Hiện nay, có rất nhiều bệnh có thể chữa trị bằng Đông y, Tây y hoặc Đông – Tây y kết hợp trong đó có bệnh viêm gan. Tuy nhiên sử dụng đông y như thế nào mới đúng và mang lại hiệu quả?
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể (1,2 – 1,3 kg), có khả năng tự tái tạo rất lớn khi bị tổn thương. Tuy nhiên, khi bị gan bị tổn thương từ 70-80% sẽ dẫn đến viêm gan. Viêm gan do các tế bào gan bị phá huỷ, chết đi do nhiều nguyên nhân như viêm gan siêu vi (A, B, C, E…), uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường hoặc ăn nhiều thức ăn độc hại.
Nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về việc sử dụng Đông y trong điều trị bệnh viêm gan, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khoẻ TP.HCM đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Đông Y trong điều trị viêm gan” do Bác sĩ CKII Lê Văn Hải – Trưởng khoa Khám bệnh Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM hướng dẫn.
Các bài thuốc chữa viêm gan
Theo Đông y, điều trị bệnh lý viêm gan có nhiều phương pháp khác nhau nhưng cần đến khám bệnh tại các phòng khám đông y, bệnh viện y học cổ truyền có uy tín để được hướng dẫn đúng cách.
Trong phương pháp điều trị bằng Đông y, quan điểm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn là phương châm hàng đầu. Bác sĩ Lê Văn Hải cho rằng: “Phải điều trị trước khi bệnh xuất hiện, đừng để đến khi bệnh có biểu hiện rõ ràng thì đã vào giai đoạn muộn rất khó điều trị thậm chí không thể cứu được nữa”.
Điều trị viêm gan dù bằng phương pháp Đông hay Tây y đều phải xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, từ đó tuỳ vào từng giai đoạn bệnh mà ta có những bài thuốc khác nhau. Với viêm gan giai đoạn nhẹ và cấp tính, có thể sử dụng một số cây thuốc nam như:
Atiso có tác dụng bảo vệ tế bào gan, tăng tiết mật, thông mật lợi tiểu, hạ cholesterol trong máu.
Cúc gai kết hợp cùng thành phần từ quả cây ngũ vị tử có tác dụng hạ men gan.
Diệp hạ châu (Cây chó đẻ răng cưa) đã được nghiên cứu ngoài tác dụng hạ men gan còn được sử dụng chữa bệnh gan nhiễm mỡ, điều trị viêm gan siêu vi B.
Nghệ có tác dụng bảo vệ tế bào gan, phòng ngừa ung thư tế bào gan.
Ngoài ra, nếu người bệnh viêm gan có biểu hiện vàng da và niêm mạc có thể dùng các vị thuốc như nhân trần 20g, chi tử 12g, đại hoàng 8g sắc chung uống để điều trị.
Bác sĩ Lê Văn Hải cho biết, khi bệnh ở mức độ nặng hơn như viêm gan mạn tính do siêu vi, xơ gan thì cần phối hợp rất nhiều vị thuốc mới có hiệu quả điều trị. Lúc này không nên nghe theo kinh nghiệm dân gian tự ý sử dụng cây thuốc mà cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Lưu ý khi sử dụng Đông – Tây y kết hợp
Trong điều trị thuốc Đông – Tây y kết hợp cần lưu ý đến sự tương tác giữa 2 loại thuốc này. Tuỳ loại thuốc mà khi kết hợp có những tương tác có lợi hoặc có hại cho cơ thể cần được lưu ý.
Khi sử dụng nhóm thuốc kháng sinh, kháng siêu vi kết hợp với nhóm thuốc Đông y có tác dụng thanh nhiệt giải độc sẽ giúp tăng tác dụng của nhưng loại thuốc trên. Lúc này có thể giảm bớt liều lượng thuốc kháng sinh, kháng siêu vi để ngăn ngừa những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.
Tuy nhiên, nếu sử dụng chung các loại thuốc chống ngưng tụ tiểu cầu , kháng đông (Thuốc chống đông máu) dùng trong điều trị tim mạch với các thuốc có tác dụng hoạt huyết (Tăng lưu thông máu ) của Đông y có thể gây xuất huyết, chảy máu. Ngoài ra dùng thuốc cầm máu sẽ làm giảm tác dụng của các loại thuốc phòng ngừa bệnh tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ.
Bác sĩ Lê Văn Hải khuyến cáo: “Người bệnh cần được tư vấn sử dụng thuốc Đông – Tây y kết hợp để tránh đưa đến các trường hợp đáng tiếc hoặc làm bệnh tình diễn biến xấu đi”.
Ngoài ra, để việc điều trị có hiệu quả người bệnh cũng cần quan tâm đặc biệt tới vấn đề dinh dưỡng và ăn uống hằng ngày. Theo bác sĩ Hải, không nên ăn một loại thức ăn nào quá nhiều và quá lâu vì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối dinh dưỡng trong cơ thể làm phát sinh bệnh tật.
Bác sĩ Lê Văn Hải cho biết, người bệnh cần ăn nhiều đạm, chất bột, ít chất béo, và tăng cường chất xơ cho cơ thể mỗi ngày. Không uống rượu bia trong khi điều trị viêm gan, tốt nhất nên bỏ hẳn để tránh các bệnh lý nặng hơn như xơ gan, ung thư gan.