Trigger Point hay còn gọi là những điểm nút cơ, thường xuất hiện trong các vùng mềm của cơ bắp. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân như stress, căng thẳng, chấn thương cấp và mãn tính, rối loạn chuyển hóa. Trigger Point có thể tồn tại trong cơ thể một thời gian dài và thậm chí là mãi mãi, trừ khi được điều trị đúng cách.
Nếu không được điều trị kịp thời, Trigger Point có thể gây ra sự co cứng của cơ bắp, hạn chế khả năng vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Điều này có thể dẫn đến sự mệt mỏi, mất ngủ và thậm chí làm suy giảm sự linh hoạt và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách thoải mái.
Thấy được vấn đề đó, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Viện Y dược học dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò của Trigger Point trong điều trị bệnh”. Tham dự hội thảo có đại diện Ban giám đốc Viện, Hội Đông Y, các bác sĩ và gần 600 học viên đăng ký tham dự và trên 1.200 lượt học viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.
TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc trình bày báo cáo chuyên đề: “Ứng dụng của Trigger Point trong chẩn đoán và điều trị”
Buổi Hội thảo khoa học diễn ra với sự tham gia của TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, báo cáo viên chính của buổi hội thảo cùng hơn 600 học viên là hội viên Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh, các y, bác sĩ và viên chức, người lao động Viện Y dược học dân tộc.
Tại buổi Hội thảo các học viên đã được nghe TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan báo cáo chuyên đề “Ứng dụng của Trigger Point trong chẩn đoán và điều trị”. Thông qua bài báo cáo các học viên tại buổi Hội thảo đã được tìm hiểu kĩ hơn về Trigger Point, nguyên nhân hình thành, phân loại và các tác động xấu của Trigger Point đến cơ thể cũng như phương pháp điều trị cụ thể.
Để hiểu rõ hơn vai trò của Trigger Point trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh phổ biến tại Viện Y dược học dân tộc, các học viên tại buổi Hội thảo còn được nghe bài báo cáo của ThS. BS Nguyễn Lê Anh Trung – Chuyên viên Phòng đào tạo, Nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến với chuyên đề “Hội chứng đau cân cơ”. Bài báo cáo của ThS. BS Nguyễn Lê Anh Trung đã chỉ ra Hội chứng đau cân cơ (MPS, Myofascial pain syndrome) hay đau mô mềm (soft tissue pain) là một loại đau cơ, do các điểm kích hoạt cân cơ (MTrPs, myofascial trigger points) gây ra. Ngoài ra bài báo cáo còn nêu chi tiết các phương pháp thăm khám cho bệnh nhân mắc hội chứng Đau cân cơ, đưa chẩn đoán đúng và phương pháp điều trị cụ thể để bệnh nhân mau chóng khỏi bệnh và có một cuộc sống khỏe mạnh.
ThS. BS. Nguyễn Lê Anh Trung – Chuyên viên Phòng đào tạo, Nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến trình bày báo cáo với chuyên đề “Hội chứng đau cân cơ”
Hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận để các học viên có cơ hội trao đổi trực tiếp, đặt ra các vấn đề thắc mắc về Trigger Point trong điều trị bệnh. Các học viên đã được nghe TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan và các bác sĩ hàng đầu tại Viện Y dược học dân tộc chia sẽ kinh nghiệm về phương pháp thăm khám cũng như điều trị bằng Y học cổ truyền kết hợp Y học hiện đại.
Thông qua buổi Hội thảo hội viên Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các y, bác sĩ và viên chức, người lao động Viện Y dược học dân tộc đã có buổi học tập, trao đổi và chia sẽ kinh nghiệm vô cùng bổ ích, từ đó giúp Hội Đông y Thành phố Hồ Chí Minh cũng như Viện Y dược học dân tộc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của Thành phố và khu vực phía Nam theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính quyền các cấp.
Học viên tại buổi hội thảo đặt câu hỏi cho các giảng viên tại buổi Hội thảo
Học viên tại buổi hội thảo đặt câu hỏi cho các giảng viên tại buổi Hội thảo
TS. BS. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc trực tiếp giải đáp thắc mắc cũng như chia sẽ kinh nghiệm cho các học viên tại buổi Hội thảo