Ngày 22 tháng 11 năm 2024, Viện Y dược học dân tộc đón tiếp Đoàn công tác của Ủy ban Cây dược liệu quốc gia, Bộ Y học cổ truyền (Bộ AYUSH) thuộc Chính phủ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến thăm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực y học cổ truyền và dược liệu.
Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Mahesh Kumarr Dadhich – Giám đốc điều hành Ủy ban Cây dược liệu quốc gia Ấn Độ, cùng các thành viên Ủy ban Cây dược liệu quốc gia Ấn Độ. Tiếp đón đoàn có TS. BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học, cùng lãnh đạo các Khoa, Phòng tham dự.

Trong chuyến công tác và trao đổi kinh nghiệm về quy trình sản xuất thuốc cổ truyền lần này, hai bên tập trung chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong việc phát triển, sản xuất các loại thuốc cổ truyền từ nguồn dược liệu tự nhiên. Đây là lĩnh vực mà cả Việt Nam và Ấn Độ đều có bề dày lịch sử và tiềm năng lớn.
Đoàn công tác đã được giới thiệu, tham quan cơ sở vật chất các khoa, phòng và trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Đông y, Đông dược của Viện Y dược học dân tộc.

Đồng thời hai bên đã trao đổi ý kiến về việc hợp tác quốc tế thúc đẩy các chương trình hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển dược liệu, đào tạo nhân lực và tổ chức hội thảo quốc tế về y học cổ truyền.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Bs. Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc nhấn mạnh: “Chúng tôi rất trân trọng mối quan hệ hợp tác với Bộ AYUSH và Ủy ban Cây dược liệu quốc gia Ấn Độ. Chuyến thăm lần này là cơ hội quý báu để Viện học hỏi từ kinh nghiệm phong phú của Ấn Độ và cùng nhau xây dựng những chương trình hợp tác ý nghĩa, đóng góp cho sự phát triển của y học cổ truyền thế giới.”

Tiến sĩ Mahesh Kumarr Dadhich – Giám đốc điều hành Ủy ban Cây dược liệu quốc gia Ấn Độ cũng bày tỏ sự ấn tượng: “Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ sinh thái dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền đặc sắc. Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Viện Y dược học dân tộc, không chỉ trong nghiên cứu mà còn trong phát triển sản phẩm dược liệu và đào tạo chuyên môn.” Ông cũng đề nghị sẽ giới thiệu một vài đơn vị học viện về Y học cồ truyền Ấn độ để có những hoạt động trao đổi, giao lưu cụ thể.

Buổi làm việc đã mở ra những triển vọng hợp tác quan trọng giữa hai bên, bao gồm việc nghiên cứu các giống dược liệu quý, xây dựng các dự án sản xuất thuốc cổ truyền tiêu chuẩn hóa và tổ chức các diễn đàn khoa học quốc tế.
Chuyến thăm của Đoàn công tác từ Ấn Độ không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực y học cổ truyền mà còn góp phần nâng cao vị thế của Viện Y dược học dân tộc trong các hoạt động hợp tác quốc tế, khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong bảo tồn và phát triển y học cổ truyền.

