Phương pháp dưỡng sinh đối với thời kỳ mãn kinh

0
3069

Hội chứng mãn kinh là tập hợp một số triệu chứng và biểu hiện đặc biệt, xuất hiện trong giai đoạn mãn kinh ở phụ nữ, do chức năng của buồng trứng suy thoái, rối loạn chức năng hoạt động của tuyến yên , và hàm lượng hormone sinh dục nữ (estrogen) trong cơ thể hạ thấp gây nên.

Biểu hiện hội chứng mãn kinh

Hiện tượng mãn kinh, còn gọi là tắt kinh, hay là tuyệt kinh. Thường xảy ra trong giai đoạn khoảng từ 45-55 tuổi, có thể sớm hay muộn hơn, tùy thuộc vào đặc điểm thể chất và tình trạng sức khỏe. Một số phụ nữ mới khoảng 40 tuổi đã tắt kinh, đó là hiện tượng mãn kinh sớm, nhưng cũng có khá nhiều phụ nữ phải tới ngoài 55 mới bắt đầu tắt kinh, đó là trường hợp mãn kinh muộn. Còn thời kỳ mãn kinh được tính từ khi kinh nguyệt sắp tắt cho đến vài năm đầu, sau khi tắt kinh, thường kéo dài từ 3-5 năm. Đó là giai đoạn “quá độ”, khi người phụ nữ chuyển từ tuổi sinh sản sang tuổi già – không còn hành kinh và cũng hết khả năng sinh sản.

Trong giai đoạn này, thường xuất hiện những rối loạn về nội tiết, tim mạch, thần kinh, chuyển hóa… dẫn đến hàng loạt những chứng trạng như: bốc hỏa, mặt bừng đỏ, người lúc nóng lúc lạnh, vã mồ hôi, ớn lạnh, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, dễ gắt gỏng, bồn chồn, lo hãi vô cớ, mất ngủ, tăng huyết áp, rối loạn kinh nguyệt, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng, són tiểu… gọi chung là hội chứng thời kỳ mãn kinh.

Tần suất xuất hiện, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trên, nói chung có quan hệ mật thiết tới tình trạng sức khỏe, đặc điểm thể chất và tâm lý, môi trường sống, cũng như tố chất văn hóa ở từng người. Tuy nhiên, không hiếm phụ nữ lại trải qua thời kỳ mãn kinh mà không thấy có triệu chứng gì khác thường.

Lý luận theo đông y

Hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ đã được Đông y biết đến từ rất sớm. Trên 2000 năm trước, Nội kinh – bộ sách lý luận kinh điển của Đông y, đã đề cập tới quá trình biến đổi sinh lý và hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ như sau: “… Con gái 7 tuổi thận khí bắt đầu thịnh, răng thay, tóc mọc dài; 14 tuổi (2×7=14), thiên quý phát dục thành thục, mạch nhâm thông suốt, mạch thái xung thịnh vượng, hàng tháng có kinh nguyệt… Tới 49 tuổi (7×7=49), mạch nhâm trống rỗng, mạch thái xung suy vi, thiên quý kiệt, kinh nguyệt tắt, hình thể lão hóa, hết khả năng sinh con…”. Đoạn văn trình bày một cách khái quát quá trình sinh trưởng, phát dục, thành thục và thoái hóa chức năng sinh sản ở nữ giới. Nhấn mạnh mối quan hệ giữa quá trình đó, với tạng thận, thiên quý và 2 mạch xung, nhâm.

Trong Đông y không có tên bệnh hội chứng thời kỳ mãn kinh, nhưng các chứng trạng của bệnh và cách chữa trị, đã được đề cập trong phạm vi của các chứng như: tuyệt kinh tiền hậu chư chứng, tâm quý, huyễn vựng, tạng táo, uất chứng…. Theo Đông y, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hội chứng mãn kinh là do thận khí suy kiệt, chức năng của 2 mạch xung và nhâm (gắn liền với chức năng sinh sản ở nữ giới) đã suy thoái, khiến âm – dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ kinh lạc bị rối loạn gây nên.

