Viện Y Dược Học Dân Tộc lần đầu tiên áp dụng phương pháp bó thuốc nam

0
10150

Bó thuốc nam điều trị bệnh xương khớp, trật đả đã có từ lâu đời, nhưng chỉ với kinh nghiệm cổ truyền. Lần đầu tiên Viện Y Dược Học Dân Tộc (VYDHDT) TP.HCM áp dụng phương pháp bó thuốc nam kết hợp với chẩn đoán, xét nghiệm bằng kỹ thuật hiện đại, điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh như: Thoát vị đĩa đệm, giảm đau cho bệnh GOUT, viêm khớp, bong gân, trật khớp…

Chế biến công phu

8g sáng, phòng bó thuốc y học cổ truyền tại lầu 2 Viện YDHDT có hơn 20 bệnh nhân (BN) các lứa tuổi đang chờ tháo thuốc.Bên ngoài, nhiều bệnh nhân mới chờ tới lượt điều trị. Bà N.T.Q, 70 tuổi cho biết: “Nhiều năm nay, tôi bị đau khớp gối nhưng ngại uống thuốc Tây. Sau năm ngày đến đây bó thuốc, chân đỡ đau nhiều, bước đi nhẹ nhàng hơn.” Cạnh đó, tại khu tẩm sao thuốc và ép thuốc. Mùi thơm của thuốc Nam len lỏi khắp phòng. Mỗi khi có BN mới, theo đơn của bác sĩ, điều dưỡng sẽ chọn vị thuốc tam thất, đỗ trọng, đương quy, ngưu tất… pha chế, bó cho BN.

Vừa xào xáo nồi thuốc, một điều dưỡng phân tích: “Mùi thơm này là của cẩy tích, hồng hoa. Thuốc phải được nấu đúng nhiệt độ thì mới hiệu quả. Tùy từng bệnh, bác sĩ sẽ kê toa phù hợp”. Khi nồi thuốc đã sôi, điều dưỡng cầm sẵn hai thau nhựa nhỏ dán thông tin: tên, tuổi, bệnh lý của BN…đổ nồi thuốc vào trong bọc vải sạch rồi cột chặt bỏ vào máy ép. Thuốc được đặt lên xe, đưa đến phòng bó thuốc để bó cho BN.

BoThuoc
Sau khi thuốc được nấu, Điều dưỡng viên sẽ tiến hành bó thuốc cho người bệnh.

BN L.T.G.H., 19 tuổi, bị té trong lúc tập thể dục dẫn đến bong gân. Điều dưỡng viên dùng nước thuốc thoa lên vết thương. Phần xác thuốc được bó quanh vị trí bong gân. Ông C.H.K., 70 tuổi, nằm gần đó, liên tục khen ngợi phương pháp chữa bệnh bằng thuốc nam. Ông kể, ông bị đau chân trái đã lâu, uống thuốc Tây không khỏi nên chuyển sang bó thuốc Nam. “Bó thuốc sẽ không hết đau ngay, mất nhiều thời gian lui tới bệnh viện. Riêng tôi, chỉ sau chín ngày đã cảm giác chân nhẹ hơn hẳn, ít đau hơn, đi lại thấy thoải mái hơn” – ông K nhận xét.

Phù hợp với nhiều bệnh nhân lớn tuổi.

BS CKI Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện YDHDT TP.HCM cho biết, phương pháp bó thuốc chữa trật đả được ứng dụng tại Việt Nam từ lâu và rất phổ biến nhưng chưa được khoa học kiểm chứng. Hơn nữa, phần lớn thầy thuốc thường là các võ sư hoặc lương y gia truyền, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Các thầy thuốc này có kỹ năng điều trị các bệnh trật khớp tốt nhưng lại thiếu kiến thức y học, do đó dễ bỏ qua một số bệnh lý. Đơn cử, với bệnh gãy xương, nhiều võ sư, lương y không biết cách cố định xương theo kỹ thuật Tây y hiện đại mà dùng nẹp đơn thuần quấn lại, dây cột nẹp lỏng ẻo khiến xương bị lệch méo, người bệnh phải chịu nhiều phiền toái. Với chữa trật đả, trước đây thường chữa chung chung bằng cách dùng thuốc sắc thành cao, đắp cho người bệnh. Cách này không tốt bằng việc kê các vị thuốc phù hợp với từng ca bệnh…”.

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó trưởng phòng Đào tạo – Nghiên cứu khoa học – Chỉ đạo tuyến, Viện YDHDT TP.HCM phân tích: “Viện áp dụng bài thuốc từ hơn 14 vị thuốc nam đến bó cho người bệnh sau khi tiến hành xét nghiệm, siêu âm, X-quang để phân loại bệnh rõ ràng. Thang thuốc hiện được Viện dùng bó cho bệnh nhân bao gồm nhiều loại thuốc với công dụng khác nhau. Trong thuốc gồm những loại thảo dược bổ máu(đương quy), hoạt huyết (tam thất, mộc dược, nhũ hương, hồng hoa), trừ phong thấp (độc hoạt, khương hoạt), mạnh gân cốt (cốt toái bổ, đỗ trọng, cẩu tích, thiên niên kiện, ba kích, ngưu tất)…Các loại thảo dược có hàm lượng tinh dầu cao nên có tác dụng làm ấm, tăng lưu thông huyết, giảm đau. Theo Đông y, nguyên nhân đau là do khí huyết ứ trệ. Mục tiêu của bó thuốc là giúp máu lưu thông tốt, giảm đau. Thuốc Tây sẽ phù hợp với những trường hợp giảm đau cấp cứu, còn với những bệnh mạn tính như đau xương khớp, bó thuốc theo phương pháp y học cổ truyền sẽ hiệu quả hơn. Bài thuốc này dùng điều trị cho nhiều bệnh như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đa khớp, giảm đau cho bệnh gout, viêm đa khớp cùng với một số chấn thương khớp và phần mềm như: bong gân, riêng BN bị trật khớp thì cần chỉnh khớp trước khi bó thuốc.

Cũng theo TS – BS Trương Thị Ngọc Lan, để bó thuốc ngoài da vẫn tác động sâu vào bên trong cơ thể, kỹ thuật viên sẽ tẩm rượu với nồng đồ phù hợp. Rượu là dung môi giúp dẫn lưu thuốc tốt. Nhờ đó, thuốc được thẩm thấu thuận lợi. Nếu sử dụng rượu không đạt chất lượng hoặc nồng độ không hù hợp thì thuốc sẽ không hiệu quả hoặc nấu ở nhiệt độ quá nóng sẽ không đảm bảo chất lượng thuốc. Kỹ thuạt này được nhiều BN lớn tuổi ưa thích vì không cần thuốc Tây gây tác dụng phụ (Corticoid gây loãng xương và hội chứng Cushing như rậm lông, mỏng da…). Ngoài ra, bó thuốc còn phù hợp với những BN ngại sử dụng kim châm điều trị đau xương khớp.

Hiện tại TP.HCM chỉ có duy nhất Viện YDHDT triển khai và điều trị bằng phương pháp bó thuốc, mỗi ngày tiếp nhận điều trị cho khoảng 200 lượt BN, chủ yếu ở độ tuổi từ 50-70.

Văn Thanh
Theo Báo Phụ Nữ, số 193, ngày 09/12/2015 – chuyên mục Sức Khỏe Gia Đình.
SHARE