Đợt dịch Cúm Covid – 19 biến thể Delta, rồi Delta plus… đang đe dọa sức khỏe và tính mạng nhiều người khắp nơi trên Thế giới và Việt Nam. Ngoài việc thực hiện giữ vệ sinh cá nhân, giãn cách xã hội…giải pháp tiêm phòng vaccine được toàn Thế giới áp dụng cho thấy hiệu quả tốt nhất như: giảm tỉ lệ mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện, hạn chế lây lan một cách rõ rệt.
Nước ta bắt đầu tiêm chủng ồ ạt tại những nơi mà số người nhiễm bệnh tăng nhanh chưa từng thấy như trước đây. Tuy nhiên, qua thông tin trên mạng xã hội và báo chí, cho biết có những trường hợp bị tai biến sau khi tiêm, đã gây ra tâm trạng lo lắng và do dự cho những người chuẩn bị tiêm Vaccine. Hy vọng những chia sẻ dưới đây giúp chúng ta giảm bớt phần nào căng thẳng, sợ sệt khi tham gia tiêm phòng Covid – 19.
1.Cần chuẩn bị gì trước và sau khi được tiêm chủng?
1.1. Trước khi tiêm:
• Bình tâm, không quá bất an, sợ hãi, vì tỉ lệ biến chứng sau tiêm là rất thấp. Tâm – thần kinh bất ổn sẽ suy giảm khả năng của hệ miễn dịch.
• Không uống rượu bia, hút thuốc lá,
• Cần duy trì tập thể dục vừa phải, đều đặn, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc,
• Uống đủ 1,5 – 2 lít nước sạch/ngày, không uống nước ngọt chế biến sẵn,
• Ăn đủ thức ăn dễ tiêu hóa: rau, củ, trái cây tươi – sạch; một ít cá hay trứng…chế biến đơn giản, không nấu quá nhừ.
• Ăn ít hay rất ít thức ăn khó tiêu như: thịt đỏ, dầu béo, chế biến quá cầu kỳ với nhiều gia vị – bột nêm sẽ gây tổn hại đến nguồn enzyme tốt của cơ thể (thiếu enzyme Hệ miễn dịch suy giảm),
• Bảo vệ sức khỏe đường ruột: bổ sung lợi khuẩn (probiotic) và chất xơ (prebiotic) giúp cân bằng vi sinh trong ruột, bổ sung các món ăn truyền thống như: Kim chi, cải chua (hợp vệ sinh), sữa chua, chao (chế biến sạch), tương Miso, sauerkraut, Natto, trà Kombucha…
1.2. Sau khi tiêm:
• Tiếp tục thực hiện như phần [1.1],
• Mỗi ngày uống và ăn thêm các món ăn vừa là thuốc:
• Nấu Tô cháo giải cảm: Tía tô – hành – gừng: một nắm lá Tía tô tươi, 2 củ Hành hoặc tép Hành lá và 5 lát Gừng tươi, tất cả thái nhỏ cho vào bát, một quả trứng gà, cho chén gạo trắng (hoặc lứt) đã nấu chín nhừ, trộn đều và ăn lúc còn nóng.
• Mỗi ngày uống 1 – 2 ly nước ép hoặc xay trái cây đa dạng từ 3 loại trở lên, cho thêm 1 ít rau thơm như: Bạc hà, Kinh giới, Tía tô, Sả…
• Nước Gừng tươi: 1 củ nhỏ, băm hoặc xắt lát mỏng, ngâm trong 50 ml nước sôi, khi còn ấm sẽ cho ¼ – ½ trái chanh, cho thêm nước khoảng 100 – 150ml , uống khi còn ấm. Có thể hòa với 1 muỗng cà phê mật Ong tốt và có dưỡng chất vừa dễ uống hơn.
• Nghệ vàng: 1 muỗng cà phê tinh bột Nghệ, ¼ – ½ trái Chanh tươi, mật Ong và nước ấm (# 150 ml), khuấy đều uống mỗi ngày 2 lần, sáng – tối.
• Bổ sung vào các món rau luộc hay xào: Sả, Nấm mèo đen, Riềng, Tỏi, Hành (hành lá, hành củ), Lá Mơ lông…
• Nên nhớ: Gừng, Nghệ, Nấm mèo, Tỏi, Nattokinase…có tác dụng ổn định hoạt động của Tiểu cầu và điều hòa chức năng đông máu.
