Hậu Covid Theo Góc Nhìn Y Học Hiện Đại Và Y Học Cổ Truyền

Dịch Covid 19 đã qua đỉnh dịch tại Thành Phố Hồ Chí Minh với số liệu công bố tới ngày 09/01/2022 là đã có 508.502 trường hợp nhiễm, trong đó mỗi ngày có từ 200- 300 bệnh nhân mới nhập viện. Tuy số bệnh nhân giảm rõ rệt, nhưng trong hơn 500.000 người đã nhiễm Covid – 19 thì một phần không nhỏ trong số họ đang đối mặt một vấn đề sức khỏe khác: HỘI CHỨNG HẬU COVID

0
1007

I. Hậu Covid -19 Theo Góc Nhìn Y Học Hiện Đại
Theo hướng dẫn NICE về Quản lý triệu chứng COVID-19 kéo dài xuất bản 12/2020, Hội chứng hậu COVID-19 xuất hiện khi các triệu chứng của giai đoạn cấp kéo dài dai dẵng sau 4 tuần kể từ khi triệu chứng đầu tiên khởi phát. Các di chứng này có thể chia thành 4 giai đoạn (pha):
• Giai đoạn Chuyển tiếp: COVID-19 có triệu chứng liên tục nếu những người xuất hiện với các triệu chứng từ 4 đến 5 tuần sau khi bắt đầu COVID-19 cấp tính hoặc
• Pha 1: các triệu chứng sau COVID-19 cấp; kéo dài 5 – 12 tuần sau khi mắc
• Pha 2: triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài nếu các triệu chứng của người đó vẫn chưa hết 12 – 24 tuần sau giai đoạn COVID-19 cấp tính.
• Pha 3: di chứng hậu COVID-19 dai dẵng trên 24 tuần sau mắc.

Do Covid 19 là bệnh lý mới, và vấn đề hậu Covid -19 thì lại càng mới nên có ít báo cáo cũng như tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong được báo cáo của Covid-19 khác nhau giữa các quốc gia, gây khó khăn cho việc dự đoán chính xác số lượng bệnh nhân sẽ tiến triển thành Covid – 19 kéo dài. Đồng thời, việc báo cáo chính xác về Covid kéo dài rất phức tạp. Sự khác biệt trong dữ liệu dịch tễ học này có thể là kết quả của một số yếu tố, bao gồm sự khác biệt về dân số cơ sở, độ chính xác của chẩn đoán, hệ thống báo cáo và năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trong một nghiên cứu tổng hợp các bài báo gốc trên LitCOVID và Embase xuất bản trước 1/1/2021 có cỡ mẫu ít nhất 100 bệnh nhân. Trong tổng số 18251 bài báo được tìm thấy có 15 thỏa tiêu chuẩn đầu vào. Ghi nhận trên 47910 bệnh nhân (17-87 tuổi) cho thấy 80% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có ít nhất 1 triệu chứng kéo dài. Năm triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn chú ý (27%), rụng tóc (25%), và khó thở (24%). Các triệu chứng và tỉ lệ xuất hiện:

