Cách đây đúng 60 năm, vào ngày 27/2/1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc đã trở thành tài sản vô giá của ngành Y Việt Nam. Trong bức thư, Người nêu rõ: “Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”.
Vâng lời Bác dạy, những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong thời bình đã khẳng định vai trò quan trọng của ngành Y trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng và mong mỏi của Bác kính yêu. Lịch sử ghi danh những chiến sỹ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến…Trong thư, Bác viết: “…Cán bộ y tế phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”. Lời dạy của Bác là yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành Y.
Hải Thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác cũng đã từng dạy: “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người. Không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề Y thiếu đạo đức”. Trong lúc cả nước đang đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một lần nữa tiêu chuẩn đạo đức “Lương y như từ mẫu” lại được toàn thể cán bộ ngành Y nói riêng và nhân dân ta nói chung quan tâm đặc biệt.
Đối với con đường phát triển nền y tế nước nhà, Bác nói rằng: “Y học phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Ðể mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc Ðông và thuốc Tây…” (Trích thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế, ngày 27/2/1955).
Theo Bác, “Thuốc Tây chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được; thuốc ta chữa được nhiều bệnh, nhưng cũng có bệnh chữa không được mà thuốc Tây chữa được… Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa được bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thầy thuốc Tây y phải học Đông y, thầy thuốc ta cũng phải học Tây y. Thầy thuốc ta và thầy thuốc Tây đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay, hai bàn tay cùng làm việc thì làm việc được tốt, cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc ta và thuốc Tâythành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”. Đây chính là điều Bác muốn định hướng cho người thầy thuốc phải biết kết hợp giữa y học hiện đại và y học dân tộc. Những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những vốn quý của y học cổ truyền đã được lưu giữ và phát triển.
Hiện nay, ở tất cả các cấp y tế, các cấp đào tạo từ thấp đến cao của Việt Nam đều giảng dạy Y học cổ truyền. Vâng lời Bác dạy, các thầy thuốc của chúng ta đã biết linh hoạt phối kết hợp giữa y học dân tộc với y học hiện đại, để cứu chữa người bệnh một cách hiệu quả nhất!
(Nguồn: giadinh.net.vn)