Phương pháp Dưỡng Sinh đối với thời kỳ Mãn Kinh:

Bước vào giai đoạn mãn kinh, thận khí và chức năng của 2 mạch xung – nhâm (gắn liền với chức năng sinh sản ở nữ giới)  bắt đầu suy giảm, khiến âm – dương mất cân bằng, khí huyết không điều hòa, chức năng tạng phủ kinh lạc bị rối loạn.Theo đông y, các cơ quan nội tạng trong cơ thể đều có những “đường dẫn” ra bên ngoài để hấp thụ năng lượng từ môi trường, vũ trụ. Điểm chính mà các cơ quan nội tạng tiếp xúc với môi trường bên ngoài đó gọi là đại huyệt, các “đường dẫn” gọi là kinh mạch. Ví dụ: Thận có các huyệt chính là Dũng Tuyền, Thận Du… và đường dẫn là “Túc thiếu âm thận kinh”.

Do thận chủ về nạp khí (năng lượng) trong cơ thể, nên khi ta biết cách nạp được năng lượng sống cho thận là cơ sở giúp cơ thể phục hồi sinh lực. Vì thế việc luyện tập Dưỡng Sinh-Thiền – ứng dụng năng lượng chữa bệnh đã trở nên rất hữu ích.

Như trên đã nói, thận chủ về nạp khí (năng lượng) trong cơ thể, nên trong phương pháp Dưỡng Sinh – Thiền – ứng dụng năng lượng chữa bệnh, chúng ta sẽ biết cách nạp năng lượng cho thận bằng phương pháp dẫn năng lượng từ bên trong (điều chỉnh bên trong) và phương pháp nạp năng lượng từ bên ngoài (điều chỉnh bên ngoài). Khi một nguồn năng lượng sống mới, mạnh mẽ được nạp vào thận sẽ tác động đến từng tế bào, giúp cho thận được chuyển hóa, phục hồi chức năng một cách nhanh chóng. 

1

– Các bài tập “Dẫn hỏa quy nguyên” (đưa dương khí quay về thận) trong Dịch Cân Kinh cũng là một phương pháp bổ trợ tốt.

– Áp dụng các phương pháp thở đúng cách để tăng cường nội lực, tác động vào các huyệt mệnh môn, trường cường, thận du, dũng tuyền, vị trí thận, để tăng cường nguyên khí cho thận.

Theo Ngũ hành tương sinh thì Kim (phổi) sinh Thủy (thận), do vậy các phương pháp thở, tập luyện đúng sẽ có tác dụng rất tốt cho Phổi, làm khỏe phổi, từ đó giúp Thận nạp khí tốt hơn và  phục hồi.

– Đi bộ đúng cách, biết cách kết hợp phương pháp giáng khí, giúp cân bằng âm dương, điều hòa khí huyết cũng là một cách tốt.

– Một số động tác dưỡng sinh tham khảo :

1.Thở 4 Thời :

     Chuẩn bị: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5-8 cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.

2

Động tác :

+ Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng (3”- 6”); (Hít ngực bụng nở).

+ Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ  nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân giao động qua lại 4 cái, rồi hạ chân. (3”-6”); (Giữ hơi hít thêm).

+ Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống, không kềm không thúc. (3”-6”) (Thở ra không kềm, không thúc).

+ Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn. (3”-6”); (Nghỉ nặng ấm thân) chuẩn bị trở lại thời một, hít vào.

Tác Dụng : Luyện tổng hợp hô hấp, tuần hoàn và thần kinh; chủ yếu là luyện sự cân bằng hai quá trình hưng phấn và ức chế.

Chỉ Định : Căng thẳng thần kinh, Hội chứng tâm thể; Các chứng ứ trệ ở tạng phủ.

