Điều Trị Hậu Covid Theo Y Học Cổ Truyền theo phương pháp 4T

Theo y học cổ truyền, sau khi khỏi bệnh, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, chính khí suy nhược, tân dịch hao tổn, do đó cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng Tạng Phủ, cân bằng Âm Dương cơ thể.

0
2177

Theo y học cổ truyền, sau khi khỏi bệnh, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn, chính khí suy nhược, tân dịch hao tổn, do đó cần tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng Tạng Phủ, cân bằng Âm Dương cơ thể.
Nhóm người bệnh hậu Covid – 19 có triệu chứng được chia làm bốn thể cơ bản: Thể phế tỳ khí suy, thể khí âm lưỡng hư, thể khí hư huyết ứ, thể khí huyết hư.
Điều Trị Các Thể Bệnh Theo Y Học Cổ Truyền


1.Thể phế tỳ khí suy:
Triệu chứng lâm sàng: Khí đoản, mỏi mệt uể oải, buồn nôn, ăn kém, bụng đầy, đại tiện vô lực, phân lỏng không hết bãi. Lưỡi nhạt bệu, rêu trắng nhờn.
Pháp điều trị: Kiện tỳ bổ phế, ích khí hóa thấp.
(1) Các Bài thuốc tham khảo:
Bài 1: Sâm linh bạch truật tán (Thái bình huệ dân hoà tễ cục phương): Trong trường hợp khí hư, thấp nhiều, triệu chứng đầy bụng, tiêu phân nhão.

Thành phần Liều lương
Đảng Sâm 12g
Bạch truật 12g
Ý dĩ 10-12g
Liên nhục 10-12g
Sa nhân 6-8g
Hoài sơn 12g
Phục linh 12g
Bạch biển đậu 10-12g
Cát cánh 6-8g
Cam thảo 12g

– Dạng bào chế: Bột thô, cao lỏng hoặc thuốc sắc.
– Cách dùng, liều dùng:
+ Dạng thuốc sắc: dùng mỗi vị với hàm lượng từ 8-12g, khi sắc cần lưu ý đặc điếm của mỗi vị thuốc để đảm bảo hiệu quả. sắc uống 1 thang/ngày, uống lúc ấm chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều.
+ Dạng bột: Mỗi lần uống 8-12g, hãm với 150ml nước nóng, mỗi ngày uống 2 lần.
+ Dạng cao lỏng: Cách dùng và liều dùng tương đương với 1 thang sắc.
Bài 2: Hương sa lục quân tử thang (Thái bình huệ dân hoà tễ cục phương): trong trường hợp Tỳ vị hư hàn, ăn đồ sống lạnh, bụng đau.

Thành phần Liều lượng
Đảng sâm 10g
Cam thảo 6g
Sa nhân 6g
Phục linh 9g
Trần bì 9g
Mộc hương 6g
Bạch truật 9g
Bán hạ 12g

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Bài 3: Bổ trung ích khí thang (Tỳ vị luận): Thăng đề trung khí. Dùng khi mệt nhiều, kèm hoa mắt chóng mặt, xây xẩm, tiêu phân lỏng.

Thành phần Liều lượng
Đảng sâm 12-16g
Thăng ma 4-6g
Đương quy 12g
Hoàng kỳ 20g
Sài hồ 6-10g
Cam thảo 4g
Bạch truật 12g
Trần bì 4-6g

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Châm cứu:
– Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Thái khê, Phế du, Tỳ du, Thận du.
– Châm tả: Phong long, Âm lăng tuyền.
– Cứu: Quan nguyên, Khí hải.
Căn cứ biện chứng luận trị, thầy thuốc gia giảm phương huyệt phù hợp.
– Phương pháp châm: Điện châm.
– Thủy châm: Vitamin nhóm B kết họp.
Liệu trình: 15 ngày/ 1 liệu trình, chọn từ 5 – 15 huyệt.
2.Thể khí âm lưỡng hư:
Triệu chửng lâm sàng: Mệt mỏi, khí đoản, miệng khô, khát, tâm quý, nhiều mồ hôi, ăn kém, sốt hâm hấp hoặc không sốt, ho khan ít đờm. Mạch tế hoặc hư vô lực.
Pháp điều trị: ích khí dưỡng âm, hoạt huyết thông lạc.
(1) Bài thuốc tham khảo:
Bài 1: Sinh mạch tán (Nội ngoại thương biện hoặc luận.)

Thành phần Liều lượng
Đảng sâm 12g
Mạch môn 12g
Ngũ vị tử 8g

– Dạng bào chế: Bột thô, thuốc sắc hoặc cao lỏng
– Cách dùng, liều dùng:
+ Thuốc sắc và cao lỏng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống lúc ấm.
+ Dạng bột: mỗi lần 8-12g, hãm với nước nóng, chắt lấy nuớc uống, bỏ bã thuốc, ngày 2 lần sau ăn sáng chiều.
Bài 2: Bảo nguyên thang (Tỳ vị luận)

Thành phần Liều lượng
Cam thảo chích 40g
Hoàng kỳ chích 12g
Đảng sâm 80g
Nhục Quế 2g
Sinh khương 4g

Dạng bào chế: thuốc sắc hoặc cao lỏng
-Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Bài 3: Thập toàn đại bổ (Thái bình huệ dân hoà tễ cục phương)

Thành phần Liều lượng
Đương quy 12g
Thục địa 12g
Phục linh 12g
Quế chi 4g
Xuyên khung 8g
Nhân sâm 12g
Cam thảo 4g
Bạch thược 12g
Bạch truật 12g
Hoàng kỳ 12g
Có thể bỏ Nhục quế, Gia tri mẫu 12g

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Bài 4: Nhân sâm dưỡng vinh thang (Thái bình huệ dân hoà tễ cục phương)
– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Bài 5: Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) hợp Sinh mạch ấm (Nội ngoại thương biện hoặc luận)

Thành phần Liều lượng
Sinh địa 15g
Hoài sơn 8g
Đơn bì 10g
Ngũ vị tử 8g
Sơn thù 8g
Phục linh 8g
Sa sâm 10g
Trạch tả 6g
Mạch môn 10g

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống lúc ấm.
Bài 6: Dưỡng âm thanh phế thang (Trùng lâu ngọc hồ).

