Sở Y tế TP.HCM nói về thuốc cổ truyền điều trị Covid-19

Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc Sunkovir dùng để điều trị cho những người mắc bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp như cúm, Covid-19 thể nhẹ.

0
521


TP.HCM kích hoạt chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ trước dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
Chiều 27/4, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội định kỳ, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, trả lời báo chí về tác dụng của thuốc y học cổ truyền ở Việt Nam điều trị Covid-19. Sản phẩm nghiên cứu là viên nang cứng TD0069 được Bộ Y tế cấp phép làm thuốc với tên gọi Sunkovir. Thuốc này được Cục quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành.

“Đây là một tín hiệu đáng mừng vì có thêm một bài thuốc từ dược liệu được cấp phép ứng dụng vào điều trị cho người dân”, bà Quỳnh Như nói.

Kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm TD0069 có tác dụng làm giảm triệu chứng trong ngày, giảm số ngày có triệu chứng, hỗ trợ tăng chất lượng sống của bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ.

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, trên nhãn thuốc Sunkovir nêu rõ thuốc này dùng điều trị cho người mắc bệnh do các virus lây truyền qua đường hô hấp (cúm, Covid-19 thể nhẹ) giai đoạn khởi phát thể hàn thấp, giúp giảm nhanh các triệu chứng ho, sốt, khó thở, mất khứu giác, mất vị giác…

Bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Anh Nhàn.
Bên cạnh đó, bà Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cũng thông tin thêm về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn.

Bà Nga cho biết số ca mắc mới Covid-19 gia tăng từ ngày 12/4, kéo theo nhiều ca nhập viện. Nguyên nhân sự gia tăng ca mắc mới là do xuất hiện nhiều biến thể phụ mới của Omicrom.

“Số ca mắc mới cao, nhưng qua khảo sát chưa ghi nhận biến thể phụ gây nặng thêm tình trạng lâm sàng của bệnh. Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM vẫn đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19, trong đó có chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ”, bà Nga nói.

Cụ thể, chiến dịch bảo vệ nhóm người từ 50 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai. UBND các địa phương phải rà soát, lập danh sách nhóm người có nguy cơ. Nếu những người này chưa được tiêm chủng, cơ sở y tế địa phương phải mời người dân đi tiêm hoặc tổ chức tiêm tại nhà.

Phó giám đốc HCDC nhấn mạnh việc chăm sóc người mang bệnh lý nền rất quan trọng. Khi có dấu hiệu mắc Covid-19, những người thuộc nhóm nguy cơ phải khai báo với y tế địa phương để nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ. Người thân sống cùng nhà với nhóm người nguy cơ cũng phải được tiêm chủng đầy đủ, đồng thời rửa tay và đeo khẩu trang theo quy định.

Bà Nga cho biết Sở Y tế TP.HCM vừa chỉ đạo khi tiếp nhận người có nguy cơ đến khám nhưng phát hiện họ chưa tiêm đủ vaccine Covid-19, các bệnh viện tiến hành tiêm ngay trước khi người bệnh rời bệnh viện. Các bệnh viện cũng phải luôn sẵn sàng cho tình huống số ca nhập viện gia tăng.

Theo Zing news

SHARE