Tại phiên họp quốc hội ngày 31/10, nhiều đại biểu quốc hội đã chất vấn Bộ Y tế về tình hình hoạt động các nhà thuốc tân dược ở nước ta hiện nay. Trong đó có ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hải ( quê ở tỉnh Tiền Giang) đã đề cập đến tình trạng các chủ nhà thuốc tây đi thuê bằng Dược sĩkhá phổ biến, mua bán thuốc tây không có đơn và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời rằng đúng là tình trạng đó đang diễn ra ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Hiện cơ quan chức năng liên quan đang tiến hành kiểm ta đột xuất và nếu có vi phạm thì sẽ xử lý theo đúng nội dung của nghị định 176/NĐ-CP: tước quyền hoạt động, phạt hành chính tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Còn đối với việc mua bán thuốc không theo đơn bác sĩ kê, Bộ cũng đã đề ra phương án hóa đơn điện tử và nối dữ liệu mạng liên kết giữa các cơ sở kinh doanh thuốc tây, với cơ quan quản lý nhà nước và với người tiêu dùng để công khai mọi vấn đề từ nguồn gốc xuất xủ đến giá thành sản phẩm. Bộ cũng thừa nhận một số nơi còn khó khăn chưa thể áp dụng được nhưng sắp tới sẽ tiến hành thí điểm trên toàn quốc. “Hiện đã làm thí điểm ở 4 tỉnh, rồi nhân rộng ra 16 tỉnh và cuối cùng sẽ triển khai cho các nhà thuốc trên cả nước về việc bán thuốc theo đơn”- bà Tiến cho biết.
Cũng liên quan đến lĩnh vực Dược phẩm, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (quê ở thành phố Hồ Chí Minh) cũng đưa ra những băn khoăn làm thế nào để ngăn chặn tình trạng thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng. Bà cho biết thắc mắc của bà cũng là của đông đảo cử tri. Họ chưa thấy sự quyết liệt của Bộ Y tế trong việc khắc phục hậu quả cũng như chính sách bồi thường thiệt hại cho người dân khi đã dùng thuốc giả.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong luật Dược có nghị định 54/NĐ-CP và những điều khoản cụ thể về cách thức quản lý để kiểm soát chất lượng thuốc, hạn chế tối đa hàng giả hàng nhái “tuồn” vào thị trường.
Bộ đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để thanh tra và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, nhất là kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu. Sắp tới sẽ bổ sung vào luật Dược quy định: kiểm tra hồ sơ nhập khẩu, thậm chí đến tận nước sản xuất để kiểm tra nếu có nghi ngờ. “Tuy nhiên, điều này rất khó khăn cho ngành Y tế cả về nhân lực cũng như kinh phí”, bà Tiến nhấn mạnh.