Ứng dụng hiệu quả y học cổ truyền trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19
Báo cáo về hoạt động phòng chống dịch COVID-19 tại buổi làm việc với Cục Quản lý Y Dược cổ truyền – Bộ Y tế, Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết, thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19, Viện đã triển khai tiêm chủng cho hơn 45.000 lượt người dân; tổ chức xét nghiệm, tầm soát cho hơn 65.000 lượt người dân…
Về công tác điều trị, Viện đã tổ chức khám và điều trị cho gần 2.000 lượt người dân là các ca F1, F0 triệu chứng nhẹ hoặc chưa có triệu chứng tại 3 Block Thủ đức; theo dõi và điều trị chuyên môn cho Khu cách ly F0 số 3B Lê Quí Đôn có quy mô 100 giường bệnh điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và chưa có triệu chứng (là tầng 1 trong tháp 5 tầng theo phác đồ giai đoạn đầu của TP HCM). Kết quả, đã tiếp nhận và điều trị được 240 lượt người dân là các F0 có triệu chứng nhẹ và chưa có triệu chứng. Trong đó, 126 bệnh nhân khỏi bệnh, cấp cứu và chuyển tuyến điều trị 114 bệnh nhân
Nhận định chuyên môn vào giai đoạn này là các phác đồ điều trị còn chưa rõ ràng, có 70% bệnh nhân không có triệu chứng và có triệu chứng nhẹ. Viện đã căn cứ theo các triệu chứng của bệnh nhân và theo hướng dẫn 1306 của Bộ Y tế để sử dụng các sản phẩm y học cổ truyền của Viện và một số đơn vị cung cấp, được đón nhận rất tích cực.
Từ tháng 7/2021 đến hết tháng 10/2021, Viện đã cử nhân viên tham gia BV dã chiến 3 vừa tham gia công tác chống dịch vừa tổ chức nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả điều trị của sản phẩm y học cổ truyền.
Kết quả đối với 66 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ có điều trị nền y học hiện đại, tại bệnh viện dã chiến 3, đối với 34 bệnh nhân sử dụng bài thuốc y học cổ truyền, 32 bệnh nhân sử dụng giả dược kết quả cho thấy tất cả triệu chứng hết sau 5 ngày uống thuốc. Thời gian ra Viện trung bình sớm hơn nhóm giả dược 3 ngày. Giảm đáng kể các thuốc điều trị nền như chống đông kháng viêm, kháng sinh. Không có bệnh nhân nào trong nhóm chuyển nặng, nhóm giả dược có 2 người chuyển nặng.
Tại nghiên cứu trên 1000 bệnh nhân (700 bệnh nhân dùng thuốc YHCT, 300 bệnh nhân không dùng thuốc), kết quả sơ bộ thống kê không có bệnh nhân dùng thuốc nào trở nặng.
Từ tháng 8 đến 10/2021, Viện được giao Bệnh viện dã chiến Điều trị COVID-19 Phú Nhuận số 1, số giường là 300 – 500 giường, mô hình bệnh viện được chia thành 3 khoa gồm Khoa bệnh nhân không có triệu chứng, không có bệnh nền L2, Khoa có triệu chứng có bệnh nền L1 và Khoa ICU.
Điều trị theo phác đồ Y học hiện đại với những bệnh nhân khó thở gồm liệu pháp oxy, máy thở và các thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông. Với nhóm bệnh nhân không phải thở oxy, điều trị sử dụng Y học cổ truyền (hay kết hợp y học cổ truyền) bằng phương pháp 4T (Tâm lý, Thức ăn, Tập luyện và Thuốc y học cổ truyền) cho thấy có kết quả rất tốt, bệnh nhân rất hợp tác, cải thiện rõ rệt các triệu chứng cảm, ho.
Quá trình này Viện đã tìm hiểu, điều chỉnh và ứng dụng kết hợp Y học hiện đại với Y học cổ truyền một cách nhịp nhàng, theo các nhóm đối tượng khác nhau và đã mang lại kết quả khả quan. Trong 2 tháng điều trị, đã tiếp nhận và điều trị được 1.916 lượt người dân là các F0 có triệu chứng nhẹ và chưa có triệu chứng. Trong đó, 1.458 bệnh nhân khỏi bệnh, cấp cứu và chuyển tuyến điều trị 63 bệnh nhân. Từ đầu tháng 11. Viện bắt đầu điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 dạng ngoại trú.
Xây dựng các phương pháp y học cổ truyền điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau nhiễm COVID-19
Theo Giám đốc BV Y học cổ truyền TP. HCM Đỗ Tân Khoa, sau khi Bộ Y tế ban hành quyết định số 4539 về hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền trong phòng, điều trị COVID-19; BV Y học Cổ truyền TP.HCM đã triển khai các bài thuốc hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
BV Y học Cổ truyền TP. HCM bằng kinh nghiệm đã và đang điều trị cho những trường hợp F0 và đặc biệt các trường hợp phục hồi sau bị bệnh bằng y dược cổ truyền. Bệnh viện nỗ lực xây dựng các phương pháp điều trị kết hợp bằng thuốc đông dược, các phương pháp không dùng thuốc ( xoa ấn huyệt, châm cứu, cấy chỉ,…), chế độ ăn uống (thực dưỡng) cùng các phương pháp tập luyện để hỗ trợ điều trị phục hồi cho các bệnh nhân sau nhiễm COVID-19. Quá trình phục hồi COVID-19 tùy thuộc vào mức độ của bệnh trước đó. Sau mắc COVID-19 thể nhẹ, không có triệu chứng có thể hồi phục trong vòng một tuần đến 10 ngày.
Theo ông Đỗ Tân Khoa, hiện nay mô hình trạm y tế lưu động rất thuận lợi cho công tác chăm sóc điều trị F0 tại nhà. Do vậy, cần có tham mưu chỉ đạo để đưa thuốc y học cổ truyền đến người bệnh thông qua mô hình này.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền -Bộ Y tế cần có triển khai các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, phối kết hợp các đơn vị để nghiên cứu thuốc y học cổ truyền trong điều trị COVID-19.
Tại buổi làm việc với các đơn vị, PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý Y, dược cổ truyền – Bộ Y tế nhận định, các đơn vị tại TP. HCM mặc dù rất vất vả trong quá trình chống dịch nhưng các đơn vị như Viện Y Dược học dân tộc TP. HCM, BV Y học cổ truyền TP. HCM đã làm đc những việc rất tốt cho ngành y tế. Tuy nhiên cần lưu ý, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Liên quan đến việc thực hiện quyết định 1893 của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đề nghị Sở Y tế TP. HCM tham mưu cho UBND TP. HCM để ban hành kế hoạch triển khai. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị triển khai hiệu quả việc ứng dụng y học cổ truyền trong công tác phòng chống dịch COVID-19.