Bệnh viện Châm cứu Trung ương chuyển giao gói điều trị trẻ tự kỷ theo gói kỹ thuật cao cho Viện

Đối với những trẻ tự kỷ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thay vì phải lặn lội di chuyển đoạn đường xa đến Bệnh viện Châm cứu trung ương (Hà Nội) để được chăm sóc, điều trị theo gói kỹ thuật cao thì nay khoảng cách này đã được rút ngắn.

0
1747

Đối với những trẻ tự kỷ tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, thay vì phải lặn lội di chuyển đoạn đường xa đến Bệnh viện Châm cứu trung ương (Hà Nội) để được chăm sóc, điều trị theo gói kỹ thuật cao thì nay khoảng cách này đã được rút ngắn.

Bệnh viện Châm cứu trung ương chuyển giao gói kỹ thuật điều trị hội chứng tự kỷ trẻ em cho Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – Ảnh: XUÂN MAI

Ngày 28-10, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cao “Tư vấn, điều trị hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt cho trẻ tự kỷ và thiểu năng não” và “Điều trị và chăm sóc đặc biệt cho người bại liệt” từ Bệnh viện Châm cứu trung ương (Bộ Y tế).
Tại buổi chuyển giao, GS.TS Nghiêm Hữu Thành – chủ tịch hội đồng khoa học Bệnh viện Châm cứu trung ương (Bộ Y tế) – cho biết số lượt trẻ mắc bệnh tự kỷ đến điều trị tại Bệnh viện Châm cứu trung ương ngày càng tăng.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200-300 bệnh nhi trên khắp cả nước đến tư vấn, điều trị và chăm sóc, trong đó có nhiều bệnh nhi đến từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
“Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của gia đình có trẻ tự kỷ mà họ đang gánh phải. Chúng tôi đã hứa nhiều gia đình bệnh nhi tại TP.HCM và khu vực phía Nam là họ sẽ có cơ hội tiếp cận điều trị theo gói kỹ thuật của bệnh viện tại gần khu vực họ sinh sống” – ông Thành nói.
Đến nay, sau nhiều năm khảo sát cơ sở vật chất, tình hình nhân lực, thực tiễn hoạt động Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kết thúc thời gian đào tạo nhân lực chuyên môn… Bệnh viện Châm cứu trung ương đã chuyển giao tuyệt đối và toàn diện gói kỹ thuật cao điều trị tự kỷ cho Viện Y dược TP.HCM.
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – bày tỏ lời cảm ơn đến Bệnh viện Châm cứu trung ương và hi vọng việc hợp tác giữa hai bên ngày càng gắn kết nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

TS Lan cho biết thêm, mô hình điều trị trẻ tự kỷ bằng kỹ thuật cao thường trải qua 1-2 đợt và mỗi đợt kéo dài 1-2 tháng.
Với quá trình điều trị tương đối lâu dài và tốn kém, viện sẽ kiến nghị Bộ Y tế đưa kỹ thuật này vào danh mục được BHYT thanh toán, nhằm giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân.
Nguồn: Xuân Mai/Báo Tuổi trẻ Online

SHARE