Thành phần Liều lượng
Sinh địa 12-20g
Mạch môn 8 – 16g
Bạch hà 6-8g
Huyền sâm 8-16g
Đơn bì 8-16g
Cam thảo 6-8g
Xích thược 8-12g
Xuyên bối mẫu 8-12g
Có thể dùng thêm Đảng sâm

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Châm cứu:
– Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao, Thái khê, Phục lưu, Âm cốc, Khúc tuyền, Phế du, Tâm du, Can du, Thận du.
– Bình bổ bình tả: Thái xung, Nội quan.
Căn cứ biện chứng luận trị, thầy thuốc gia giảm phương huyệt phù họp.
– Phương pháp châm: Điện châm.
– Thủy châm: Vitamin nhóm B kết hợp.
– Liệu trình: 15 ngày/ 1 liệu trình, chọn từ 5 – 15 huyệt.
3. Thể khí hư huyết ứ:
Triệu chứng lâm sàng: Mệt mỏi, khó thở, thở gấp, đau tức ngực, đau lâu ngày không đỡ, đau nhói, khô miệng không muốn uống nuớc, trống ngực, mất ngủ hay mơ, phiền táo, hay tức giận. Luỡi đỏ xạm, có điểm huyết ứ. Mạch khẩn hoặc sáp.
Pháp điều trị: ích khí bổ phế, Hoạt huyết hóa ứ.
(1) Bài thuốc tham khảo:
Bài 1: Bảo nguyên thang (Tỳ vị luận) phối với Huyết phủ trục ứ thang (Y lâm cải thác)

Thành phần Liều lượng
Đảng sâm 80g
Chích kỳ 12g
Hồng hoa 12g
Xuyên khung 6g
Cát cánh 6g
Cam thảo 4g
Chích thảo 40g
Nhục quế 2g
Đương quy 12g
Xích thược 8g
Sài hồ 4g
Sinh khương 4g
Đào nhân 16g
Sinh địa 12g
Ngưu tất 12g
Chỉ xác 8g

Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Châm cứu:
– Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao, Tâm du, Can du, Thận du, Thần môn.
– Châm tả: Huyết hải, Lương khâu, Họp cốc, Liệt khuyết, Thái xung.
Căn cứ biện chứng luận trị, thầy thuốc gia giảm phương huyệt phù hợp.
– Phương pháp châm: Điện châm.
– Thủy châm: Vitamin nhóm B kết hợp.
Liệu trình: 15 ngày/ 1 liệu trình, chọn từ 5 – 15 huyệt
4. Thể khí huyết hư,
Triệu chứng lâm sàng: Tinh thần mệt mỏi, đoản hơi đoản khí, ho khan không đờm, dễ mệt mỏi, ăn uống kém, tay chân vô lực, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, sắc mặt trắng xanh không tươi, móng tay chân nhợt, trong người nóng lại sợ lạnh, chất lưỡi non bệu, mạch tế vô lực.
Pháp điều trị: Bổ khí dưỡng huyết.
Bài thuốc tham khảo: Bát trân thang gia giảm (Thủy trúc đường kinh nghiệm phương)

Thành phần Liều lượng
Đảng sâm 12g
Xuyên khung 8g
Bạch linh 10g
Tang diệp 12g
Cam thảo 4g
Đương quy 12g
Cát cánh 8g
Bạch truật 10g
Sài đất 12g
Sinh địa 16g
Bạch thược 10g
Kim ngân hoa 12g
Xạ can 8g

– Dạng bào chế: Thuốc sắc hoặc cao lỏng.
– Cách dùng, liều dùng: uống 1 thang/ngày, chia đều 2 lần sau ăn sáng chiều, uống ấm.
Châm cứu:
– Châm bổ: Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lý, Tam âm giao, Tâm du, Can du, Thận du, Thần môn.
Căn cứ biện chứng luận trị, thầy thuốc gia giảm phương huyệt phù hợp.
– Phương pháp châm: Điện châm.
– Thủy châm: Vitamin nhóm B kết hợp.
Liệu trình: 15 ngày/ 1 liệu trình, chọn từ 5 – 15 huyệt.
Các bệnh lý, triệu chứng kèm theo gây khó chịu có thể kết hợp điều trị thêm bằng châm cứu, xoa bóp, dùng thuốc như : Mất ngủ, đau nhức khớp, đau nhức toàn thân, ho, chóng mặt, đau đầu, khó thở, hụt hơi, hồi hộp, phát ban, rối loạn kinh nguyệt, đau ngực, đau dạ dày, thay đổi vị giác, khứu giác, tiêu chảy…
Khi có các triệu chứng bất thường cần đi khám thầy thuốc để được cho thuốc và các chỉ định không dùng thuốc phù hợp. Không nên tự ý dùng thuốc và điều trị.

TS BS Trương Thị Ngọc Lan – Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc-Phó Chủ tịch Hội Đông y Thành Phố Hồ Chí Minh

SHARE