Chữa bệnh không chỉ bằng thuốc

0
6993
Khám bệnh cho người bệnh tại khoa Nội II.
Khám bệnh cho người bệnh tại khoa Nội II.
Tôi đến  Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh vào buổi chiều, trời nắng nhẹ,  người bệnh  đông nhưng sạch sẽ và nề nếp. Khoa Nội II (hỗ trợ điều trị bệnh ung thư) nằm trên lầu hai, bước vào nơi đây mùi cây cỏ, hoa lá lan tỏa cả một không gian rộng lớn.  Thoạt trông không có vẻ  là nơi chăm sóc người bệnh  mà ấm cúng như một nhà khách.  Hơn 70 người bệnh nằm vừa vặn số lượng giường sẵn có. Phần lớn họ là người già, nghèo, neo đơn và có hoàn cảnh đặc biệt, mang trên mình một nỗi đau bệnh tật mà  y học đã bó tay, gần như không chữa được.
Những người bệnh gặp “phao cứu sinh”Khoa Nội II, có diện tích khá khiêm tốn, nằm ở một góc yên tĩnh, nhìn xuống khu vườn  tràn ngập mầu xanh  của cây lá, giúp chia cắt sự ồn ào, náo nhiệt của trục đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất. Một  không gian  riêng của những người cùng cảnh ngộ,  đều mắc bệnh  nan y,  họ chia sẻ nỗi đau, cảm thương nhau vì bệnh tật. Hình như không ai hỏi tên ai bao giờ, từng người bệnh và người nuôi bệnh lặng lẽ giúp đỡ nhau trong sinh hoạt, ăn uống và điều trị, nên ai cũng biết rõ bệnh tình của nhau.Cụ Hoàng Thị Mơ, năm nay đã 85 tuổi,  nhà  ngay cạnh viện, cụ sống cô độc không có chồng con,  cụ bị bệnh ung thư xương cách đây đã mười năm, bệnh viện trước đây cụ điều trị đã trả về với gia đình với lý do bệnh hiểm nghèo, tuổi già. Người nhà đưa cụ Mơ vào đây điều trị. Cụ cho biết: Trước đây, tôi mất ngủ triền miên, người chỉ có 30 kg, nay được 32 kg,  ngày ngủ được năm, sáu tiếng rồi. Tôi nằm đây sáng có  thuốc uống, có cơm ăn, có bác sĩ động viên, có y tá bóp chân cho tôi nữa. Mặc dù khả năng kinh tế của tôi có thể chi trả  những nơi viện phí cao hơn, nhưng tôi chỉ thích nằm ở đây thôi, hình như là tôi hợp đất ở đây cô ạ. Người nhà cụ bộc bạch: Trước khi  đưa vào đây, cụ rất yếu, không đi lại được, không ăn ngủ được, người sút cân, thể trạng suy kiệt trầm trọng. Không ngờ  cụ lại khỏe lên nhờ chữa bệnh bằng đông y, bằng tinh thần thế này. Mặc dù cụ là người bệnh  hiếm hoi sử dụng dịch vụ, mỗi ngày chi phí cho giường nằm của cụ khoảng  50 nghìn đồng, bệnh đã tạm ổn, điều trị đã lâu, để tránh tốn kém,  bác sĩ khuyên cụ về  nhưng cụ nhất quyết không chịu.

Người bệnh Huỳnh Văn Kháng, 60 tuổi, quê Quảng Ngãi, ông bị ung thư dạ dày di căn, ông tâm sự: Trước khi phát bệnh, tôi thấy người rất mệt, sút gần chục kg, bụng chỉ hơi đau, khi tôi đi kiểm tra thì phát hiện mình bị ung thư  dạ dày đã di căn vào gan, phổi, Bệnh viện U Bướu mổ cắt bỏ phần có khối u, vì di căn vào gan, phổi nên  các bác sĩ khuyên ông về điều trị tại nhà và uống thuốc theo đơn.  Không   bó tay nhìn  bố chết dần, chết mòn, cô con gái lớn của ông đã tìm hiểu và khuyên bố điều trị theo đông y, “còn nước còn tát”. Lúc đầu, ông cũng bi quan không tin tưởng,  nhưng nhìn những giọt nước mắt của vợ con, ông không đành lòng, nên quay trở lại  thành phố chữa bệnh.  Sau khi điều trị được tám tháng, những triệu chứng khó chiụ trước đây như nôn nao, mặt mày xây xẩm, đau buốt đã thuyên giảm. Hiện tại, ông khỏe mạnh bình thường và đã phụ giúp gia đình các công việc nhẹ nhàng.

