Sừng tê giác không phải là thần dược

0
14039

Sừng tê giác = móng tay + quá nhiều tiền?

         “Giá tiền 1 kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là khoảng 60.000 USD, tuy nhiên giá trị thật sự cũng không hơn gì một …cái móng tay người vì cấu tạo chủ yếu của sừng tê chỉ là chất sừng như tóc và móng tay người không hơn không kém” Đó là kết luận của Tổ chức Các loài vật hoang dã Quốc tế (CWI) đưa ra mới đây. Cũng theo tổ chức này, chỉ còn khoảng 26.000 con tê giác hiện đang sinh sống ở Châu Phi và Châu Á, trong đó chỉ còn vài trăm con còn sống ở Indonesia (Java và Sumatra). Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), số cá thể tê giác bị bắn chết ở Nam Phi đã lên đến 3000% (!) so với năm 2007. Năm 2011, cá thể tê giác cuối cùng ở Việt Nam được tuyên bố là đã chết trong vườn quốc gia Cát Tiên. Ở Việt Nam, WWF và Mạng lưới giám sát buôn bán động vật và thực vật hoang dã Quốc tế (TRAFFIC) đã phối hợp mở Chiến dịch chống buôn lậu sừng tê giác vào Việt Nam từ tháng 7.2012 đến tháng 6.2013 với 2 mục tiêu chính là thông qua cam kết chống buôn bán trái phép sừng tê giác và thông tin đại chúng về tác dụng thật của sừng tê giác, từ đó tiến tới chấm dứt sử dụng các sản phẩm từ sừng tê giác. Tuy vậy, việc thực hiện chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn triệt để, đồng thời nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, giá trị của đa dạng sinh học, hiểu biết các văn bản pháp luật vẫn còn rất hạn chế. Và quan trọng hơn là thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã, đặc biệt là sự cuồng tín hoang đường về một loại thần dược chữa được những bệnh hiểm nghèo (ung thư) là lý do khiến việc buôn bán sừng tê giác trở thành một hoạt động siêu lợi nhuận. Vậy ta hãy xem qua những tác dụng của sừng tê để thấy có đáng để loài vật này bị săn lung gắt gao đến thế không.

1

Vì hiếm nên quí?

Thật ra không phải đến bây giờ sừng tê giác mới trở thành dược phẫm quí hiếm. Thời nhà Hán ở Trung Quốc, tê giác đã bị giết rất nhiều để lấy sừng chữa bệnh và làm vật phẩm triều cống. dần dần, nó còn trở thành một vật trang sức quí giá như làm cán dao găm, chén uống rượu,… Theo sự giao thương từ con đường tơ lụa nổi tiếng, các lái buôn nhập sừng tê từ Sumatra để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc dùng chữa bệnh sốt nhiệt đới. Có lẽ đây là phương thuốc hiệu nghiệm vào thời đó nên đã được ghi chép vào các y văn cổ, điển hình là “Bản Thảo Cương Mục” của danh y Lý Thời Trân. Theo thời gian, người ta “phát hiện” thêm nhiều tác dụng chữa bệnh khác của sừng tê, mà nổii bật là tác dụng cường dương (!) Tuy vậy, điều trớ trêu là cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào ở Trung Quốc từ cổ chi kim đề cập đến việc dùng sừng tê như một phương thuốc làm tăng khả năng tình dục. Người ta cho rằng đây chỉ là lời đồn thổi do các lái buôn tạo ra để tiêu thụ được mặt hàng đặc biệt này.

Sừng tê giác theo y học

Theo yhct, sừng tê giác có vị đắng, mặn, tính lạnh, không độc, vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng thanh huyết nhiệt, giải độc, an thần, giảm đau, tăng cường sức khoẻ. Yhct dung chữa hôn mê, co giật và các chứng xuất huyết do huyết nhiệt, ung độc, hậu bối,… Những người cơ thể có tính hàn, không bị bệnh ôn độc và phụ nữ có thai không được dùng. Sừng tê giác được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc cổ phương trị các chứng viêm nhiệt, các trường hợp sốt cao, co giật, chảy máu cam, ung nhọt,…Danh y Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông cũng đã ghi nhận những công dụng của sừng tê trong các tài liệu của mình.

Cách dùng thường là mài với nước nóng trong dụng cụ bằng sành sứ thô ráp cho tới khi nước mài trở thành dung dịch trắng đục như sữa, hoặc tán bột mịn rồi uống, mỗi ngày từ 0,5 – 1 gam. Có thể hoà bột sừng với nước sắc thuốc hoặc trộn chung với các loại bột thuốc khác rồi làm thành viên.

Sừng tê giác có chứa keratin, các dẫn xuất guanidine, carbonat calcium và phosphate calcium. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một công trình nghiên cứu khoa học lâm sàng nào chứng minh các tính chất chữa bệnh của sừng tê theo y văn cổ. Phải chăng vì nó quá đắt tiền và quá hiếm? Trong một cố gắng chứng minh các tính chất trị liệu của sừng tê chỉ là chuyện hoang đường, hãng dược phẫm Hoffmann-LaRoche đã tiến hành một nghiên cứu dược lý về tác dụng invitro của sừng tê năm 1983 và đưa ra kết luận là không tìm thấy bất kỳ hoạt chất nào có tác dụng chữa bệnh. Đây cũng là kết luận từ một nghiên cứu của Trường Đại học Trung quốc ở Hong Kong năm 1990. Như vậy, việc dùng sừng tê để trị bệnh cho đến nay vẫn chỉ dựa vào lời đồn đại, những truyền thuyết và kinh nghiệm cá nhân, lâu dần trở thành niềm tin chứ hoàn toàn không có bất cứ cơ sở khoa học nào.

Bs. Phan minh Trí – Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh.
Trích báo Thuốc và Sức Khỏe (số 238 – Tháng 11/2015)
SHARE