2. Những biểu hiện khó chịu gì sau khi tiêm?
• Nhẹ: sốt ≤ 38 0c, đau vị trí tiêm, đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, uễ oãi, chán ăn, chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa…sẽ giảm dần và khỏi từ ngày thứ 2 – 3 trở đi,
• Nặng: có biểu hiện dị ứng nặng (phát ban, mề đay, khó thở, huyết áp tụt, giảm ý thức, shock phản vệ), hay rối loạn đông máu (vết bầm máu ngoài da, chảy máu răng, mũi…). Phải đến ngay bệnh viện điều trị (*).
3. Những ai phải tạm hoãn hay cân nhắc tiêm phòng:
Người đang điều trị bệnh ung bướu (sử dụng thuốc ức chế miễn dịch); suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV); suy chức năng gan – thận nặng; tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh rối loạn đông máu…chưa được kiểm soát ổn định phải tạm hoãn (khi kiểm soát tốt các bệnh trên, vẫn tiêm ngừa bình thường)(*).
4. Kinh nghiệm của người xưa phòng và trị bệnh cúm cần được quan tâm:
Bệnh cảm cúm do virus có từ nhiều ngàn năm, có loại nhẹ đến loại cực độc gây tử vong hàng triệu người trên thế giới. Bộ phận của cơ thể bị Virus Cúm tấn công là lớp niêm mạc của Hệ hô hấp và Hệ tiêu hóa. Người xưa cho rằng, căn nguyên nhiễm dịch bệnh do Chân khí (Hệ miễn dịch) suy yếu, nên không bảo vệ được thể. Chân khí (bao gồm Vệ khí chính là niêm mạc – da), một phần nhỏ được thụ hưởng từ cha mẹ (Di truyền, gene, Nguyên khí), phần lớn còn lại là do chức năng chuyển hóa – hấp thu chất dinh dưỡng tốt từ Hệ tiêu hóa (Hệ Tỳ – Vị, sức mạnh của Tỳ – Vị tốt chính là Doanh khí). Để có Chân khí vững mạnh, giúp tăng sức đề kháng cần sự toàn vẹn của hệ thống niêm mạc của đường hô hấp, tiêu hóa. Cha ông ta đã biết sử dụng các loại rau như là thuốc kể trên, kết hợp với các Bài thuốc Cổ phương (bài thuốc giá trị sử dụng qua hàng ngàn năm):
• Hoắc hương chính khí (Hoắc hương, Cát cánh, Bạch linh, Hậu phác, Lá tía tô, Bạch truật, Bán hạ chế, Bạch chỉ, vỏ trái Cau, vỏ Quýt, Cam thảo chích mật),
• Sâm Tô Ẩm (Đảng sâm, Lá Tía tô, Cát căn, Tiền hồ, Bán hạ (tẩm gừng sao), Bạch linh, vỏ Quýt, Cam thảo Cát cánh, Chỉ xác, Mộc hương, Gừng tươi, Táo).
• Nhân Sâm Bại Độc Tán (Sài hồ, Xuyên khung, Khương hoạt, Bạch linh, Nhân sâm hoặc Đảng sâm, Tiền hồ, Cát cánh, Chỉ xác, Độc hoạt, Cam thảo, Gừng tươi, Bạc hà)…
•Và nhiều bài thuốc có các dược liệu giúp loãng đàm, bảo vệ nhung mao khí – phế quản, thông thoáng đường hô hấp, tăng thải độc qua đường mồ hôi, đại – tiểu tiện…
LỜI KẾT:
Không phải ai khi tiêm phòng vaccine đều bị biến chứng hay chẳng may “mắc dịch” vì Covid – 19 đều bị suy hô hấp và tử vong. Đa phần người bị biến chứng nặng do vaccine hay suy hô hấp và/hoặc tử vong do nhiễm Covid, vì có hệ miễn dịch hoạt động không hiệu quả, hoặc quá suy yếu hoặc thái quá (không nhận ra bạn hay thù, chiếm tỉ lệ thấp). Hiện nay, tiêm phòng vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất, để góp phần dập tắt dịch. Thay gì thụ động chờ đợi “trời kêu ai nấy dạ” hãy tận dụng mọi liệu pháp tự nhiên (được đúc kết qua kinh nghiệm ngàn xưa, nhưng có cơ sở khoa học) từ cách ăn uống khoa học, duy trì sức khỏe Hệ tiêu hóa tốt, tập luyện thể dục đều đặn, tinh thần thoải mái – bao dung, đặc biệt nên sử dụng các dược liệu hỗ trợ điều biến (điều hòa, lập lại cân bằng) Hệ miễn dịch, và giúp cơ thể sớm loại trừ nCov – 2019.
Theo: BS Trần Văn Năm/Nguyên phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc