Tình trạng sưng đỏ, đau xót trong miệng do nhiệt miệng là nỗi khốn khổ của nhiều người. Những mẹo vặt sau có thể giúp người bệnh giảm nhẹ và nhanh chóng triệu chứng khó chịu này.
Ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh (tần dày lá), vỏ xoài… Trong thành phần các dược thảo kể trên, có chứa chất Tanin – Chất chát có tính sát trùng và làm săn da, có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus. Theo y học cổ truyền chúng có tác dụng trừ thấp nhiệt ở tỳ vị, thanh nhiệt độc, khử mùi hôi.
Bôi mật ong nguyên chất: bôi vào sang thương vết loét, 2- 3 lần/ ngày, liên tục 4-5 ngày. Đây là phương pháp hiệu quả rõ ràng và nhanh nhất với điều kiện áp dụng ngay trong giai đoạn rất sớm (khi còn ở giai đoạn mụn nước rộp hoặc vết loét chớm hình thành). Lúc này triệu chứng đau xót còn ít, nếu được bôi mật ong nguyên chất, triệu chứng đau sẽ giảm hẳn và không tăng thêm ở giai đoạn kế tiếp. Thậm chí có thể biến mất hoàn toàn hoặc chỉ còn xót nhẹ khi ăn uống, dù tiến trình vết loét vẫn diễn ra từ 5 đến 7 ngày.
Súc miệng với nước củ cải trắng: giã sống khoảng 200- 300g củ cải trắng, vắt lấy nước hòa thêm một ít nước lọc, súc miệng ngày 3 lần.
Bôi nước cốt rau ngót với mật ong: Lá rau ngót rửa sạch, giã nát để lấy nước cốt và hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 – 3 lần. Theo Y học cổ truyền, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, giải độc. Do vậy, phương pháp này thường áp dụng trong trường hợp viêm lở nặng niêm mạc miệng lưỡi, đau nhức nhiều, người bệnh có thể kèm sốt hoặc nổi hạch vùng lân cận.
Bôi nước cốt khế tươi : Khế giã nát, đổ ngập nước, đung sôi một lúc, chờ khi nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Khế là trái có vị chua, tính mát, giúp sinh tân dịch, thanh nhiệt từ đó “làm mát” cơ thể.
Dù điều trị bằng phương pháp nào, trong quá trình bệnh, người bệnh cũng nên uống nuốc đầy đủ ít nhất 2 lit/ngày, ăn kèm nhiều “đồ mát” như rau quả tươi,…để tăng tác dụng thanh nhiệt.