“Cần sa trị ung thư giai đoạn cuối”: Lừa đảo

0
5385

Trên mạng xã hội đang lan truyền clip về một bệnh nhân (BN) nam được cho là đã đẩy lùi căn bệnh ung thư (UT) giai đoạn cuối nhờ dùng cần sa.

Riêng những trường hợp sử dụng cần sa thấy đỡ mệt ngay những ngày đầu là do ảo giác của cần sa đem lại, khiến người bệnh cảm thấy phấn chấn, nhẹ nhàng hơn. Về mặt chuyên môn, bác sĩ không khuyên người bệnh dùng cần sa, vì nếu dùng lâu ngày sẽ nghiện, sinh ra các bệnh hoang tưởng, ảo giác. Cần sa khi uống hay ngậm đều thấm vào máu đi khắp cơ thể, do đó cách chỉ dẫn như trong clip là ngụy tạo chứng cứ khoa học, khiến người bệnh tin đó là sự thật.

Cũng theo BS Đặng Huy Quốc Thịnh, trong ngành y không dùng cần sa, nên hoàn toàn không có thuật ngữ “cần sa y tế”. Cách gán ghép này là để lừa người bệnh. Công an nên vào cuộc để ngăn chặn, giúp người bệnh không bị mê muội. Hiện BV Ung Bướu cũng đang sử dụng morphin – chất có công thức tương tự như cần sa, được tạo ra từ công nghệ hóa dược, giúp người bệnh UT giảm đau, nhất là UT giai đoạn cuối, để cải thiện chất lượng cuộc sống. Dù chỉ là một chất hóa học nhưng do tính chất giống cần sa nên người bệnh cũng không được tự ý dùng, vì nếu dùng lâu dài, quá liều có thể gây nghiện, hôn mê như cần sa. BV Ung Bướu cũng từng tiếp nhận các ca khó thở, nhập viện do BN tự ý dùng morphin để giảm đau.

Trong ngành y không có thuật ngữ "Cần sa y tế"
Trong ngành y không có thuật ngữ “Cần sa y tế”

Ở góc độ Đông y, BS Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM thông tin: mới đây, một số nhà khoa học cho rằng chất cannabinoids có trong cần sa sẽ làm chậm sự phát triển hoặc gây chết một vài tế bào UT trong phòng thí nghiệm. Một vài nghiên cứu trên động vật cũng gợi ý chất cannabinoids có thể làm chậm sự phát triển và giảm lan truyền một vài loại UT.

Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ mới bước đầu, chưa đủ độ tin cậy và chưa được công bố chính thức. Còn theo y học cổ truyền, cần sa ở liều thấp có tác dụng trên thần kinh trung ương như: giúp cơ thể chịu đựng được cơn đau, chống nôn, giúp sảng khoái, tăng trí nhớ. Do đó, với UT, cần sa chỉ giúp người bệnh chịu đựng được triệu chứng buồn nôn, chống viêm của quá trình hóa trị hoặc chỉ giúp giảm đau. Riêng những BN có kết hợp Tây y điều trị mà nói nhờ cần sa đã khỏi UT là không xác đáng.

BS Năm khuyến cáo: việc sử dụng cần sa rất nguy hiểm vì dùng liều cao sẽ gây bồn chồn, lo lắng, sợ hãi, lú lẫn, ảo giác, hoang tưởng, tạo khuynh hướng tự sát, chậm nhịp thở, vã mồ hôi… Nếu dùng lâu ngày, người dùng sẽ lệ thuộc thuốc vì đây là chất gây nghiện, khi ngừng thuốc sẽ có hội chứng “đói thuốc”. Do đó, nhiều nước đã cấm trồng, sản xuất, buôn bán và sử dụng những chế phẩm từ cần sa.

Mai Phan – Thanh Khê (theo Phunuonline)

Cần sa là chất được xếp vào nhóm cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, do đó người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào; tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, hoặc chứa chấp và sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy… đều phạm tội hình sự tại các điều 192, 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Đối với những người rao bán, lôi kéo khách hàng để mua “cần sa y tế” trên mạng sẽ vi phạm điều 200 của bộ luật nói trên. Theo đó, hình phạt ở tội danh này thấp nhất là hai năm tù và cao nhất là chung thân.

Ngoài ra, người nào có trách nhiệm trong việc xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, bảo quản, phân phối, cấp phát, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác mà vi phạm quy định về quản lý, sử dụng các chất đó… thì cũng vi phạm điều 201 của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác. Do đó, mọi người nên cảnh giác không nên để bị lôi kéo bởi các thông tin, trang web như trên.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Quỳnh Mai (ghi)

SHARE