Tỷ lệ các triệu chứng hậu Covid

Tổng hợp cho thấy có khoảng 10 cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng và có trên 200 triệu chứng có thể được ghi nhận. Không chỉ có triệu chứng trên cơ thể mà còn kèm theo rất nhiều triệu chứng tâm lý. Cũng có rất nhiều kết quả cho thấy nhiều người khi nhiễm Covid – 19 không triệu chứng nhưng sau khi khỏi thì lại xuất hiện nhiều triệu chứng và diễn tiến nặng. Khoảng 1/3 số người nhiễm Covid có thể có triệu chứng hậu Covid -19. Như vậy, Covid – 19 để lại một gánh nặng rất lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh ngay cả khi đỉnh dịch đi qua và số người nhiễm ngày càng giảm.
II. Hậu Covid – 19 Theo Góc Nhìn Y Học Cổ Truyền.
COVID – 19 theo Y học cổ truyền là bệnh lý Phục tà, sau khi virus nhiễm vào cơ thể sẽ có thời gian ủ bệnh, ảnh hưởng đến cơ thể, tác động chính lên tạng Phế, Tỳ thậm chí là tạng Thận, thường gây triệu chứng Khí suy. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể vẫn còn suy nhược vì vậy vẫn còn các hội chứng tạng phủ kèm theo.
Các thể lâm sàng của Hậu covid 19 theo hướng dẫn 4539 của Bộ Y tế “Hướng dẫn tạm thòi sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19” nhận định bao gồm Thể phế tỳ khí suy, thể khí âm lưỡng hư, thể khí hư huyết ứ, thể khí huyết hư.
Khí suy là tổ hợp của nhiều triệu chứng: mệt mỏi, hụt hơi, tiếng nói nhỏ yếu, vừa nói vừa thở, triệu chứng sẽ nặng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
Với thể Phế tỳ khí hư ngoài triệu chứng Khí suy nói chung thì triệu chứng nổi bật là rối loạn tiêu hóa như ăn không ngon miệng, hay đầy bụng, hay tiêu chảy, trong phân có lẫn thức ăn…
Với thể Khí âm lưỡng hư kèm theo triệu chứng Khí suy là người hay nóng, bứt rứt, khó ngủ, họng khô..
Thể Khí hư huyết ứ ngoài suy nhược do Khí suy, người bệnh sẽ kèm các triệu chứng đau nhức như đau đầu, đau nặng ngực, đau cơ khớp..
Thể Khí huyết hư thì kết hợp triệu chứng suy nhược do khí suy là suy nhược do huyết ứ, người bệnh sẽ thêm các triệu chứng như da xanh , nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, huyết áp thấp…
Như vậy với Y học cổ truyền, người bệnh có triệu chứng chung là suy nhược do khí suy, tạng phủ bị ảnh hưởng nhiều nhất là Phế, nên việc bồi dưỡng, nâng cao thể trạng là ưu thế và sở trường của Y học cổ truyền.
Các phương pháp điều trị Y học cổ truyền là các phương pháp tổng thể bao gồm phòng ngừa, điều trị và nâng cao thể trạng.
Tại Viện Y dược học dân tộc, sử dụng giải pháp tổng thể là liệu pháp 4T
– T1: Tâm lý – Thư giãn: Sử dụng bài tập thư giãn, trong trường hợp stress nhiều, không thể tự điều chỉnh sẽ được khám, tư vấn và can thiệp bởi tổ Tâm lý lâm sàng kết hợp với các chuyên gia Khoa Tâm lý Đại học Xã hội và Nhân văn.
– T2: Tập luyện: Kết hợp tập thở với các bài tập đơn giản sẽ giúp tăng cường lượng Oxy vào Phổi, tăng cường vận động cơ bắp, gân cốt để tăng cường sức khỏe. Bài tập Phất thủ (vậy tay) là bài tập đơn giản ngoài việc giúp giãn xương khớp, còn kích thích giao cảm vùng lưng ngực và cổ, giúp tăng cường bơm máu đến Tim Phổi Não. Bài tập thở 4 thì của BS Nguyễn Văn Hưởng giúp tăng cường nồng độ Oxy trong máu tăng cường nở các Phế nang đã bị xẹp trong khi nhiễm Covid – 19.
– T3: Thức ăn – Thực dưỡng: “Cây rau làm thuốc” Các loại thức ăn ngoài việc cung cấp năng lượng cũng là những loại thuốc có công dụng hỗ trợ sức khỏe và cải thiện các triệu chứng, nhưng nếu không dùng đúng cách cũng phản tác dụng. Các vị thuốc kết hợp trong các món ăn sẽ giúp chữa bệnh mà cũng làm cho việc dùng thuốc trở nên không “Đắng” mà lại ngon.
– T4: trị liệu gồm có dùng thuốc và không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, thủy châm… vừa nâng cao thể trạng vừa cải thiện và chữa khỏi các triệu chứng như đau nhức, mệt mỏi, khó thở, đau ngực, hồi hộp, mất ngủ…
Với sở trường bồi dưỡng cơ thể, phòng và trị bệnh một cách toàn diện do phối hợp cùng lúc nhiều phương pháp, Y học cổ truyền vừa thân thiện, vừa đơn giản dễ tiếp cận có nhiều ưu thế trong điều trị Hậu Covid -19 để mang lại sức khỏe, chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người dân Việt nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

TS BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc-Phó Chủ tịch Hội Đông y Thành Phố Hồ Chí Minh

SHARE