Một trường hợp rất lạ lùng mà hiện nay giới y học đang nghiên cứu đó là chị Hoàng Thị Bích Ngọc, ở quận Tân Bình,  chị là người bệnh  ngoại trú, cách đây mười năm khi chị mới 20 tuổi, chị  bị u đại bào ở  xương đùi phải, sau khi ghép xương một năm,  bệnh tái phát nhanh, người nóng sốt, suy kiệt, đầu gối sưng to, không đi lại được. Bệnh viện hồi đó chị điều trị nói rằng: Nếu không cưa ngang đùi, chỉ sống được khoảng ba tháng, nếu cưa  thì bệnh vẫn có thể tiến triển. Lúc đó, chị mới 20 tuổi, là con gái, nghĩ cảnh cưa chân để kéo dài cuộc sống chị vô cùng hãi hùng, chị bộc bạch: Hồi đó, tôi nghĩ mình sẽ chết, đằng nào cũng chết, nên tôi muốn lành lặn đôi chân. Tình cờ có người bà con chỉ cho tôi đến khoa Nội II. Tôi đến điều trị trong tâm trạng hoài nghi  và bi quan chán nản,  người thầy thuốc đầu tiên tôi gặp là bác sĩ Quan Vân Hùng, ông tiếp tôi rất vui vẻ và thân tình, ông dành hẳn  một buổi sáng để tìm hiểu bệnh án, hỏi han và động viên tôi. Ông đưa tôi  đến gặp những người bệnh mà ông đang điều trị, phần lớn họ là những người cao tuổi, đều mắc bệnh hiểm nghèo.  Từ ngày đó đến nay,  tôi điều trị tại đây, bệnh đỡ dần, khối u trên chân phải dần nhẹ bớt, ăn được, ngủ được, sau ba tháng tôi tự đi lại được…, sau ba năm tôi lập gia đình. Ðến nay, tôi đã  sinh hai con, các cháu hoàn toàn khỏe mạnh, hằng ngày tôi vẫn đi làm tại cửa hàng tạp hóa, chăm sóc gia đình, tuy nhiên bệnh không khỏi hẳn, vẫn còn vôi hóa và hơi đau một chút khi thay đổi thời  tiết…

Ðiều trị theo phương pháp 4T

Trong tủ tài liệu của nguyên Trưởng khoa Nội II  bác sĩ Quan Vân Hùng (người nghiên cứu và đưa phương pháp 4T này vào ứng dụng trong thực tiễn. Phương pháp 4T là: Tâm lý – tinh thần liệu pháp: Tạo một tâm lý thoải mái, sống phù hợp với thiên nhiên và quy định đất trời, tạo một tinh thần bình an vui tươi, ít lo lắng, căng thẳng, hạn chế giận, buồn, sợ hãi. Thực phẩm (chế độ ăn): Phù hợp thiên nhiên, kiêng cữ một số thức ăn, nước uống có hại cho cơ thể, nên ăn một số thực phẩm chống ung thư và bồi dưỡng sức khỏe. Tập dưỡng sinh: Vận động tự nhiên làm gia tăng sức khỏe (đi bộ, thái cực quyền, hạn chế nằm, ngồi). Thuốc: Kết hợp đông-tây y cộng châm cứu, bấm huyệt.

Ông cho rằng: Bản thân cơ thể con người có một khả năng tự phục hồi rất kỳ diệu, dù cho bệnh nặng, dù cho suy kiệt vẫn tiềm tàng nhen nhóm những tia sáng và ông muốn vận dụng cao nhất các liệu pháp hỗ trợ để thổi bùng lên   ngọn lửa yếu ớt đó, mặc dù không khỏi hoàn toàn được bệnh, nhưng thuyên giảm hẳn các triệu chứng, kéo dài cuộc sống mà không đau đớn. Hơn nữa phương pháp này tận dụng được nguyên liệu sẵn có, tận dụng  tác dụng của cây cỏ chung quanh ta, vì thế không tốn kém, phù hợp  hoàn cảnh người bệnh. Hơn mười năm điều trị  cho người bệnh, ông đã hỗ trợ chữa trị cho hàng nghìn người bệnh  ung thư giai đoạn cuối, qua thống kê được cải thiện 80%  tình trạng bệnh và kéo dài tuổi thọ.

Liệu pháp này tuy không tiêu diệt được u nhưng ít ra cũng ngăn chặn sự tàn phá của u được một thời gian. Từ tác dụng bồi dưỡng hệ miễn dịch là chính, ngăn chặn phần nào sự phát triển của u, lại không có tác dụng phụ, tinh thần người bệnh   được cải thiện,  sức khỏe tăng tiến hơn, khối u bị ức chế một phần nên cũng bớt tàn phá cơ thể, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối vẫn có thể cầm cự được một thời gian.

Bác sĩ Trần Tuấn Khanh, Trưởng khoa Nội II cho biết: Ðể bệnh ung thư không còn đáng sợ nữa, điều quan trọng nhất là biết cách phòng ngừa, bằng  cách thay đổi lối sống và chế độ ăn, biết cách phát hiện ung thư và điều trị một cách toàn diện, nếu giai đoạn cuối không thể phẫu hóa xạ thì cần biết rằng ngành y học cổ truyền có thể giúp kéo dài cuộc sống của người bệnh. Bài thuốc mà khoa Nội II hay sử dụng là: Dùng các vị thanh nhiệt phối hợp, có tác dụng  lên khối u, đồng thời có tác dụng lên các phủ tạng, hoặc có tác dụng điều hòa tạng phủ để ổn định các triệu chứng.

Trưởng phòng quản lý Y dược học cổ truyền Sở Y tế TP Hồ Chí Minh    Trần Hữu Vinh cho rằng: Cần thiết phải có sự phối kết hợp giữa các bệnh viện khối tây và đông y, cần có sự đầu tư và triển khai về mô hình chữa bệnh 4T trên cả nước. Sau khi phát hiện ra bệnh, điều trị bằng tây y, người bệnh đã trải qua nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần, thay vì động viên về với gia đình, cần chuyển sang điều trị đông y theo phương pháp 4T để khôi phục sức khỏe và tạo cho họ một thói quen và lối sống lành mạnh nhằm ngăn cản sự phát triển của bệnh.

 

SHARE