Con Cóc làm Thuốc

0
11348

Con Cóc có tên khoa học Bufo melanostictus Schneder, thuộc họ Cóc-Bufonidae. Cóc dùng làm thuốc trong đông y ở Việt Nam có từ rất lâu đời, từ thế kỷ 14 (Tuệ Tĩnh) đã được ghi chép thành tài liệu.
Bộ phận dùng làm thuốc: Nhựa cóc (thiềm tô), thịt Cóc (thiềm thừ) hoặc cả con Cóc sau khi bỏ phủ tạng đốt tồn tính.
Độc tính gây nguy hại tính mạng con người nằm ở da, gan, mật và trứng Cóc.

hqdefault

Nhựa cóc tiết từ các tuyến trên lưng và 2 tuyến lớn nhất nằm gần mắt Cóc, thành phần nhựa cóc gồm: cholesterol, acid ascorbic, và các chất độc: bufogenin, suberylarginin, bufotoxin, ɤ-bufotoxin, vulgarobufotoxin, alvarobufotoxin, arenobufotoxin, cinobufotoxin…
Trên thực tế, có một số bệnh nhân sau khi được chẩn đoán mắc bệnh gan nặng như ung thư gan, xơ gan và bệnh nhân được bệnh viện trả về nhà và sau đó tự ý sử dụng một số con hoặc cây thuốc (trong đó có con Cóc), một thời gian sau bệnh ổn định: ăn uống tốt hơn, sức khoẻ cải thiện, trở lại công việc làm trước. Tuy nhiên, không phải mọi người đều được may mắn như trên nếu không thực hiện một liệu pháp chăm sóc tốt.  Trên lâm sàng, qua theo dõi những trường hợp may mắn thoát khỏi bàn tay “tử thần” đa số có thực hiện việc thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý như sau:
Thay đổi lối sống: ngưng đưa chất độc vào cơ thể như rượu, bia, thuốc lá, ăn uống thức ăn khó tiêu hoá, chế biến phù hợp (hạn chế thịt đỏ, hạn chế mỡ, rau củ sạch…),
Tư duy tích cực: Sau khi phát hiện mắc bệnh nặng: được gia đình quan tâm chăm sóc hơn, động viên, an ủi, được nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần thoải mái,
Vận động, tập thể dục vừa sức: nhẹ nhàng, hít thở sâu, xoa bóp, kiểm soát stress…
Uống thuốc phù hợp: dưới sự theo dõi chăm sóc của thầy thuốc và người thân.
Riêng thịt Cóc là một chất có giá trị dinh dưỡng rất cao (Thịt cóc chứa 53,37% protid, 12,66% lipid, ít glucid, 23,56% tro và 4,18% độ ẩm), phù hợp với người bệnh gan đang bị thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong lúc chế biến cần lưu ý không để tiếp xúc với các chất độc như liệt kê phần trên.
Lời khuyên: đối với người bệnh gan nặng (ung thư, xơ gan), để chăm sóc có hiệu quả cần thực hiện liệu pháp toàn diện trên và nên có sự theo dõi của thầy thuốc có kinh nghiệm đặc biệt mỗi khi muốn sử dụng một loại cây thuốc, con thuốc điều trị bệnh cho bản thân.

 Bs.Trần Văn Năm – Nguyên phó viện trưởng ,Viện Y Dược Học Dân Tộc Thành Phố Hồ Chí Minh
SHARE