-2010).
  • Trong tổng số 15 triệu người hút thuốc có 12,8 triệu (39,4% nam và 1.2% nữ) hút thuốc lá điếu. Hiện có 4,1 triệu người lớn hút thuốc lào (GATS 2010).
  • 67% người không hút thuốc (khoảng 33 triệu người) nói họ bị tiếp xúc với khói thuốc thụ động tại nhà và 49% người lao động (khoảng 5 triệu người) cho biết họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc thụ động tại nơi làm việc (GATS 2010).
  • Sản lượng thuốc lá điếu của Việt Nam liên tục tăng từ năm 2000, trong khi đó giá bán và thuế thuốc lá vẫn thấp.
  • Thuế thuốc lá chiếm chưa tới 45% giá bán lẻ, thấp hơn nhiều so với mức 65% đến 80% mà Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, khiến thuốc lá được bán rất rẻ. Giá một bao thuốc 20 điếu của nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ ở mức khoảng 0,75 đô la Mỹ.
  • Khảo sát toàn quốc mới đây cho thấy 73% người trưởng thành nói họ ủng hộ tăng thuế thuốc lá (GATS 2010).
  • Tháng 12/2004 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).
  • Tháng 6/2012 Quốc hội đã thông qua Luật phòng, chống tác hại thuốc lá với những biện pháp toàn diện để kiểm soát thuốc lá.

Đáp ứng của Tổ chức Y tế Thế giới

  • TCYTTG đã góp phần đưa kiểm soát thuốc lá trở thành một ưu tiên ở Việt Nam.
  • TCYTTG đã phối hợp vàhỗ trợ kỹ thuật cho Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế (VINACOSH) và các đối tác khác trong các khía cạnh như:
    • Hỗ trợ cho quá trình thực hiện Công ước FCTC ở Việt Nam.
    • Hỗ trợ triển khai sáng kiến thành phố không khói thuốc và sáng kiến khu vực không khói thuốc ở các tỉnh, thành phố.
    • Thúc đẩy sự hợp tác giữa các đối tác kiểm soát thuốc lá.
    • Huy động kinh phí cho hoạt động kiểm soát thuốc lá.
    • Ủng hộ việc xây dựng, thông qua và thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.
  • Những qui định chính trong Luật phòng, chống tác hại thuốc lá gồm:
    • In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, chiếm ít nhất 50% diện tích vỏ bao thuốc lá.
    • Cấm hút thuốc lá hoàn toàn tại nơi làm việc và nơi công cộng trong nhà.
    • Nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá dưới mọi hình thức.
    • Cấm bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi.
    • Cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng trường học và bệnh viện trong phạm vi 100 mét (m).
    • Cấm bán bao thuốc dưới 20 điếu, gọi là “kiddie packs” – đây là loại bao thuốc lá nhỏ nhằm thu hút thanh thiếu niên.
    • Và thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nguồn quỹ hình thành từ khoản thu bắt buộc nhằm phục vụ cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá, và được tính bằng % giá xuất xưởng hoặc giá nhập khẩu đối với mỗi bao thuốc lá.

(Nguồn tham khảo: http://www.wpro.who.int)

SHARE