2.Cúp lưng :

3

 Chuẩn bị : Hai chân ngay ra trước mặt, hai bàn tay để úp vào vùng lưng và xoa lên xoa xuống cho ấm cả vùng lưng. Có thể nắm tay lại xoa cho thật mạnh hơn, cho ấm đều. Xong để úp hai tay vào lưng, ở phía dưới đụng giường.
Ðộng tác : Cúp lưng thật mạnh, làm cho đầu và thân hạ xuống phía dưới, thở ra mạnh và hai bàn tay xoa vùng lưng từ dưới lên trên càng cao càng tốt; ngồi thẳng lên, hơi nghiêng ra sau, hít vô tối đa và đưa cả hai bàn tay xuống phía dưới vào vị trí cũ, đụng giường. Làm như thế 10 hơi thở, chà xát vùng lưng cho nóng ấm để chuẩn bị tập động tác khó hơn.
Tác dụng : Làm cho lưng nóng lên, dẻo dai hơn, trị bệnh đau lưng.

3.Rút lưng :

4 5

Chuẩn bị : Chân để thẳng trước mặt, hơi co lại cho 2 tay nắm được 2 bàn chân, ngón tay giữa bám vào huyệt Dũng tuyền dưới lòng bàn chân (điểm nối liền 1/3 trước với 2/3 sau lòng bàn chân, không kể ngón chân), ngón tay cái bấm vào huyệt Thái xung trên lưng bàn chân ở phía trên kẽ xương giữa bàn chân thứ nhất (ngón cái) và xương bàn chân thứ nhì.
Ðộng tác : Bắt đầu hít vô tối đa trong tư thế trên, chân hơi co; rồi duỗi chân ra cho ngay và thật mạnh, đồng thời thở ra triệt để. Làm như thế từ 3 – 5 hơi thở.
Tác dụng : Làm cho lưng giãn ra, khí huyết lưu thông, trị bệnh đau lưng. Tay bấm vào huyệt Dũng tuyền điều hoà huyết áp; bấm huyệt Thái xung điều hoà chức năng gan.
Ðộng tác bis : Nắm 2 bàn chân ở phía ngoài, ngón giữa và ngón cái vẫn bấm 2 huyệt trên. Làm động tác trên từ 3 – 5 hơi thở.

4.Ðộng tác hạ góc hay tam giác :

6

Chuẩn bị : Nằm ngửa, lót hai bàn tay úp xuống kề bên nhau để dưới mông, 2 chân chống lên, bàn chân gần đụng mông.
Ðộng tác : Hít vô tối đa; giữ hơi. Trong lúc ấy dao động đổ hai chân qua bên này rồi bên kia đụng giường, mỗi lần đổ 1 giây, cố gắng hít thêm vào, từ 2 – 6 lần : thở ra bằng cách co chân và ép chân trên bụng để đuổi hơi ra triệt để; xong để chân xuống. Làm như thế từ 1 – 3 hơi thở. Ðộng tác này gọi là động tác “Ba góc” vì đầu gối vẽ hình ba góc.
Tác dụng : Vận động tất cả tạng phủ  trong bụng, khí huyết được đẩy đi tới nơi hiểm hóc nhất của lá gan, lá lách, dạ dày, ruột, bộ sinh dục phụ nữ, vận động vùng thận và thắt lưng, giúp trị bệnh gan, lách, bệnh phụ nữ và các bệnh đau lưng.
Biến thể: 
Chuẩn bị : Ðể hai tay dưới mông như trên. Chống hai chân dang xa ra độ 40cm cho chân không vướng.
Ðộng tác : Hít vô một hơi tối đa; giữ hơi đồng thời dao động bằng cách hạ một đầu gối vào phía trong xuống sát giường và thay phiên nhau hạ đầu gối bên kia từ 2 – 6 lần; thở ra như trên. Làm như thế từ 1 – 3 hơi thở.
Tác dụng : Tác dụng như động tác 3 góc, và theo kinh nghiệm của học viên dưỡng sinh, lại có thêm tác dụng làm bớt đi tiểu đêm.

