Thuốc Đông y điều trị thoái hoá khớp có thật sự “mát” ?

0
8127
Ảnh minh họa

Thoái hoá khớp là quá trình bệnh lý theo tuổi. Theo giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cho biết, số lượng bệnh nhân thoái hóa khớp có xu hướng tăng lên, do tuổi thọ người Việt được nâng cao đáng kể. Theo thống kê của bộ y tế Việt Nam, tỉ lệ thoái hoá khớp ở người trên 60 tuổi là 60%, trên 75 tuổi là 75%, và tỉ lệ này lên đến 90% ở nhóm người trên 80 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do mất cân bằng quá trình tạo xương và huỷ xương, hậu quả khớp xương sẽ bị bào mòn, tạo thành những chồi xương hay còn gọi gai xương. Tuỳ vị trí, kích thước của gai xương, và mức độ phản ứng viêm tại khớp xương mà người bệnh sẽ biểu hiện đau ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, đối với bệnh lý thoái hoá khớp, cường độ đau thường không dữ dội, đau có tính chất âm ỉ, nhức mỏi khi vận động nhiều, nghỉ ngơi hay xoa bóp sẽ giúp người bệnh cảm giác dễ chịu hơn. Đây là bệnh lý không nguy hiểm, ít gây biến chứng tàn phế, nhưng về lâu dài nếu không điều trị sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng sinh hoạt lao động hàng ngày. Và theo y học hiện đại, do thoái hoá khớp là hậu quả của quá trình lão hoá nên không thể điều trị dứt điểm. Thầy thuốc chủ yếu giúp người bệnh làm giảm triệu chứng đau nhức, giảm quá trình viêm ở khớp xương. Thuốc giảm đau sẽ tác dụng lên dẫn truyền thần kinh ở khớp xương ức chế cảm giác đau , từ đó người bệnh sẽ thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, quá trình thoái hoá vẫn diễn ra, và khi thuốc hết tác dụng người bệnh sẽ có cảm giác đau lại. Vấn đề đặt ra, thoái hoá khớp là bệnh mạn tính. Khi dùng thuốc giảm đau kháng viêm một thời gian dài, người bệnh sẽ chịu nhiều tác dụng phụ, thường gặp như viêm dạ dày, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, hay đơn giản là cảm giác “nóng trong người”. Do vậy, người bệnh thoái hoá khớp tìm đến các liệu pháp điều trị có nguồn gốc thiên nhiên như đông dược, thực phẩm chức năng ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra, liệu thuốc đông dược điều trị thoái hoá khớp có tránh được  những tác dụng phụ trên và thật sự “mát” hơn thuốc tân dược?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo y học cổ truyền, đau nhức xương khớp thuộc phạm trù tý chứng. “Tý” có nghĩa là “tắc”, như vậy  do khí huyết không vận hành trơn tru trong hệ thống kinh mạch, ứ trệ ở xương khớp mà sinh ra đau nhức. Nguyên nhân thường do yếu tố gây bệnh như phong, hàn, thấp ở bên ngoài xâm phạm vào cơ thể. Ngoài ra, đối với bệnh lý thoái hoá khớp, tạng thận cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế gây bệnh. Y học cổ truyền quan niệm rằng, thận làm chủ cốt tuỷ, nghĩa là mọi sự sinh sản, phát triển và thực hiện chức năng của cốt, tuỷ  đều do tạng thận chi phối. Ở người lớn tuổi, thận bắt đầu suy yếu không nuôi dưỡng được cốt tuỷ đầy đủ nên sinh ra bệnh. Như vậy, tuỳ theo nguyên nhân khác nhau mà chúng ta có phương pháp điều trị tương ứng như khu phong, tán hàn, trừ thấp, thanh nhiệt, hành khí hoạt huyết, bổ thận …Để đáp ứng với nhiều phép trị đa dạng, đòi hỏi thầy thuốc cũng phải có nguồn dược liệu với đầy đủ các tính vị tương ứng. Ví dụ, để “tán hàn”, thầy thuốc phải dùng các vị thuốc có tính ôn ấm, thiên về nhiệt; Ngược lại, nếu cần thanh nhiệt, thầy thuốc sẽ dùng các vị thuốc có tính mát lạnh; Hoặc nếu dùng các vị thuốc để hành khí hoạt huyết, người bệnh cũng sẽ có cảm giác hơi nóng trong người; Thường gặp nhất trong bệnh lý thoái hoá khớp là trường hợp thận âm hư. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng như đau mỏi âm ỉ cột sống thắt lưng, mỏi gối, lòng bàn tay, bàn chân nóng, hay đổ mồi hôi đặc biệt là đổ mồ hôi trộm ban đêm, lưỡi đỏ , rêu lưỡi vàng mỏng, mạch trầm sác…Như vậy, điều trị thầy thuốc sẽ dùng phép dưỡng thận âm thanh nhiệt, nói cách khác là dùng các vị thuốc bổ thận kèm theo các vị thuốc có tính lương mát để thanh nhiệt, điển hình là bài thuốc lục vị địa hoàng thang. Trong trường hợp này, thuốc đông dược điều trị bệnh thoái hoá khớp thật sự mang tới cảm giác “mát” hơn cho người bệnh. Tuy nhiên, như đã phân tích, thận âm hư không phải là thể bệnh duy nhất của bệnh lý thoái hoá khớp, mà còn nhiều thể bệnh khác như thể phong hàn thấp, thể phong thấp nhiệt, thể khí huyết ứ trệ,… Ở mỗi thể bệnh, thầy thuốc sẽ cân nhắc các vị thuốc tương ứng phù hợp. Và rõ ràng, tính vị của bài thuốc sẽ “mát” hay “ nóng” tuỳ theo từng thể bệnh cụ thể, để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
Tân dược hay đông dược, mỗi loại thuốc đều có ưu  và khuyết điểm riêng. Tính vượt trội của tân dược thể hiện ở hiệu quả giảm đau tức thời,  rõ ràng, nhưng đồng thời tác dụng phụ cũng không ít. Cái lợi của đông dược là thuốc tác động vào gốc bệnh, chính khí mạnh thì tà khí sẽ tự bị loại trừ, do vậy mà các triệu chứng cũng giảm từ từ chứ không ồ ạt, rõ rệt. Xét về lâu dài, đông dược có vẻ ưu thế hơn trong các bệnh lý mạn tính vì ít tác dụng phụ nếu được chỉ định đúng thể bệnh. Tuy nhiên, dù là tân dược hay đông dược, cả 2 nhóm đều là thuốc điều trị, người bệnh không nên tự ý sử dụng, đặc biệt thuốc đông dược, không phải lúc nào cũng “mát” như mọi người vẫn tưởng. “Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng, hàn ngộ hàn tắc tử”, có nghĩa là người bệnh cơ địa nóng mà dùng phải thuốc tính nhiệt thì sẽ bứt rứt, phát điên; hoặc người bệnh cơ địa lạnh mà dùng thêm thuốc mát lạnh thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tóm lại, người bệnh cần đến các cơ sở khám chũa bệnh y học cổ truyền uy tín, để được tư vấn chính xác, và trong những trường hợp cần thiết người bệnh sẽ được điều trị kết hợp đông và tây y để mang lại hiệu quả cao và an toàn nhất.

Ths BS Trần Minh Quang
Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

SHARE