Bệnh lý cảm cúm theo lý thuyết Y học cổ truyền là bệnh lý mắc bệnh ở vị trí nông của cơ thể (phần biểu) nguyên nhân là do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, vi khuẩn, virus gây bệnh… Triệu chứng thường là sốt cao, đau nhức mình mẩy, đau đầu, ho, sổ mũi, mạch phù, rêu lưỡi trắng hay vàng.
Khi mới bệnh thường cơ thể khỏe, nên chỉ cần dùng các thuốc giải biểu (gồm tân lương giải biểu hay tân ôn giải biểu) để đuổi tà khí ra là được. Với các bệnh cảm mạo, một số thuốc bổ không dùng được vì sẽ lưu tà (làm tà khí lưu lại trong cơ thể, không đẩy ra ngoài được, cảm mạo sẽ lây dây không khỏi).
Tuy nhiên, sẽ có một số đối tượng như trẻ em, người già, những người sức khỏe yếu khi bị bệnh ngoài triệu chứng cảm cúm, còn kèm theo suy nhược cơ thể, đòi hỏi cùng lúc trị bệnh (khu tà) kết hợp bồi dưỡng (phù chính) nên cần uống kèm thuốc bổ một cách chọn lọc để vừa nâng cao sức khỏe vừa chữa được cảm.
Bài thuốc Nhân sâm bại độc tán có tên đầu tiên là bài Bại độc tán xuất hiện đầu tiên trong cuốn (Thái bình huệ dân Hòa tễ cục phương. Quyển 2, xuất xứ từ năm 1078 của thái y cục nhà Tống) chuyên trị các bệnh lý cảm mạo kèm khí hư, sau đó có tên là Nhân sâm bại độc tán thì xuất xứ từ cuốn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết, tác giả Tiền Ất, viết xong năm 1119, đời Bắc Tống) được dùng trong chữa cảm cúm ở trẻ em vốn dễ suy nhược, đồng thời theo các kinh nghiệm và nghiên cứu tại Trung quốc đã được dùng điều trị một số bệnh lý do virus như cúm mùa, quai bị, Zona, thủy đậu, sởi, kiết lỵ, viêm gan siêu vi, các bệnh lý dị ứng nổi mề đay…
Thành phần của bài thuốc:
Thành phần | Liều lượng |
Sài hồ | 12g |
Bạch linh | 12g |
Xuyên khung | 12g |
Nhân sâm (hay đảng sâm) | 12g |
Tiền hồ | 12g |
Cát cánh | 12g |
Chỉ xác | 12g |
Khương hoạt | 12g |
Độc hoạt | 12g |
Cam thảo | 12g |
Tán bột mịn, uống hay hãm với nước ấm, có thể nén lại thành viên, ngày uống 2 lần x 12g, uống trước ăn.
Theo hướng dẫn của sách cổ: khi uống thêm gừng tươi, Bạc hà hãm uống.
Công dụng của Bài thuốc: Ích khí giải biểu, tán phong trừ thấp.
Chủ trị: Những người bị cảm mạo do chính khí suy: sốt, sợ lạnh, đầu gáy đau cứng, chân tay nhức mỏi, ngực đầy tức, mũi nghẹt, nói khàn, ho có đờm, rêu lưỡi nhày nhớt, mạch phù.
Gia giảm: Bài thuốc bỏ Đảng sâm, thay bằng Kinh giới , Phòng phong: gọi là Kinh phòng bại độc (Y học chính truyện).
Bài thuốc bỏ Đảng sâm, thêm Kim ngân hoa, Liên kiều gọi là Ngân kiều bại độc tán (Y phương tập giải), để trị các chứng ngoại cảm kèm có mụn nhọt bắt đầu sưng đỏ và đau.
Các công trình nghiên cứu Y học hiện đại về bài thuốc:
1/ Nghiên cứu công dụng trên động vật cho thấy bài thuốc có công dụng: tiêu viêm, giảm đau, giải nhiệt, bảo vệ gan. [1]
2/ Nghiên cứu công dụng của bài thuốc trên các bệnh lý y học hiện đại
• Bệnh ở người lớn
+ Cúm mùa [2]
+ Viêm hạch bạch huyết hoại tử bán cấp. [3]
+ Quai bị [4]
+ Trị ho dạng suyễn: [5]
• Các bệnh nhi khoa:
+ Viêm đường hô hấp trên [6]
+ Tiêu chảy ở trẻ nhũ nhi [7]
* Những lưu ý khi sử dụng Nhân Sâm bại độc:
Đối với bản thân bài thuốc chỉ cần kiêng dùng với những người có dị ứng với thành phần của thuốc, cũng như không có nhiều công trình điều trị dùng Nhân sâm bại độc tán cho phụ nữ có thai, vì vậy nên thận trọng khi dùng.
Tuy nhiên, vì chỉ định rộng rãi của bài thuốc nên có một số kiêng kỵ và chú ý do bệnh lý mà bài thuốc điều trị:
+ Đối với cảm, cúm: do bài thuốc dùng trong thể bệnh cảm cúm có suy nhược nên cần kiêng gió, kiêng lạnh, không xông hơi, xông tinh dầu để tránh ra mồ hôi quá nhiều làm cơ thể thêm suy nhược. Một số cảm cúm có nguy cơ sốt cao gây xuất huyết do đó không nên đánh cảm, cạo gió.
+ Đối với bệnh nhân dị ứng ngứa: không ăn thực phẩm chứa nhiều Protein lạ như tôm, cua, hải sản, cá da trơn, nhộng ong, nhộng tằm, Đông trùng hạ thảo, trứng và các sản phẩm lên men như dưa muối, sữa chua, hoa quả chua chát. Nên ăn đạm từ thịt gà, thịt lợn, cá rô, cá trắm, cá chép, cá thu, cá chim. Một số thuốc Tây và thuốc Nam cũng có thể gây dị ứng. Không uống bia rượu kích thích.
+ Đối với do dạng suyễn: nên tránh môi trường ô nhiễm.
+ Đối với Zona, thủy đậu: Kiêng nước: hạn chế tắm, gội đầu, chỉ lau người bằng khăn khô.
Do bài thuốc có nhiều tác dụng, tính an toàn cao, nên có rất nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu và sản xuất thuốc thành dạng thuốc viên, thuốc nước để tiện sử dụng. Tuy nhiên, khi bị bệnh vẫn cần đến khám các thầy thuốc y học cổ truyền để được khám, chẩn đoán, điều trị đúng bệnh, đúng thuốc.
Tài Liệu Tham Khảo
1.富杭育, 中药方剂实验研究概况, 国外医学, 中医中药分册, 1986, 8(4): 11.
2.谈世水.人参败毒散治疗流行性感冒.安徽中医临床杂志,2003,15(2):154。
3.解礼杰,等.人参败毒散加大剂量生石膏治愈亚急性坏死性淋巴结炎病1例.内蒙古中医药,2006,(4):64-65
4.黎文德.人参败毒散加减治疗慢性化脓性腮腺炎.成都中医药大学学报,1997,20(2):26、25
5. 张李兴,刘立昌. 人参败毒散治疗咳嗽变异性哮喘72例临床分析. 《 深圳中西医结合杂志 》 , 2010
6.钱玉凡.败毒散治疗小儿病毒性上呼吸道感染37例。陕西中医,1999,20(7):297
7.席兴胜.人参败毒散治疗婴幼儿腹泻132例.浙江中医杂志,1989(1):15
Theo: TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Phó chủ tịch Hội Đông y TP HCM.