Nhiều người đang xông hơi sai cách
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM cho biết, từ khi có dịch COVID-19, việc xông hơi được rất nhiều người áp dụng.
Nhiều người xông hơi ngày 2, 3 lần với việc nấu 1 nồi nước xông, xông phủ kín toàn thân. Trong khi, người mắc bệnh COVID-19, cơ thể đang rất mệt mỏi, suy nhược, ra mồ hôi nhiều, cần nhiều oxy để thở, nếu xông toàn thân sẽ bị mất nước, khó thở và dễ chóng mặt và có khi choáng váng, ngất xỉu. Do đó, với những người nhiễm COVID-19, chống chỉ định xông toàn thân.
Trong đợt dịch vừa qua, Viện Y dược học Dân tộc TPHCM là đơn vị duy nhất được phân công điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 theo phương pháp đông – tây y kết hợp tại 2 cơ sở: Khu cách ly số 3B Lê Quý Đôn và Bệnh viện dã chiến số 5 Hoàng Minh Giám, trong đó phương pháp xông hơi cho bệnh nhân và nhân viên y tế được đánh giá ngăn ngừa và tiêu diệt SARS-CoV-2 rất hiệu quả.
Bác sĩ Ngọc Lan cho biết, một chứng minh xông bằng tinh dầu ở nước Ý cho thấy, khi xông theo cách cổ điển (bằng nước ấm), nhiệt độ ở vùng xông là 55 độ C, khi hít vào đến vùng họng, nhiệt độ còn 41 – 42 độ C, nhiệt độ này cũng đã diệt được virus. Ở Ý chỉ xông bằng nước ấm, nhưng ở Việt Nam xông bằng nước ấm không yên tâm nên xông tinh dầu vừa thơm vừa có thêm nhiệt và các loại lá chứa tinh dầu có tác dụng diệt vi rút rất tốt.
Tại khu cách ly do Viện đảm nhiệm chỉ có 15 nồi xông hơi, mỗi ngày xông vài chục người, mỗi người xông 30 phút chia làm 2 lần xông. Chỉ sau 3 ngày xông hơi vùng hầu họng, mũi, các triệu chứng về hô hấp của bệnh nhân COVID-19 đã cải thiện tốt. Nhiều cán bộ y tế hàng ngày làm nhiệm vụ chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện dã chiến và nhân viên y tế làm việc trong phòng ICU (chăm sóc và điều trị hồi sức tích cực cho bệnh nhân COVID-19 nặng) xông hơi sẽ hỗ trợ tránh nhiễm bệnh.
Xông hơi sao cho hiệu quả?
Bác sĩ Ngọc Lan hướng dẫn, ở bệnh viện dã chiến, bác sĩ sẽ cắt một túi nilong to (như cái nón), cắt một cạnh của túi thành một chiếc nón sau đó trùm lên đầu và phủ lên vai (không cần quá kín), chỉ cần đủ độ ấm, tinh dầu không bay ra ngoài. Rồi ngồi xông khoảng 10 phút rồi ngưng, nghỉ giải lao 10 phút, sau tiếp tục xông tiếp 10 phút nữa.
Nếu tự xông ở nhà bằng nồi xông hoặc sử dụng ấm siêu tốc hoặc nồi cơm điện, thì khi ấm sôi nước, cho vào 3 giọt tinh dầu, sau đó lấy khăn trùm nguyên đầu (không trùm kín người mà chỉ đến vai), hoặc cắt cạnh một bọc nilong to che đến vai, xông tương tự như hướng dẫn trên.
Mỗi người có thể xông 2 lần/ngày, mỗi lần xông 10 phút.
Phương pháp này chỉ thực hiện cho người lớn, không thực hiện cho trẻ em vì dễ gây bỏng. Với trẻ em nên mua thuốc xịt mũi họng và khò nước muối.
Điều cần lưu ý là tinh dầu hiện bị làm giả rất nhiều, người mua cần cẩn thận tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm. Trong trường hợp không mua được tinh dầu, có thể mua bó lá xông ở chợ để xông. Với những bệnh nhân mệt mỏi, không chịu nổi hơi nóng thì nấu lá xông và nồi nước nhiều hơn một chút rồi xông toàn phòng.
Nhiều người đang xông hơi trị COVID-19 sai cách
Việc xông hơi hỗ trợ điều trị COVID-19, nhưng xông như thế nào cho đúng cách thì không phải ai cũng biết.