HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN ĐẾN VỚI VÙNG ĐẤT LỊCH SỬ

Nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022). Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến hành trình về nguồn tại vùng đất lịch sử miền Trung thân yêu.

0
442

Nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022). Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chuyến hành trình về nguồn tại vùng đất lịch sử miền Trung thân yêu.
Điểm đến đầu tiên của hành trình, đoàn đến viếng và thắp nhang Thành cổ Quảng Trị, đây là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho một thời đạn lửa đau thương mà hào hùng của quân dân Việt Nam. Ở mảnh đất đầy nắng và gió này, nhất là Thành cổ Quảng Trị, một thời bị cày xới, nghiền nát bởi hàng ngàn tấn đạn bom trút xuống, gần như san phẳng toà thành cổ, tại đây, đoàn đã tìm hiểu về về lịch sử cũng như để nhớ lại những thước phim lịch sử hàng chục năm trước. nơi được biết đến với mùa hè đỏ lửa vào năm 1972. Suốt 81 ngày đêm, hàng ngàn tấn đạn bom giặc trút xuống gần như đã san phẳng toà thành cổ. Hàng ngàn người con đất Việt đã nằm xuống mãi mãi nơi đây vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đoàn đã ghé thăm, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ Trường sơn. Nơi đây hiện có 10.263 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập theo quê quán, có nhiều ngôi mộ chưa xác định được danh tính nằm sát cạnh nhau, Trong suốt những năm tháng chiến tranh giải phóng miền Nam, hàng triệu người con của đất nước đã lên đường với khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Trường Sơn đã làm nên con đường huyền thoại – đường Hồ Chí Minh; hàng trăm ngàn tấn vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm, xăng dầu đã được vận chuyển thông suốt, đã làm lên chiến thắng vẻ vang đi đến độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã anh dũng ngã xuống và mãi mãi nằm lại với núi rừng Trường Sơn.

Cũng trong hành trình về nguồn đầy ý nghĩa này đoàn đã đến thăm vùng đất Nghệ An “địa linh nhân kiệt”. Nơi đây không chỉ là vùng đất thiêng liêng, là biểu tượng về sự hi sinh anh dũng của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước, niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam hôm nay và mai sau…

Đoàn đã phối hợp với Hội Đông Y TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện YHCT tỉnh Nghệ An và Công ty CP đầu tư và phát triển Sài Gòn Co.op tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo và tặng quà cho 500 người dân thuộc gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, người dân có hoàn cảnh khó khăn của huyện Đô Lương địa điểm xã Trù Sơn. Các y, bác sĩ đã trực tiếp thăm khám, kê đơn, cấp phát thuốc miễn phí và hướng dẫn phương pháp điều trị cho gần 500 người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, ngoài ra, các bác sĩ còn tư vấn, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng phòng tránh một số bệnh phổ biến thường gặp, nhất là dịch bệnh Covid-19, các bệnh về xương khớp, cao huyết áp…từ đó giúp người dân nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

Sau hoạt động khám chữa bệnh đoàn đã đến tham quan và thắp nhang khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Truông Bồn, được ví như “tọa độ lửa” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Nơi có 1.240 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh, tiêu biểu là sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 317 ngày 31/10/1968.


Đoàn đã về với làng Sen, quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như bao làng quê trên đất nước Việt Nam – làng Sen thật dung dị, hồn hậu trong tâm thức mỗi con dân đất Việt. Ẩn mình giữa lũy tre xanh mộc mạc, có một nếp nhà tranh đơn sơ đó là ngôi nhà xưa của gia đình cụ Nguyễn Sinh Cung, nơi Người cất tiếng khóc chào đời, với những kỷ vật gắn với tuổi thơ như phản gỗ, khung cửi thân mẫu thường ngồi dệt vải… Vẫn còn đó những hàng cau, gốc mít, hàng rào dâm bụt đỏ rực, dẫn lối vào nhà. Những di vật gắn liền với cuộc đời của Người, qua giọng kể ấm áp, truyền cảm của người xứ Nghệ khiến các thành viên trong đoàn có cảm giác thật gần gũi, thân thương và xúc động…
Về thăm quê Bác, các thành viên trong đoàn được tự tay thắp nén hương, dâng hoa lên bàn thờ Bác; được ngắm nhìn, dạo bước trong khuôn viên khu vườn, mái nhà tranh gắn liền với tuổi thơ của Bác… là niềm hạnh phúc lớn lao, là kỷ niệm đẹp trong đời, để khi xa rồi cứ lưu luyến nhớ thương và nôn nao ngày trở lại.

Ngày cuối cùng của chuyến hành trình, đoàn đã đến viếng thăm Khu di tích Lăng mộ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại khu di tích núi Cánh Diều tại xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Quê ngoại của Ông.
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720 – 1791). Ông sinh ra tại tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học: Ông nội, các chú các bác đều đỗ Tiến sĩ và làm quan trong triều.Thân sinh của ông từng đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang Bộ Công triều Lê Dụ Tông. Tuy là người tinh thông y học, dịch lý, văn chương, nhưng ông được biết đến nhiều hơn với vai trò lương y.
Ông qua đời vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại Bầu Thượng, (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Lê Hữu Trác là đại danh y có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam, kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh ký sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa, nhân văn, khi đến với các ‘địa chỉ đỏ” trong những ngày này, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước. Các anh, chị là những tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau noi theo để sống, chiến đấu, lao động và học tập, cũng từ đó, nuôi dưỡng lòng tự hào về dân tộc Việt Nam, về đất nước con người Việt Nam. Qua đó nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các gia đình chính sách, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh tại cộng đồng. Thông qua hoạt động này nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các thế hệ đi trước, với các anh hùng đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp độc lập của dân tộc; thể hiện sự chung tay của các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

SHARE