Ngăn chặn dược liệu “rác”

0
644

TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), trả lời phỏng vấn Thanh Niên xung quanh các giải pháp kiểm soát chất lượng dược liệu, đặc biệt là “dược liệu rác” nhập khẩu.

TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế).
TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế).

TS Khánh cho biết, ước tính nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước hằng năm khoảng hơn 60.000 tấn. Để quản lý chất lượng dược liệu, Bộ Y tế tổ chức kiểm tra thường kỳ, đột xuất tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng dược liệu; viện kiểm nghiệm lấy mẫu xét nghiệm. Qua kiểm tra, xét nghiệm cho thấy, trong các cơ sở còn hiện tượng sử dụng dược liệu chưa thực hiện ghi đầy đủ nhãn mác, chưa thực hiện kiểm soát dược liệu theo lô mẻ; chưa chứng minh rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ; chưa kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.

Như Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư công bố tại hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức mới đây, có đến 20% mẫu dược liệu xét nghiệm không đạt yêu cầu về chất lượng, đâu là nguyên nhân của việc này, thưa ông?
Thực ra, các mẫu được lấy xét nghiệm không phải lấy đại trà mà đã lựa chọn trong nhóm mẫu dược liệu có nguy cơ, sau khi đã được nhận diện trước trong quá trình đi kiểm tra bằng cảm quan, bởi vậy, tỷ lệ mẫu không đạt chất lượng cao. Các dược liệu không đạt do bị nhầm loài, bị làm giả, lẫn tạp chất, cũng có một phần do điều kiện lưu kho chưa đảm bảo gây ẩm mốc.
“Để làm thuốc, dược liệu đó không chỉ sạch, không nhiễm tạp chất, nấm mốc hay hóa chất mà phải có hoạt chất và hoạt chất đó phải đạt đến hàm lượng nhất định. Để dược liệu đạt được chất lượng thì còn phụ thuộc vào tuổi của dược liệu, vùng đất nuôi trồng cũng như thời điểm thu hái – theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt.”
Ông có thể cho biết cụ thể những vi phạm về chất lượng dược liệu từng bị phát hiện?
Cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn từng phát hiện dược liệu bị nhuộm đỏ bằng rhodamin – hóa chất công nghiệp, tuy nhiên gần đây không còn thấy; hay có những dược liệu bị nhầm loài, ví dụ củ sắn bị làm thay cho củ mài; hoặc cùng một loài nhưng có thể khác nhau về loại (cây đực – cái); nhân trần thì nhầm với bồ bồ. Tất nhiên nhầm lẫn này cũng không loại trừ nguyên nhân do bị tráo đổi, làm giả bởi chỉ thấy nhầm theo hướng loại rẻ tiền hơn thay cho dược liệu có giá trị cao hơn.
Dược liệu là các cây, con được thu hái trong tự nhiên hoặc trồng trọt, được sử dụng làm thuốc. Nhưng để làm thuốc, dược liệu đó không chỉ sạch, không nhiễm tạp chất, nấm mốc hay hóa chất mà phải có hoạt chất và hoạt chất đó phải đạt đến hàm lượng nhất định. Để dược liệu đạt được chất lượng còn phụ thuộc vào tuổi của dược liệu, vùng đất nuôi trồng cũng như thời điểm thu hái – theo nguyên tắc rất nghiêm ngặt. Chất lượng dược liệu, sự phối hợp các vị thuốc trong bài thuốc đảm bảo hiệu quả với người bệnh.
Vậy ai chịu trách nhiệm về việc sử dụng dược liệu kém chất lượng trong điều trị cho người bệnh?
Cơ sở điều trị, hội đồng thuốc tại địa phương chịu trách nhiệm về chất lượng dược liệu, thuốc trong đơn vị mình; không thể mỗi lúc nhập vài cân dược liệu mà đem đi kiểm định được vì rất tốn kém, đi xa nhưng vẫn phải có các giải pháp để đảm đảo chất lượng. Đơn cử như, đơn vị sử dụng dược liệu phải hướng dẫn cho địa phương, chỉ thu hái dược liệu đó đúng điều kiện. Bởi việc thu hái ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu về hoạt chất. Hội đồng thuốc của bệnh viện chịu trách nhiệm về chất lượng dược liệu không chỉ về an toàn, không nhiễm hóa chất hay hoạt chất, bảo quản đúng điều kiện không bị nấm mốc mà còn là việc nhận diện loài, không để nhầm lẫn, sử dụng sai, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả điều trị, sức khỏe người bệnh.
Thực ra, không phải không có dược liệu đạt chất lượng nhưng vấn đề là cơ sở điều trị, kinh doanh phải chấp nhận chi phí cao, giảm lợi nhuận. Nguồn chính ngạch từ các công ty là các dược liệu chuẩn, còn nguồn tiểu ngạch, nhập lậu thì chất lượng không được kiểm soát chặt chẽ, giá rẻ hơn. Một thang thuốc chuẩn của họ là 5 đồng, nhưng thang thuốc của ta lại chỉ 1 đồng, đó là nông sản dược liệu chứ không phải dược liệu.
Là cơ quan chịu trách nhiệm về xây dựng chính sách, quản lý chất lượng dược liệu, ông cho biết các giải pháp nào được cho là sẽ có hiệu quả ngăn chặn tình trạng người bệnh phải dùng thuốc từ dược liệu thứ cấp?
Ngày 21.1.2016, Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu, trong đó quản lý nguồn gốc, chất lượng dược liệu nhập khẩu và quy định cụ thể về điều kiện bán lẻ, bán buôn dược liệu. Theo đó, cơ sở VN nhập khẩu dược liệu phải là cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu do Bộ Y tế thẩm định, cấp phép; có giấy phép nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý y, dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế cấp; dược liệu nhập khẩu vào VN phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của dược liệu do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định về việc nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu là chứng từ điện tử thì cơ quan hải quan chấp nhận các chứng từ này.
Đặc biệt, từ 1.7.2016, dược liệu nhập khẩu trong danh mục phải có phiếu kiểm nghiệm của từng lô dược liệu (kèm theo bản dịch ra tiếng Anh hoặc tiếng Việt) của cơ sở sản xuất nếu cơ sở đó đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất thuốc” (GMP); đối với cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn GMP thì phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Hằng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm công bố danh mục dược liệu phải có phiếu kiểm nghiệm của cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Các quy định này nhằm ngăn chặn dược liệu kém phẩm chất, không rõ nguồn gốc lọt vào cơ sở điều trị như vừa qua từng phát hiện.
Ý kiến
Hà thủ ô… được nhuộm lại
TS Trần Thị Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế), cho biết thời điểm này dược liệu bị nhuộm màu đã “đỡ hơn” nhưng không phải không có. Điển hình như hà thủ ô, nhiều mẫu khi kiểm tra phát hiện chỉ có màu đen (do được nhuộm lại) còn hoạt chất chính (emodin) rất thấp.

