Bệnh nhân nặng hoặc triệu chứng không nặng nhưng có thời gian điều trị lâu dài, trên 80% vẫn còn những triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tức ngực, đổ mồ hôi, ho khan hoặc ho có đàm.
Tôi là F0 đã khỏi bệnh hai tháng nay mà đàm vẫn còn nhiều, khó thở. Tôi đã đi chụp phổi, kết quả bình thường. Có cách nào để khắc phục tình trạng này không, thưa bác sĩ?
Thái Anh (Q.8, TPHCM)
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Ngọc Liệp, Phòng Đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, trả lời: Theo các nghiên cứu trên thế giới, đa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 thể nhẹ đều hồi phục không có di chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân nặng hoặc triệu chứng không nặng nhưng có thời gian điều trị lâu dài, trên 80% vẫn còn những triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, tức ngực, đổ mồ hôi, ho khan hoặc ho có đàm.
COVID-19 làm tổn thương chức năng hô hấp của phổi. Trên những bệnh nhân vừa và nặng hoặc có bệnh nền, tuy đã khỏi bệnh nhưng chức năng hô hấp của phổi chưa được phục hồi hoàn toàn nên vẫn còn ho, khó thở, đôi khi vẫn còn đàm do dịch phổi vẫn còn ứ đọng chưa được đào thải hết. Mặt khác, sau khi trải qua đợt bệnh nặng, sức đề kháng suy giảm nên dễ bị nhiễm những bệnh khác, đặc biệt liên quan đến đường hô hấp như viêm xoang, viêm mũi họng, viêm nhiễm đường hô hấp trên, cảm cúm…
Vấn đề bạn thắc mắc là F0 sau hai tháng vẫn còn ho, khạc đàm, khó thở, bạn nên đi khám, không loại trừ những triệu chứng hậu COVID-19 như trên vẫn chưa hoàn toàn khỏi và cũng không loại trừ trường hợp sức đề kháng của bạn còn yếu nên dễ nhiễm bệnh khác.
Về phục hồi sức khỏe hậu COVID-19, đối với y học cổ truyền, COVID-19 làm ảnh hưởng đến công năng của phế và tỳ, đồng nghĩa ảnh hưởng đến công năng hô hấp và tiêu hóa. Khi chức năng của phế và tỳ bị tổn thương sinh ra đàm thấp. Vì vậy, quá trình phục hồi cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống và luyện tập.
Chế độ ăn uống đủ chất nhưng chú trọng thanh đạm, dễ tiêu hóa. Nên tăng cường rau quả, trái cây. Nếu đàm vẫn còn nhiều như bạn mô tả nên hạn chế các loại trái cây quá ngọt như sầu riêng, xoài, mít và ưu tiên trái cây có nhiều vitamin C như bưởi, cam, quýt. Trong mỗi bữa ăn nên ít dầu mỡ, chế biến hạn chế chiên xào, hạn chế các loại thức ăn chế biến sẵn, chất bột đường và các món ăn khó tiêu.
Chế độ tập luyện: cần chú ý tập thở hỗ trợ phục hồi chức năng hô hấp của phổi. Bạn có thể tham khảo bài tập thở của Viện Y Dược học dân tộc TPHCM hoặc tập dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, thiền định, tĩnh tâm (đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tổn thương của tế bào); đặc biệt thở sâu giúp tăng thông khí, cải thiện tình trạng xơ phổi, thải độc. Tham khảo đường link hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sau bệnh COVID-19 tại đây.
Nguồn: Báo Phụ nữ