5.Nẩy bụng :

7 8

Chuẩn bị : Nằm ngửa, co hai chân sát mông, hai bàn chân úp vào nhau, đầu gối bật ra hai bên, hai tay xuôi trên giường.
Ðộng tác : Nẩy bụng và ưỡn cổ, làm cho cơ thể chỉ tựa trên xương chẩm, hai cùi chỏ và hai bàn chân. Mông hổng trên giường, hai đầu gối cố gắng sát giường, đồng thời hít vô tối đa; qua thời 2 giữ hơi và dao động nhờ sức mạnh của cùi chỏ và hông, từ 2 – 5 cái; thở ra ép bụng. Làm như thế từ 1 – 3 hơi thở.
Tác dụng : Vận động cơ ở phía sau thắt lưng, đùi, hông và bụng, xoa bóp nội tạng bụng. Trị bệnh đau lưng và bệnh phụ nữ.

6.Rắn hổ mang :

9

Chuẩn bị : Nằm sấp, hai bàn tay để hai bên, ngang thắt lưng ngón tay hướng ra ngoài.
Ðộng tác : Chống tay thẳng lên, ưỡn lưng, ưỡn đầu, ra phía sau tối đa, hít vô tối đa trong thời giữ hơi, dao động thân và đầu theo chiều trước sau từ 2 – 6 lần; thở ra triệt để và vặn mình, vẹo cổ qua 1 bên, cố gắng nhìn cho được gót chân bên kia. Hít vô tối đa có trở ngại; giữ hơi và dao động qua lại từ 2 – 6 lần, quay sang bên kia thở ra triệt để, cố gắng nhìn gót chân đối xứng. Làm động tác và thở như vậy từ 2 – 4 hơi thở.
Tác dụng : Vận động các cơ ở lưng, hông và cổ, làm cho khí huyết ở các vùng ấy chạy đến, thở có trở ngại đẩy khí huyết chạy đến nơi hiểm hóc nhất của gan, lách và phổi. Phổi mỗi bên nở ra tối đa, chống được xơ hoá và hiện tượng dính ở màng phổi sau khi bị viêm. 

7.Chào mặt trời :

10 12

Chuẩn bị : Ngồi một chân co dưới bụng, chân kia duỗi ra phía sau, hai tay chống xuống giường.
Ðộng tác : Ðưa hai tay lên trời, thân ưỡn ra sau tối đa, hít vô thuận chiều; trong lúc giữ hơi, dao động thân trên và đầu theo chiều trước sau từ 2 – 6 lần; hạ tay xuống chống giường, thở ra tối đa thuận chiều có ép bụng. Làm như vậy từ 1 – 4 hơi thở. Ðổi chân và tập như bên kia.
Tác dụng : Vận động các khớp xương sống và cơ phía sau thân làm cho khí huyết vận hành phía sau lưng, phòng và trị bệnh đau lưng.

8.Thư Giãn :

13

Chuẩn bị : Nằm che mắt, nơi yên tĩnh.

Động Tác :

Bước 1: Ức chế ngũ quan

Bước 2: Tự nhủ cho cơ mềm ra, giãn ra; từng nhóm cơ, từ trên mặt xuống dần đến ngón chân, một cách từ từ chắc chắn. Toàn thân nặng xuống ấm lên.

Bước 3: Theo dõi hơi thở 10 lần, thở thật êm, nhẹ, đều, nông.

Tác Dụng : Luyện quá trình ức chế của hệ thần kinh, luyện nghỉ ngơi chủ động.

Chỉ Định : Trạng thái căng thẳng thần kinh và cơ bắp; Các hội chứng tâm thể; Mất ngủ; Các bệnh ngoại cảm, nội thương cần nghỉ ngơi.

Chính từ những hiểu biết trên , tuy chị em phụ nữ có hội chứng mãn kinh giống nhau nhưng theo đông y lại biểu hiện chứng trạng khác nhau vì vậy phải có phương cách trị liệu khác nhau. Do đó chị em phụ nữ cần tìm đến các các chuyên gia y tế để được tư vấn cụ thể và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho mình.

BS.CKI TRẦN TUẤN ANH

SHARE