Theo bà Phương, các mẫu dược liệu kiểm tra, xét nghiệm được lấy từ các cơ sở khám chữa bệnh, trên thị trường, qua đó thấy rằng, nhiều dược liệu bị nhầm loài, được thay thế bằng những thứ khác rẻ tiền hơn và việc nhầm lẫn này cũng có thể là cố ý. Có những loại bị “nhầm” với loài khác có giá rẻ hơn nhiều, chênh nhau đến cả triệu đồng/kg. “Tôi cho rằng, đang tồn tại việc trộn lẫn dược liệu từ nguồn nhập lậu chất lượng kém với hàng chính ngạch chất lượng tốt. Việc nhầm loài với một số dược liệu tồn tại ngay cả trong cơ sở khám chữa bệnh, chứ không chỉ trên thị trường. Có nơi, khi chúng tôi chỉ ra việc dùng sai loài, đơn vị điều trị chống chế rằng: Nếu không dùng thay thế thì không có thuốc cho bệnh nhân”, bà Phương nói và cho rằng không chỉ kiểm soát thị trường, mà cần giám sát ngay cả trong bệnh viện, cơ sở y tế.

Nguy hiểm tới tính mạng người bệnh

GS-TSKH-NGND Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền, cho biết có những loại dược liệu sau khi đã bị lấy hoạt chất nhưng không bị biến dạng, bên ngoài vẫn còn nguyên hình thái ban đầu, ví dụ như cam thảo, tam thất… Nhìn chung, những dược liệu đang được mua về VN qua đường tiểu ngạch có chất lượng kém, hoạt chất thấp, thậm chí đó chỉ là “bã” dược liệu. Điều đáng lo ngại, có cả các bệnh viện, cơ sở điều trị hay các chợ dược liệu của chúng ta cũng đang mua dược liệu từ nguồn tiểu ngạch. “Có thể không phân biệt hình thức mua tiểu ngạch, chính ngạch nhưng vấn đề là phải có biện pháp kiểm soát chất lượng dược liệu làm thuốc. Người có bệnh sử dụng các sản phẩm bào chế từ dược liệu không có hoạt chất hoặc hoạt chất rất thấp thì không có tác dụng chữa bệnh, có khi nguy hiểm đến tính mạng”, GS Khánh cảnh báo.   

Không thể biết chất lượng thuốc

Theo lương y Lê Văn Cảnh (TP.HCM), một số loại dược liệu nhập về đã bị phun nước để tăng ký. Vì thế, người ta phải trộn chất bảo quản để giữ lâu dược liệu, tránh mốc. “Dược liệu có đủ hạng – thượng phẩm, trung phẩm, hạ phẩm, giá thành cũng khác nhau. Nếu dược liệu đã phiến (thái) sẽ khó nhận biết được chất lượng, chỉ người trong ngành mới có thể nhận biết qua ngửi và nếm. Do vậy, với thầy thuốc, thường mua dược liệu chưa phiến, về tự phiến và sao tẩm để có vị thuốc có chất lượng. “Muốn đặt hàng dược liệu phiến hay chưa phiến gì phía Trung Quốc sẽ cung cấp hết. Hiện nay với dược liệu cả thuốc bắc, nam, chúng ta chưa đề ra một tiêu chuẩn nào nên khó kiểm soát”, ông Cảnh nói và khuyến cáo người bệnh tuyệt đối không tự mua dược liệu ngoài thị trường về chế biến.
Nam Sơn – Thanh Tùng (ghi)

Liên Châu (thực hiện) – Nguồn thanhnien.vn

SHARE